Người dân cần hiểu rõ về những lợi ích từ mô hình phòng khám bác sĩ gia đình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMô hình BSGĐ được áp dụng từ lâu ở nhiều nước trên thế giới. Mỗi nước sẽ có một cách áp dụng mô hình khác nhau. Tuy nhiên, các nước đều làm theo một nguyên lý chung là nguyên lý của chuyên ngành y học bác sĩ gia đình.
Khi áp dụng vào Việt Nam, mô hình bác sĩ gia đình sẽ kéo dài tuổi thọ cho người dân. Mô hình này hướng đến dự phòng, do đó, nếu phát hiện sớm, chữa trị sớm sẽ ngăn ngừa được các ca bệnh nặng, giảm tử vong.
Người dân cần hiểu rõ về những lợi ích từ mô hình BSGĐ để đặt trọn niềm tin khám chữa bệnh tại nhà, gần nhà |
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.
Có hai mô hình tổ chức của phòng khám bác sỹ gia đình bao gồm trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và phòng khám bác sỹ gia đình.
Trong mô hình phòng khám BSGĐ bao gồm phòng khám BSGĐ tư nhân (gồm cả phòng khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính có nhu cầu hoạt động theo mô hình phòng khám bác sỹ gia đình); phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (bệnh viện nhà nước).
Mô hình phòng khám BSGĐ có nhiều nhiệm vụ, tạo điều kiện cho người bệnh được chăm sóc tốt hơn.
Cụ thể, với trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình có nhiệm vụ thực hiện chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định chuyển tuyến y học gia đình.
Theo đó, tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, BSGĐ có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến. Họ được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường, thực hiện một số thủ thuật như thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu nước tiểu, lấy máu để xét nghiệm, tiêm, truyền dịch,...
Với các phòng khám BSGĐ được thực hiện các nhiệm vụ như sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế.
Phòng khám BSGĐ là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị.
Theo quy định, tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, BSGĐ tại các phòng khám có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến.
Riêng đối với phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện việc chuyển tuyến y học gia đình bao gồm cả việc chuyển người bệnh vào các khoa lâm sàng của bệnh viện mà vẫn được coi là đúng tuyến.
Các BSGĐ được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh như: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch…
Với sự tiện ích từ mô hình BSGĐ, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám BSGĐ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại