Mòn mỏi tìm con và hành trình “chạm tay vào mơ ước”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChị Trần Thị Hương và anh Đàm Văn Tuân ở Yên Sơn, Tuyên Quang kết hôn 12 năm nhưng chưa có con. Khi đi khám họ được biết do anh Tuân bị tinh trùng yếu. Họ cũng biết cơ hội có con vẫn đến khi họ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Thế nhưng, với mức thu nhập của 2 vợ chồng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng thì dù họ có chắt chiu, dành dụm mãi cũng vẫn chưa biết đến khi nào mới đạt được cái ước mong.
Hay như vợ chồng chị Triệu Thị Xuân và anh Triệu Văn Thành ở Bình Gia, Lạng Sơn cũng chung hoàn cảnh. Anh chị kết hôn năm 2015, đến năm 2017 vẫn chưa sinh được con nên đi khám và được bác sĩ tư vấn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm do anh Thành bị tinh trùng yếu, mổ giãn mạch tinh; bản thân chị Xuân bị polyp buồng tử cung.
Tuy nhiên, do hai vợ chồng không có khả năng kinh tế để thực hiện nên đã về nhà cố gắng tìm thuốc Nam điều trị. Giấc mơ sinh con cứ thế xa dần khi dùng thuốc Nam không có kết quả.
Đến năm 2020, vợ chồng tìm đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, biết bệnh viện có chương trình hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm nên đã nộp hồ sơ để thử vận may và hồi hộp chờ đợi.
Mới đây, niềm vui đã đến khi bệnh viện thông báo anh chị là 1 trong số 10 cặp vợ chồng được bệnh viện hỗ trợ hoàn toàn chi phí thụ tinh trong ống nghiệm. Vậy là ước mong sinh con của anh chị đang dần trở thành sự thật, nỗi lo kinh tế không còn là trở ngại trên hành trình tìm con của anh chị Xuân - Thành.
Cũng có những trường hợp, ngoài áp lực về kinh tế thì trong cuộc sống, gia đình gặp không ít trớ trêu, trở ngại nhưng ước mơ làm cha, làm mẹ không vì thế mà vụt tắt.
Trường hợp gia đình chị Trần Thị Nga và anh Vũ Văn Khải (ở Gia Viễn, Ninh Bình) thật éo le. Năm 2012 tai nạn giao thông ập đến khiến anh Khải bị liệt do gãy 3 đốt sống lưng, phải ngồi xe lăn.
Hiểu rõ tình cảnh của anh nhưng chị Nga vẫn yêu thương và chấp nhận anh. Cả hai quen nhau suốt 10 năm và vừa kết hôn năm 2019 dù gia đình chị Nga một mực ngăn cản.
Chị hiện làm công nhân nhà máy, đồng thời gánh trọng trách phụng dưỡng bố mẹ chồng và vẫn khao khát vợ chồng sẽ có được một mụn con. Và ước mơ của họ đang đến rất gần khi họ cũng được bệnh viện lựa chọn thực hiện miễn phí ca thụ tinh trong ống nghiệm…
Thạc sĩ - bác sỹ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc BV Nam Học và Hiếm muộn cho biết: Trường hợp các cặp vợ chồng này, xét về mặt kỹ thuật, không khó để thực hiện các can thiệp giúp họ có con nhưng hoàn cảnh khó khăn của họ là một trở ngại lớn và cũng là điều khiến chúng tôi trăn trở rất nhiều.
|
Do đó, trên thực tế, quy định kinh phí có giới hạn nhưng khi chính thức tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi đều hỗ trợ nhiều hơn mức quy định đó để bệnh nhân có thể an tâm điều trị, sinh con khoẻ mạnh cũng như có điều kiện chăm sóc con tốt khi bé chào đời. Đó cũng là đích đến nhân văn của chương trình.
“Khi nhiều trường hợp nhận hỗ trợ trước đó có được quả ngọt là những đứa con của chính mình càng tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục duy trì chương trình này”, bác sỹ Hiền nói.
Theo bác sỹ Hiền, 10 trường hợp được chọn sẽ được BV tài hỗ trợ miễn phí 100% chi phí làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tùy theo từng trường hợp, chi phí cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm có thể dao động từ 70-100 triệu đồng bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ đông phôi, chuyển phôi….
Bác sỹ Lê Thị Thu Hiền thông tin thêm, đây là năm thứ 2 BV triển khai gói hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Từ năm 2019 đến nay, nhiều trường hợp đã mang thai và sinh con khoẻ mạnh.
Trong tháng 6-2020, đã có 3 gia đình cùng đón tin vui, trong đó có 2 gia đình sinh đôi 2 bé trai và 2 bé gái, 1 gia đình sinh 1 bé gái. Hiện tại, những gia đình khác đang chờ từng ngày để đón con yêu. Các gia đình sẽ được bệnh viện theo dõi sát sao và hỗ trợ tối đa trong việc chăm sóc thai kì cho đến khi sinh nở.
Năm nay, cũng có một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt tuy chưa đạt đủ các yêu cầu về hồ sơ nhưng cũng được BV trích hơn 56 triệu đồng từ Quỹ “Tấm lòng Vàng” của bệnh viện để hỗ trợ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Thúy Hằng - anh Nguyễn Danh Thỏa (Mai Hắc Đế, Nam Đàn, Nghệ An). Chị Hằng bị bỏng hóa chất năm 2012, thương tật đến 80%, hiện tại chị bị dính khớp háng rất khó khăn trong sinh hoạt nhưng niềm khao khát có được đứa con luôn cháy bỏng trong chị. Với số tiền này chị có thể biến ước mơ sinh con sớm trở thành hiện thực.
Cùng với việc công bố và trao quyết định 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí, BV cũng trao hỗ trợ 20 ca mổ nội soi thăm dò buồng tử cung miễn phí (nữ) và 20 ca mổ MicroTESE miễn phí (nam) với giá trị tương đương 14 triệu đồng/ca.
Với sự hỗ trợ thiết thực này, những cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn đang dần dần chạm tay vào mơ ước. Khi có cơ hội mở ra đồng nghĩa ngày họ tìm gặp được con yêu cũng đang dần hiện hữu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại