Người đàn ông xông vào nhà tấn công hàng xóm ở chung cư có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh ghi lại ông H cầm dao lao vào nhà hàng xóm. (Ảnh cắt từ clip) |
CQCA tiến hành các bước xử lý đối với ông H
Liên quan đến vụ việc người đàn ông bị hàng xóm dùng dao tấn công tại căn hộ thuộc chung cư The Light (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Công an quận Nam Từ Liêm đã có giấy triệu tập lần 1 đối với ông N.X.H. Ông H được yêu cầu có mặt tại trụ sở Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Nam Từ Liêm để làm rõ việc liên quan đến đơn tố giác của anh H.Q.L.
Theo đại diện Công an phường Trung Văn, người đàn ông này 57 tuổi, hiện đang ở một mình. Đơn vị đã rất vất vả để liên lạc với người nhà của ông H. "Chúng tôi đã báo cáo lên Công an quận Nam Từ Liêm, đồng thời làm việc với gia đình người này để có biện pháp quản lý, tránh gây hậu quả sau này" - đại diện Công an phường Trung Văn cho biết. Lực lượng chức năng cũng đang thu thập tài liệu, hồ sơ sức khỏe tâm thần của ông H để tiến hành các bước xử lý tiếp theo.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại vụ việc một người đàn ông bất ngờ cầm dao xông vào nhà hàng xóm tấn công chủ nhà.
Theo hình ảnh ghi lại, người đàn ông đang ở trong nhà chuẩn bị đồ ăn cho các cháu bé. Lúc này, phía ngoài cửa bất ngờ xuất hiện đối tượng nam giới cởi trần (được xác định là hàng xóm). Đối tượng cầm dao, xông thẳng vào đâm trực diện nhưng may mắn nạn nhân tránh được và sử dụng chiếc ghế trong nhà để chống trả. Sự việc được xác định xảy ra trong căn hộ tại tầng 6, chung cư The Light trên địa bàn phường Trung Văn.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, anh L chủ căn hộ nói trên đã trình báo Công an phường Trung Văn. Ban Quản lý chung cư The Light cũng có kiến nghị xử lý đối với ông N.X.H. Ông H đã bị Công an phường Trung Văn mời lên trụ sở làm việc.
Ông H có bị tâm thần?
Theo dõi vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi cố ý dùng dao đâm người khác nhưng nạn nhân tránh được có thể cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”. Mặc dù không đâm được nạn nhân nhưng trên thực tế, việc không đâm được là do nạn nhân tránh được chứ không phải đối tượng tự nguyện.
Vì vậy, trong trường hợp này, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích ở giai đoạn phạm tội chưa đạt”. Tuy nhiên, vấn đề này phụ thuộc vào hành vi thực tế và quá trình diễn biến của vụ việc cũng như kết luận điều tra của CQĐT.
Điều 15, BLHS năm 2015 quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”. Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hành chính.
Do đó, việc đối tượng côn đồ dùng hung khí tấn công, đe dọa người dân đến nay vẫn nhởn nhơ là điều bất ngờ với dư luận. Việc đối tượng côn đồ, manh động vẫn sống cùng trong khu chung cư là một hiểm hoạ cho cư dân, dễ phát sinh hậu quả nghiêm trọng. Và nếu không may xảy ra hậu quả chết người thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Liên quan đến thông tin cho rằng, ông H bị nhạy cảm với tiếng ồn và thường không giữ được bình tĩnh khi nghe thấy tiếng ồn to. Trước đó, người này từng có những lần cầm hung khí dọa trẻ nhỏ trong khu chung cư. Luật sư Nguyên viện dẫn, tại Điều 21, BLHS hiện hành quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Tuy nhiên, luật sư Nguyên lưu ý, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi chứ không phải mất.
“Tại khoản 2 Điều 49, BLHS 2015 quy định, người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1, trước khi bị kết án sẽ được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự” - luật sư Nguyên viện dẫn.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, căn cứ vào vụ việc, cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với ông H. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích.
Trong trường hợp hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định nghi phạm bị mất năng lực hành vi, lúc này ông H sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Trường hợp có kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận, nghi phạm chỉ bị hạn chế năng lực hành vi sẽ vẫn có thể bị truy cứu” - luật sư Nguyên nói.
Đối với trách nhiệm dân sự, người đại diện hợp pháp của người tâm thần sẽ phải thay người phạm tội chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho nạn nhân, gia đình của nạn nhân.
Để khắc phục một số bất cập này, luật sư Nguyên đề xuất, những gia đình có người bị bệnh tâm thần cần chủ động đưa người bệnh đi khám, chữa bệnh. Chúng ta cũng không nên quá trông chờ vào những cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương mà trách nhiệm chính vẫn là từ các gia đình của người có dấu hiệu tâm thần, cần giám sát và tận tâm, chia sẻ, phải đưa người tâm thần đi chữa bệnh kịp thời để phòng những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
"Hiện chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì thường vẫn đang sinh hoạt tự do, không có người quản lý, ngoại trừ gia đình. Nếu trong trường hợp gia đình không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời trường hợp người tâm thần phát bệnh và có những hành vi vi phạm pháp luật, từ đó rất dễ dẫn đến những vụ việc đau lòng - Đây cũng chính là mối tiềm ẩn gây ra nguy hiểm cao độ cho xã hội” - luật sư Nguyên nhấn mạnh. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại