Mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử lý hình sự?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHai đối tượng trong đường dây mang thai hộ bị bắt giữ (Ảnh: CACC) |
Triệt phá đường dây mang thai hộ
CA huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 đối tượng: Triệu Thị Kim Thảo, SN 1991, trú tại phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; Phạm Quốc Tuấn, SN 1990, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội; Nguyễn Thị Thanh Loan, SN 1993, trú tại Ấp Tân Kiên, quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh và Trần Ngọc Nam, SN 1995, trú tại phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội về tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” theo khoản 2 Điều 187, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước đó, CA huyện Sóc Sơn phối hợp với CA phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, kiểm tra tại số nhà 32/37 ngõ 204 đường Xuân Đỉnh. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 7 phụ nữ (3 người đang mang bầu, 1 người đã cấy phôi thai vào người). Cơ quan điều tra xác định, những phụ nữ này nằm trong đường dây mang thai hộ do Thảo và Tuấn cầm đầu. Hai đối tượng khác là Loan và Nam đóng vai trò giúp sức.
Thông qua mạng xã hội, các đối tượng thấy nhiều gia đình hiếm muộn có nhu cầu thuê người mang thai hộ nên đã thuê căn nhà trên tổ chức nuôi, chăm sóc những người mang thai hộ. Khi có khách hàng liên hệ, Tuấn và Thảo thoả thuận giá từ 800 đến 1,2 tỷ đồng mỗi trường hợp. Sau đó, các đối tượng lấy phôi rồi liên hệ với các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đặt vấn đề mang thai hộ với giá khoảng 300 triệu đồng mỗi ca. Nếu trót lọt mỗi vụ việc, các đối tượng hưởng lợi từ 500 - 800 triệu đồng mỗi ca.
Hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra mở rộng.
Chế tài chưa đủ răn đe
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, mang thai hộ là việc một người mang thai cho một người khác nhằm giúp người đó có con. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chỉ cho phép thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tức chỉ nhằm giúp đỡ cặp vợ chồng không thể có con được làm cha mẹ. Còn nếu một người mang thai hộ vì mục đích thương mại, tức nhằm hưởng một lợi ích nào đó về tiền hay vật chất,… thì có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo khoản 23 Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì mang thai hộ vì mục đích thương mại được hiểu là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Theo nội dung điểm g khoản 2 Điều 5, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính là các hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định.
Theo Điều 60, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về sinh con thì đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Ngoài ra còn có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 60, Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Còn liên quan đến vụ việc nêu trên, căn cứ vào các thông tin cơ quan công an cung cấp, các đối tượng trong vụ án trên có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 187, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, điều luật này được chia làm 2 khung hình phạt, cụ thể:
Tại khung 1, người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Tại khung 2, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: đối với 2 người trở lên; phạm tội 2 lần trở lên; lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại vẫn tiếp diễn trong thời gian qua là do chế tài đối với loại tội phạm này còn khá nhẹ và chưa chặt chẽ, khó đủ sức răn đe. Trong khi đó, trong xã hội có cầu, ắt có cung nên sẽ khó hạn chế được tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại khi mà mức xử phạt đối với loại tội phạm này còn quá thấp.
“Để ngăn chặn triệt để hành vi mang thai hộ bất hợp pháp rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đồng thời, pháp luật cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn cũng như đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân đối với loại tội phạm này” - luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Trên thực tế, pháp luật nước ta hiện nay vẫn tạo điều kiện để các cặp vợ chồng không thể có con được phép nhờ người mang thai hộ, tuy nhiên cần có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 95, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Bên cạnh đó, người mang thai hộ cần đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 95, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại