NATO hướng đến mục tiêu chi tiêu quốc phòng 5% GDP trong thập kỷ tới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
NATO hướng tới mục tiêu chi tiêu quốc phòng cho toàn khối ở mức 5% GDP. |
Thông tin này được Ngoại trưởng Mỹ - Marco Rubio xác nhận hôm 15/5. Đây được xem là một động thái cứng rắn của Mỹ trong việc thúc đẩy các đồng minh NATO tăng cường năng lực phòng thủ, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa hạ nhiệt và tình hình an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ngay sau tuyên bố của ông Rubio, Ngoại trưởng Đức - Johann Wadephul cũng cho biết Berlin ủng hộ kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng này, đồng thời cam kết tuân thủ yêu cầu từ Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Đức hiện đã chi 2,1% GDP cho quốc phòng, vượt ngưỡng cam kết tối thiểu của NATO và tiếp tục tăng để đạt mục tiêu mới.
Đáng chú ý, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đã đề xuất một kế hoạch chi tiêu cụ thể gồm 3,5% GDP cho chi tiêu quân sự trực tiếp và 1,5% cho các khoản chi liên quan đến an ninh quốc gia như cơ sở hạ tầng, công nghệ cao và công nghiệp quốc phòng. Kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ và đang được các nước đồng minh thảo luận tại cuộc họp gần khu nghỉ mát Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Italia cũng vừa tuyên bố đã đạt mức chi tiêu 2% GDP và để ngỏ khả năng tăng thêm ngân sách quốc phòng trong tương lai gần. Tây Ban Nha đang gấp rút bổ sung hơn 10 tỷ euro để theo kịp mục tiêu, trong khi Bỉ đã thành lập Quỹ quốc phòng đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ đạt mức 2% trong năm nay.
Theo báo cáo của NATO, năm 2024 ghi nhận 22 trong tổng số 32 quốc gia thành viên đã đạt được ngưỡng chi tiêu 2% GDP – con số tăng vọt so với chỉ 3 quốc gia vào năm 2014 (Mỹ, Anh, Hy Lạp). Tuy nhiên, sự phân hóa vẫn còn tồn tại khi có 10 quốc gia chưa đạt ngưỡng, trong đó Bỉ mới chỉ chi 1,29% GDP.
Về giá trị tuyệt đối, Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong NATO, chiếm đến 64% tổng ngân sách quốc phòng toàn khối. Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ GDP, Mỹ xếp sau Ba Lan, Estonia và Latvia – những nước đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng ngân sách quân sự.
Hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến tổ chức tại Lahaye (Hà Lan) vào tháng 6 tới, sẽ là thời điểm then chốt để các quốc gia thành viên chính thức thông qua kế hoạch đầy tham vọng này.
Nếu được phê duyệt, việc nâng mục tiêu chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP sẽ đánh dấu một bước chuyển lớn trong chính sách an ninh tập thể của NATO, mở đường cho việc củng cố sức mạnh quân sự, nâng cao năng lực phòng vệ và tăng tính răn đe chiến lược trong bối cảnh địa chính trị ngày càng bất ổn.
Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao kỷ lục kể từ Chiến tranh Lạnh | |
NATO tập trận sát biên giới Nga: căng thẳng mới tại châu Âu? |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại