Thứ năm 23/01/2025 13:59

Mở "cửa sống", xây dựng phương án thoát hiểm tại mỗi hộ gia đình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ những vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở các ngôi nhà ống vừa ở kết hợp kinh doanh có thể nhận thấy, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng về việc tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm quy định an toàn phòng cháy thì mỗi gia đình, người dân cần nâng cao ý thức phòng cháy, mở thêm "cửa sống", xây dựng các phương án thoát hiểm cho bản thân và gia đình khi sự cố cháy nổ xảy ra...
Các chuyên gia khuyến cáo, nhà ở kết hợp kinh doanh, đặc biệt là dạng nhà ống, luôn tiềm ẩn hiểm họa khôn lường nếu xảy ra cháy nổ. Do vậy, mỗi gia đình cần xây dựng các phương án thoát hiểm. Ảnh: Tuyết Nhi
Các chuyên gia khuyến cáo, nhà ở kết hợp kinh doanh, đặc biệt là dạng nhà ống, luôn tiềm ẩn hiểm họa khôn lường nếu xảy ra cháy nổ. Do vậy, mỗi gia đình cần xây dựng các phương án thoát hiểm. Ảnh: Tuyết Nhi

Liên tiếp xảy ra vụ cháy, nổ

Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng làm thiệt hại nhiều người, tài sản, có thể thấy hầu hết nguyên nhân của các vụ cháy do sự cố hệ thống thiết bị điện và sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn nhiệt. Thêm một yếu tố nữa là do chủ nhà chưa thật sự quan tâm đến an toàn cháy nổ đối với chính ngôi nhà mình đang sinh sống.

Cụ thể, sáng sớm 8/7, tại địa chỉ số nhà 12, ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng. Ngay khi phát hiện sự việc, 4 đơn vị, 2 xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ, xe chở phương tiện và cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng, Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực số 2 (Công an TP Hà Nội) được điều động có mặt tại hiện trường. Đến khoảng 7h37 phút cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt, tuy nhiên, vụ cháy đã để lại hậu quả lớn, làm 3 người tử vong vì đều mắc kẹt trong nhà.

Khu vực xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ (làm móng chân, móng tay), nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích khoảng 60m2 (chiều rộng khoảng 2,5m, chiều dài khoảng 24m), kết cấu bê tông cốt thép.

Trước đó, vụ cháy nhà tại quận Hà Đông, Hà Nội làm 4 nạn nhân tử vong khiến nhiều người xót xa. Cụ thể, sáng 13/5, Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy tại ngôi nhà cao 3 tầng, 1 tum ở phường Quang Trung, quận Hà Đông. Trung tâm thông tin chỉ huy Công an Thành phố nhanh chóng điều động Công an quận Hà Đông, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực IV xuống hiện trường làm nhiệm vụ. Đến khoảng 8h15, đám cháy được khống chế và dập tắt.

Trong quá trình tiếp cận tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra các tầng đã phát hiện 4 nạn nhân là bà cháu tử vong trong đám cháy. Vụ cháy là một tín hiệu cảnh báo nguy hiểm từ những ngôi nhà, chung cư đang được rào chắn không lối thoát.

Và gần đây nhất, rạng sáng nay (19/7), một vụ cháy nghiêm trọng cũng đã xảy ra tại một ngôi nhà kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở huyện Hoài Đức khiến 3 người trong một gia đình tử vong. Đây tiếp tục là một bài học đau xót. Vụ hỏa hoạn này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng chống cháy, nổ tại các nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở trong khu dân cư đô thị.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những vụ cháy nhà dân có nhiều người tử vong đa phần là những ngôi nhà được tận dụng để kinh doanh, bán hàng... Nhà ở trong đô thị lại biến thành kho hàng, trong khi đó khả năng ứng phó với cháy, nổ của người dân còn kém, thậm chí chủ quan. Chính vì vậy, cần trang bị những kiến thức phù hợp thực tế cho người dân xóa bỏ những thói quen làm chuồng cọp, bịt giếng trời, cửa sổ… tự nhốt mình trong không gian bức bí như "hộp diêm".

