Thứ sáu 24/01/2025 01:09

Nghệ An ngăn chặn vận chuyển, nhập lậu trâu, bò qua biên giới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cơ quan chức năng Nghệ An cho biết, trong năm 2022 chỉ có duy nhất 1 đơn vị đăng ký nhập khẩu trâu, bò qua đường chính ngạch từ nước ngoài vào Nghệ An qua cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) với số lượng 150 con.

Trâu, bò từ ngoài vào nội địa ra sao?

Gần đây, câu chuyện liên quan về việc “thổi lớn” trâu, bò bằng chất cấm khiến dư luận hết sức quan tâm. Đáng nói, số trâu, bò được nuôi bằng chất cấm ấy, sau khi vào nội địa nước ta, được vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành, rồi giết mổ bán cho người tiêu dùng. Lượng chất cấm tồn dư trong trâu, bò còn lớn, nếu ăn vào lâu dài sẽ đe dọa sức khỏe.

Điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao với sự kiểm tra, kiểm soát từ vùng biên như vậy mà trâu, bò vẫn được nhập lậu sâu vào nội địa? Nguy hại nhất là việc số trâu bò lậu này không được kiểm dịch an toàn.

Qua tìm hiểu của phóng viên tại Nghệ An, các cơ quan chức năng liên quan đều cho rằng lượng trâu bò nhập ngoại từ nước bạn như Lào, Thái Lan vào Nghệ An giết mổ là rất ít, gần như là không có.

Nghệ An ngăn chặn vận chuyển, nhập lậu trâu, bò qua biên giới
Việc trâu, bò nhập lậu vào nội địa đã và đang gây nên nhiều hệ lụy

Cụ thể, Phó Chi cục trưởng Thú y và Chăn nuôi tỉnh Nghệ An Ngô Đức Quỳnh cho rằng, Nghệ An là địa phương có lượng trâu, bò chăn nuôi lớn, toàn tỉnh có khoảng 200 điểm giết mổ. Thú y tỉnh Nghệ An hiện chỉ còn 1 trạm kiểm dịch nằm trên Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Hoàng Mai. Trong 2 năm qua, Nghệ An chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào vi phạm nhập lậu trâu bò qua biên giới.

Ông Quỳnh cũng cho rằng, phía đơn vị chỉ thực hiện việc kiểm dịch trong tỉnh, còn khu vực vùng biên do Chi cục thú y vùng III phụ trách. Trong năm 2022, chốt kiểm dịch cũng xử phạt được hơn 20 triệu tiền vi phạm chở động vật trên tuyến nhưng không có giấy tờ kiểm dịch theo quy định.

Còn ông Trần Anh Tuấn - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng III, là đơn vị trực tiếp thực hiện việc kiểm dịch trâu, bò chính ngạch từ các nước vào Việt Nam qua cửa khẩu Nậm Cắn cho biết, trong năm 2022 phía đơn vị chỉ xác nhận thủ tục cho một công ty nhập 150 con bò thịt từ Lào về Việt Nam ngoài ra không có bất kỳ đơn vị nào khác đăng ký, khai báo hồ sơ nhập trâu bò qua cửa khẩu vào nội địa tỉnh Nghệ An. Về hàng nhập không chính ngạch thì không thuộc thẩm quyền, mà do Hải quan, Biên phòng quản lý.

“Trâu, bò từ nước ngoài vào nội địa Việt Nam, theo quy định tại luật thú y thì thời gian cách ly là không quá 45 ngày tùy thuộc vào loài động vật, mục đích sử dụng. Thông thường động vật làm giống thì có thể phải cách ly lâu hơn do phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, động vật nhập về để giết mổ thì thời gian cách ly ngắn hơn, tùy thuộc vào từng lô hàng cụ thể và thời gian trả lời kết quả xét nghiệm từ các cơ quan chức năng thực hiện xét nghiệm các bệnh theo quy định...” - ông Tuấn thông tin.

Thực trạng trâu, bò từ ngoài vào Nghệ An lâu nay ra sao? Để rõ hơn về việc này, phóng viên đã tìm cách liên hệ với một người tài xế của một chủ đầu nậu lớn chuyên đưa hàng trâu, bò từ Lào, Thái về Nghệ An qua đường cựa khẩu thì được “tiết lộ” rằng, trâu, bò ngoại vẫn vào nội địa Nghệ An đều đặn. Thời gian gần đây có giảm hơn, nhưng tầm độ tháng 6, tháng 7 vừa qua thì bình quân riêng chở cho đầu nậu này lên tới 2 chuyến/ ngày và mỗi chuyến chở khoảng 70-80 con.

Trong vai người cần mua hàng trâu, bò Lào, Thái với số lượng lớn để làm thịt bán dịp tết, qua điện thoại, phóng viên được chủ đầu nậu tên T khẳng định cần bao nhiêu cũng có, báo trước mấy ngày để chuẩn bị hàng. Nhưng T cũng cho biết, thời điểm này đang "làm căng" do một số lý do, còn cần hàng thì cứ chủ động điện trước số lượng, không cần phải cọc, giấy tờ không phải lo vì trong tỉnh, nếu đi ngoài tỉnh mới cần giấy tờ kiểm dịch. Giấy tờ kiểm dịch nếu cần thì bên T sẽ liên hệ xử lý luôn...

Tăng cường xử lý

Trước câu chuyện trâu, bò nhập lậu, chứa chất cấm... gây nhức nhối dư luận, vừa qua Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có Công văn chỉ đạo số 8249/BNN-TY ngày 7/12/2022 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị chỉ đạo Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung nguồn lực tổ chức ngăn chặn, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò vào Việt Nam.

Nghệ An ngăn chặn vận chuyển, nhập lậu trâu, bò qua biên giới
Không chỉ không bảo đảm về chất lượng, trâu, bò thịt nhập lậu vào nội địa còn khiến giá thị trường thịt trâu, bò trong nước bị ảnh hưởng...

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có Công văn số 9853/UBND-NN yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vận chuyển, buôn bán trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện rà soát kỹ, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò trên địa bàn có nguồn gốc từ các địa phương giáp biên giới với Lào, nhất là từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiếp tay cho việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, hợp thức hóa nguồn gốc trâu, bò nhập lậu, làm giả, làm trái quy định trong công tác kiểm dịch vận chuyển.

Đối với các huyện giáp biên giới Việt - Lào, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần rà soát, thống kê chính xác tổng đàn trâu, bò của địa phương, chỉ đạo UBND các xã giáp biên không xác minh nguồn gốc cho trâu, bò không thuộc địa phương quản lý. Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra tình trạng hợp thức hóa, xác nhận nguồn gốc trâu bò nhập lậu vào địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh và công tác kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Cùng với đó, phối hợp với Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng III tổ chức giám sát dịch bệnh động vật, sử dụng chất cấm trên trâu, bò nhập khẩu và nghi nhập lậu trái phép vào Việt Nam. Thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Đồng thời, phối hợp với UBND cấp huyện và các lực lượng chức năng có liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc vận chuyển trâu bò, sản phẩm trâu bò nhập lậu qua biên giới.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.

Công an tỉnh tổ chức điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, hợp thức hóa nguồn gốc, làm giả giấy tờ kiểm dịch vận chuyển, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra vận chuyển trâu bò, sản phẩm trâu bò trên các tuyến đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7, Quốc lộ 48, Đường Hồ Chí Minh... Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển trâu bò không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật.

Cục Quản lý thị trường phối hợp với UBND cấp huyện, cơ quan thú y và các đơn vị có liên quan kiểm tra, kiểm soát buôn bán, vận chuyển trâu, bò nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chánh án TAND Nghệ An: Án liên quan tới đất đai chiếm tỷ lệ tương đối lớn Chánh án TAND Nghệ An: Án liên quan tới đất đai chiếm tỷ lệ tương đối lớn
Nghệ An: Thông tin cảnh báo xả lũ vẫn còn những “khoảng trống” Nghệ An: Thông tin cảnh báo xả lũ vẫn còn những “khoảng trống”
Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động