Thứ năm 23/01/2025 13:57

Nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng có uy tín cần tuyển dụng lao động tại Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong những tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp phía Bắc sẽ tiếp tục tăng tuyển dụng lao động, riêng tại Hà Nội, dự báo cần 60.000 - 80.000 lao động. Trong đó, bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng… là những ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng có uy tín cần tuyển dụng lao động tại Hà Nội
Các phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức ở quận, huyện thu hút nhiều người lao động đến ứng tuyển. Ảnh: Trần Oanh

Phiên giao dịch việc làm tại các quận, huyện - một trong những giải pháp quan trọng giúp kết nối, tư vấn việc làm

Tại Phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động quận Nam Từ Liêm năm 2023 tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, có 40 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển sinh, tuyển dụng, xuất khẩu lao động với 2.210 chỉ tiêu. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động trung học phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất gần 40%; lao động trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 35%, lao động trình độ cao đẳng, đại học chiếm hơn 25%...

Về thu nhập, các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng chiếm tỉ lệ cao nhất (34,5% chỉ tiêu), tiếp đến là các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng (hơn 27%), mức thu nhập trên 15 triệu đồng đồng chiếm hơn 19%, còn lại là mức thu nhập dưới 7 triệu đồng.

Theo đánh giá của Sở LĐ - TB & XH Hà Nội, việc tổ chức các phiên GDVL tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội được coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp kết nối, tư vấn việc làm. Các phiên GDVL đã góp phần hỗ trợ người lao động trong việc tham gia thị trường lao động, được tư vấn về việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động; được tiếp xúc, phỏng vấn trực tiếp với các nhà tuyển dụng theo trình độ và nguyện vọng bản thân. Đồng thời, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng, các cơ sở tuyển sinh được tiếp xúc và tiếp nhận người lao động có nhu cầu phù hợp, đáp ứng nguồn nhân lực đảm bảo sản xuất, kinh doanh của đơn vị trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Hồng Dân – Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH Hà Nội, để giải quyết việc làm cho 162.000 lao động trong năm 2023, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, Sở đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của TP, địa phương, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho NLĐ; tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho NLĐ....

Các giải pháp đề ra đã đem lại kết quả tích cực trong điều kiện tình hình lao động, việc làm còn gặp nhiều khó khăn. Theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội, riêng trong tháng 7, TP giải quyết việc làm cho hơn 19,3 nghìn lao động, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 2.400 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 116,1 tỷ đồng. Ngoài ra, 1.600 lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn GDVL; 15,3 nghìn lao động được giải quyết việc làm qua hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác.

Người lao động nên chủ động nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức theo cùng sự chuyển động của thị trường lao động

Như vậy, qua 8 tháng đầu năm, toàn TP Hà Nội giải quyết việc làm cho 155.679 trên tổng số 162.000 lao động, đạt 96,1% kế hoạch năm, bằng cùng kỳ năm 2022. Thành phố cũng ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 48,1 nghìn người với kinh phí là 1.356 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ học nghề cho 585 người với số tiền gần 2,7 tỷ đồng.

Thị trường lao động năm nay chịu nhiều rủi ro và thách thức, bao gồm sự sụt giảm sức mua ở các thị trường lớn, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho việc sản xuất - kinh doanh, nhiều người lao động bị mất việc, hoặc bị giảm giờ làm và giảm thu nhập. Trong bối cảnh đó, việc Hà Nội đạt được 96,1% kế hoạch năm chỉ sau 8 tháng, sớm tiệm cận việc hoàn thành kế hoạch năm thực sự rất đáng ghi nhận.

Bên cạnh việc tăng cường kết nối tuyển dụng thông qua hệ thống 15 sàn giao dịch việc làm của Thủ đô, Sở LĐ - TB & XH Hà Nội đã chủ động làm việc với một số quận, huyện, thị xã đôn đốc, phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động trên địa bàn. Nhờ vậy, từ chỗ ban đầu, chỉ có 12 quận, huyện, thị xã đăng ký tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động, đến nay, con số này ngày càng tăng, thậm chí có quận, huyện còn đăng ký tổ chức từ 2 đến 3 phiên.

Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối với 14 tỉnh, TP, nhằm tiếp tục tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động qua các hình thức.

Được biết, hiện một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Ninsing Logistics, Công ty Cổ phần di chuyển xanh và Thông minh GSM, Công ty TNHH Family Foods Market, Công ty CP Đầu tư và phát triển Eco Life Việt Nam đang tuyển dụng đa dạng các ngành nghề: kế toán - thu ngân, bán hàng, nhân viên kỹ thuật, nhân viên phát triển thị trường, nhân viên hành chính, lễ tân.

Theo ông Vũ Quang Thành, sở dĩ nhu cầu tuyển dụng tại Hà Nội vẫn tốt do bên cạnh nhóm doanh nghiệp giảm quy mô sử dụng lao động, thì vẫn có không ít đơn vị mới thành lập và nhiều công ty không bị ảnh hưởng, từ đó vẫn gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự.

Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục tuyên truyền, cung cấp thông tin thị trường lao động đến người lao động tại các quận, huyện trên địa bàn TP, thông qua đó, nhằm thu hút nguồn lao động, nhất là nhóm thiếu việc làm, mất việc tham gia phiên giao dịch việc làm hàng ngày, phiên online, lưu động tìm kiếm được công việc phù hợp, có thu nhập. Đồng thời, cũng nhanh chóng hỗ trợ cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng được lao động đáp ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh vẫn có nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, để không bị mất việc, ông Vũ Quang Thành khuyến cáo người lao động nên chủ động nâng cao tay nghề; cập nhật kiến thức liên quan đến vị trí việc làm của mình theo cùng sự chuyển động của thị trường lao động. Trong trường hợp bất khả kháng xảy ra, khi người lao động có kiến thức và kỹ năng thì muốn chuyển dịch việc làm cũng dễ dàng hơn.

Quận Hà Đông: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Quận Hà Đông: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Dương Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động