Người dân cần trang bị kiến thức về phòng, chống cháy nổ.

Theo các chuyên gia, từ những vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở các ngôi nhà ống vừa ở kết hợp kinh doanh có thể nhận thấy, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng về việc tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm quy định an toàn phòng cháy thì mỗi gia đình, người dân cần nâng cao ý thức phòng cháy, mở thêm "cửa sống", xây dựng các phương án thoát hiểm cho bản thân và gia đình khi sự cố cháy nổ xảy ra...

Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) khuyến cáo, đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, không được để hàng hóa, chất cháy trên lối ra cầu thang bộ hoặc liền kề với lối ra cầu thang thoát nạn. Khi có cháy nhanh chóng thoát ra thang bộ hoặc lối thoát khẩn cấp để ra ngoài.

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, khi cháy tại tầng 1 cần thoát ngay qua cửa chính hoặc cửa phụ, cách ngách nếu có. Cửa ra ngoài tại tầng 1 nên dùng cửa bản lề mở theo chiều lối thoát, hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn. Quy định nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra cháy nổ. Trường hợp dùng cửa cuốn thì nên có thêm cửa ngách; cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.

Khi cháy tại tầng 2 trở lên cần chạy vào thang bộ, nếu thang bộ bị nhiễm khói thì tìm lối thoát khẩn cấp ra ban công, lô gia, cửa sổ hoặc lối sang nhà kế bên… Khi cháy ở tầng 4 hoặc 5, liền kề tầng mái nếu thang bộ bị nhiễm khói không thể chạy xuống, đồng thời không ra được ban công, lô gia thì cần chạy lên mái. Tại tầng mái phải có cửa ra, trường hợp cửa ra có khóa cần phải để khóa nơi dễ thấy và có dụng cụ để cắt, phá khóa khi có cháy, sau đó từ mái thoát sang nhà bên.

Nếu nhà có lối lên mái theo thang bộ thì phải làm thang leo có các bậc thang gắn vào tường nhà và thoát qua cửa nóc. Trên đường di chuyển phải hô hoán báo cháy cho mọi người biết; dùng khăn ướt hoặc mặt nạ phòng độc che kín miệng, mũi để hạn chế ngạt khói, khí độc. Trên đường di chuyển có nhiều khói hãy hạ thấp người để di chuyển, tranh hít phải khói, khí độc, lần sát theo tường để thóat ra ngoài. Nếu phải băng qua lửa hãy dùng khăn vải ướt trùm lên người…

Trang bị các phương tiện chữa cháy, mỗi tầng cần có 1 đến 2 bình chữa cháy, dụng cụ chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, xô nước, chăn chiên và mặt nạ phòng độc để nơi quy định. Khi xảy ra cháy phải ngắt điện khu vực cháy, gọi điện báo cháy theo số 114, sử dụng phương tiện chữa cháy để dập tắt đám cháy.

Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Phòng cháy chữa cháy khuyến cáo, để tránh những sự việc đau lòng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các gia đình đặc biệt các gia đình có trẻ nhỏ không dùng các nguồn điện phải rút phích cắm. Sau một thời gian sử dụng phải kiểm tra, thay thế các thiết bị điện có dấu hiệu xuống cấp để tránh chập cháy…

”Một yêu cầu bắt buộc là các gia đình phải trang bị bình bột chữa cháy. Các trường học cũng cần tăng cường những khoá học kỹ năng cho trẻ, đưa ra ứng xử an toàn, trang bị kiến thức để các em hiểu biết, phòng ngừa, thoát hiểm khi cháy nổ xảy ra” - Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm nhấn mạnh.

Nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”
Hà Nội lần đầu tiên có mô hình PCCC chuyên nghiệp tại khu tập thể cũ
Tập huấn PCCC: Chập điện điều hòa ở phòng ngủ, 4 người mắc kẹt trong ngôi nhà đang cháy
Tuyết Nhi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động