Thứ sáu 24/01/2025 12:02

Ngăn thực phẩm bẩn vào trường học: Phụ huynh cần giám sát chặt chẽ, thường xuyên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều địa phương thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bữa ăn bán trú của học sinh, khiến các phụ huynh vô cùng lo lắng. Qua một số điểm sơ hở, thực phẩm bẩn và khâu chế biến, bảo quản thực phẩm chưa chặt chẽ đã khiến chất lượng bữa ăn bán trú bị ảnh hưởng. Chỉ có cách tăng cường giám sát, thường xuyên và liên tục thì mới không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc từ bữa ăn học đường.    

Chất lượng bữa ăn còn nhiều lo lắng

Ngay trong tháng đầu của năm học mới 2020-2021, tại trường tiểu học Tiên Dương (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), khi tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh (gồm thịt kho tàu và trứng chim cút, su su xào, canh rau ngót, cơm trắng) đã khiến 48 học sinh có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, một số em phải nhập viện cấp cứu.

Đầu tháng 10, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) tổ chức bữa ăn trưa cho 151 học sinh bán trú. Bữa ăn gồm các món: Cơm trắng, chả lợn, quả su su xào, canh bắp cải… Đến 17g cùng ngày, có 21 học sinh có biểu hiện sốt, đau đầu, đau bụng, đi ngoài, buồn nôn và nôn. Nhà trường đưa học sinh ra Trạm y tế xã Vĩnh Yên điều trị. Đến 22g cùng ngày, tiếp tục có thêm 26 học sinh có biểu hiện tương tự được phụ huynh đưa vào Trạm y tế điều trị (trong đó có 8 học sinh có triệu chứng sốt cao liên tục trên 39 độ được chuyển đến BVĐK huyện Bảo Yên điều trị).

Tại TP HCM, các vụ ngộ độc còn xảy ra liên tiếp, trong hai ngày 12 và 13-9, có 98 học sinh trường Tiểu học Bình Trưng Đông ở quận 2 có biểu hiện bất thường; 20 em đã phải nhập viện, nghi do ngộ độc bữa ăn ở trường. Sự việc xảy ra ngày 11-9, khi các em ăn trưa với bánh canh tôm, ăn xế với bánh su kem, sau đó nôn ói, đau bụng, tiêu chảy.

Cách đó không lâu, 61 học sinh trường tiểu học Nguyễn Thị Định ở quận 12 phải nhập viện với các triệu chứng nghi do ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…

Ngày 23-10, sau khi ăn sáng xong, hàng loạt học sinh trường mầm non tại cơ sở Kid’s Club Him Lam An Phú ở quận 9 bị nôn ói, tiêu chảy. Sau sự việc, nhà trường đã hai lần họp với phụ huynh học sinh, sau đó, nhà trường mới báo sự việc cho Phòng GD&ĐT quận 9. Xét nghiệm mẫu thức ăn của nhà trường cho thấy thức ăn bị nhiễm E.Coli và Coliform.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh học sinh trường Tiểu học Trần Thị Bưởi ở quận 9 tận mắt chứng kiến khẩu phần ăn “nghèo nàn” của con em mình. Họ còn phát hiện nguyên liệu, thực phẩm để chế biến bữa ăn không rõ nguồn gốc, hư hỏng, giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Họ cho rằng, với tình trạng như vậy, ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra.

Theo lý giải của của Cục ATVSTP: E.Coli hay còn gọi là trực khuẩn lị, kí sinh trong ruột già của người và động vật, có thể được tìm thấy ở trong môi trường đất, nước, thực phẩm… có những loài vô hại nhưng lại có những loài có thể gây ngộ độc thức ăn và các bệnh về đường ruột. Việc một số thực phẩm bị nhiễm các loại vi sinh nói trên có thể do môi trường chế biến, các dụng cụ chứa đựng, chia gắp không đảm bảo vệ sinh hoặc bàn tay người chế biến không sạch sẽ gây nên vụ ngộ độc thực phẩm.

phu huynh can giam sat chat che thuong xuyen
Kiểm tra công tác ATVSTP trong trường học tại Hà Nội. Ảnh: P. Thủy

Tăng cường giám sát

Chỉ một khâu trong quá trình thực hiện bảo quản thực phẩm, chia gắp bữa ăn có thể làm ảnh hưởng đến sự an toàn của bữa ăn, vì thế, việc bảo đảm ATVSTP trong trường học, nếu không được quan tâm đúng mức có thể có những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trước và trong năm học mới, Bộ đã có nhiều công văn chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm ATVSTP trong các cơ sở giáo dục; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, ở những cơ sở còn xảy ra ngộ độc, rõ ràng, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, nguồn gốc, chất lượng thực phẩm chưa đảm bảo. Phụ huynh cần tăng cường giám sát công tác này, thường xuyên và liên tục hơn.

Trong tuần qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn gửi các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và hiệu trưởng các trường trực thuộc, yêu cầu chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn trường học năm học 2020-2021. Một trong những nội dung quan trọng đối với các đơn vị, trường học là chú trọng công tác bảo đảm ATVSTP, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và nguồn gốc thực phẩm cung cấp vào trường học… Các trường học cũng lên kế hoạch cụ thể để phụ huynh cùng tham gia giám sát công tác đảm bảo ATVSTP này. Ở nơi nào, sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên thì chất lượng bữa ăn bán trú và vấn đề an toàn thực phẩm chắc chắn sẽ đảm bảo, quy củ hơn.

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động