Thứ năm 29/05/2025 09:12
Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình:

Nâng cao năng lực bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2025/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu (CSDL) về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) nhằm nâng cao năng lực bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại Việt Nam. Nghị định số 110/2025/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10/7/2025.
CSDL này được thu thập, tạo lập, cập nhật, kết nối, chia sẻ thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Tranh minh họa
CSDL về phòng, chống BLGĐ được thu thập, tạo lập, cập nhật, kết nối, chia sẻ thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Tranh minh họa

Theo quy định của Nghị định số 110/2025/NĐ-CP, CSDL về phòng, chống BLGĐ là tập hợp thông tin về các nội dung thuộc phạm vi quản lý Nhà nước theo Điều 46 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. CSDL này được thu thập, tạo lập, cập nhật, kết nối, chia sẻ thống nhất trên phạm vi toàn quốc, nhằm phục vụ nhiều mục tiêu: quản lý Nhà nước, xây dựng chính sách, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ, xử lý vi phạm pháp luật và nâng cao hiệu quả các hoạt động phòng, chống BLGĐ ở Trung ương và địa phương.

Toàn bộ quá trình này được thực hiện thông qua phần mềm quản lý chuyên biệt, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các cấp triển khai vận hành.

16 nhóm thông tin chính trong Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình

CSDL về phòng, chống BLGĐ bao gồm 16 nhóm nội dung thông tin, phản ánh đầy đủ, toàn diện các hoạt động quản lý, tuyên truyền, can thiệp, hỗ trợ và xử lý vi phạm liên quan đến bạo lực gia đình. Cụ thể:

1. Thông tin về ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình;

2. Thông tin về thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

3. Thông tin về hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình;

4. Thông tin về vụ việc bạo lực gia đình và hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong phòng, chống bạo lực gia đình;

5. Thông tin chung về người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam;

6. Thông tin chung về người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam;

7. Thông tin chung về người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình, cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng;

8. Thông tin chung về cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 5 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;

9. Thông tin về các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình;

10. Thông tin về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình;

11. Thông tin về đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình;

12. Thông tin về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình;

13. Thông tin khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình;

14. Thông tin về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

15. Thông tin về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

16. Thông tin, dữ liệu được hình thành từ quá trình triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 46 của Luật Phòng, chống chống bạo lực gia đình.

CSDL về phòng, chống BLGĐ là cơ sở để áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình

Mục đích của việc thu thập, tạo lập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện thống nhất trên toàn quốc thông qua phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm:

- Phục vụ quản lý Nhà nước và xây dựng chính sách chính xác, kịp thời: nhờ hệ thống dữ liệu thống nhất, các cơ quan chức năng có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tiễn, đầy đủ và cập nhật.

- Hỗ trợ hiệu quả cho nạn nhân: thông tin được thu thập và phân tích có thể giúp xác định những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp nhanh chóng, kịp thời.

- Rút ngắn thời gian xử lý và giảm chi phí hành chính: tự động hóa quá trình thu thập, tổng hợp, báo cáo thông tin giúp tiết kiệm nguồn lực cho cả Trung ương và địa phương.

- Đơn giản hóa thủ tục và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến: CSDL cho phép người dân tiếp cận dịch vụ công dễ dàng, minh bạch và thuận tiện hơn.

- Tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý: dữ liệu được chia sẻ theo phân quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng cơ quan, đảm bảo linh hoạt và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ.

Một điểm nổi bật của Nghị định là việc CSDL về phòng, chống BLGĐ sẽ được tích hợp, kết nối với các hệ thống dữ liệu khác của cơ quan Nhà nước thông qua các nền tảng như: nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu quốc gia; trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống thông tin cấp bộ, cấp tỉnh, mạng Internet và mạng máy tính chuyên dụng. Thông tin trong hệ thống CSDL được cung cấp dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình là cơ sở để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình; được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp qua Cổng thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình ở Trung ương, địa phương có giá trị nghiên cứu, học tập, tham khảo.

Để đảm bảo an toàn thông tin và quyền riêng tư của cá nhân, Nghị định 110/2025/NĐ-CP quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm:

- Truy cập trái phép vào hệ thống.

- Làm sai lệch, thay đổi, xóa hoặc hủy dữ liệu trái quy định.

- Tiết lộ thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

- Sao chép hoặc cung cấp thông tin sai lệch.

- Cản trở hoạt động vận hành của hệ thống.

Các hành vi này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Việc ban hành Nghị định 110/2025/NĐ-CP thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hiện đại hóa công tác phòng, chống BLGĐ, lấy con người làm trung tâm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi thành viên trong gia đình.

Dữ liệu chính xác, minh bạch, cập nhật sẽ không chỉ giúp các cơ quan quản lý nâng cao hiệu quả công việc, mà còn góp phần lan tỏa thông điệp yêu thương, xây dựng nền tảng gia đình bền vững – hạt nhân của sự phát triển xã hội.

Ngày hội “Thể thao vì hạnh phúc gia đình - không bạo lực” năm 2025
Bộ Y tế phát động chiến dịch hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5
Đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động