Thứ sáu 24/01/2025 08:48

Nhiều địa phương thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện có trên 400 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 21 ca điều trị ECMO (tim phổi nhân tạo). Dịch bệnh đã bùng phát trên diện rộng, có quy mô lớn và tính chất phức tạp, nhiều nguồn lây, ổ dịch. Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử...

Đó là chia sẻ của của PGS-TS. Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế về lý do ra đời Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng".

Theo đó, TS. Lương Ngọc Khuê cho biết: Từ ngày 27-4-2021 đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với “làn sóng thứ tư” của dịch bệnh Covid-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh Covid-19 trên cả nước tăng rất nhanh với trên 133.000 ca nhiễm mới.

Hiện có trên 400 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 21 ca điều trị ECMO (tim phổi nhân tạo). Dịch bệnh đã bùng phát trên diện rộng, có quy mô lớn và tính chất phức tạp, nhiều nguồn lây, ổ dịch, nhiều biến chủng, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước. Số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao, gần 1.000 ca... Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử.

Trước tình hình rất nghiêm trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), bảo đảm sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh xảy ra. Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường năng lực hồi sức tích cực, tập trung cứu chữa ca bệnh nặng, giảm thiểu tử vong.

Bên cạnh đó, việc chuyển người bệnh nặng về các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nguy cơ làm tăng lây lan dịch bệnh vào khu vực nội thành và người bệnh có xác suất tử vong cao trên đường vận chuyển. Mặt khác, các địa phương này cũng có giai đoạn bị phong tỏa, cách ly chống dịch.

Vì vậy các trường hợp nặng này cần được điều trị ngay tại địa phương với sự tư vấn, hỗ trợ của các bác sỹ tuyến trên hoặc các chuyên gia đầu ngành của Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 đặt tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế.

Tuy nhiên thực tế hiện nay cơ số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh Covid-19 ngày càng tăng cao. Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng.

Nhiều bệnh viện có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống ô-xy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm gây khó khăn cho các bác sỹ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh Covid-19 nặng; Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu…

Hiện chỉ một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ… Nguyên nhân do thiếu nhân lực chuyên sâu, thiếu trang thiết bị về hồi sức tích cực, đầu tư và chế độ đãi ngộ chưa thoả đáng…

Bên cạnh đó, hiện nay cả nước có trên 2.000 bác sỹ làm việc tại khoa cấp cứu/hồi sức tích cực, nhưng nhiều địa phương đang rất thiếu. Ví dụ một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên phạm vi toàn tỉnh chỉ có một bác sỹ chuyên khoa sơ bộ hồi sức tích cực.

Do tác động của chính sách tự chủ nên nhiều bệnh viện tuyến tỉnh ít chú trọng công tác hồi sức tích cực, khi có ca bệnh nặng thường chuyển về các BV tuyến Trung ương tại TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các bệnh viện tuyến cuối quá tải trong việc điều trị ca bệnh nặng, gây khó khăn cho Bộ Y tế trong việc huy động, điều phối nguồn nhân lực hỗ trợ, phân bổ máy móc, vật tư, trang thiết bị, tài chính… cho các địa phương. Một số địa phương thiếu chủ động, chưa sẵn sàng công tác thu dung, điều trị ca bệnh nặng.

Năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực ở nhiều địa phương vừa yếu và thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng với kịch bản biến chủng “siêu lây nhiễm”. Nhân lực trình độ cao chuyên khoa hồi sức tích cực ngày càng giảm, nhiều bác sỹ đã chuyển sang chuyên khoa khác.

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới; hệ thống khám, chữa bệnh cần khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng.

Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có
PGS-TS. Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (ảnh Thái Bình)

Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng" được xây dựng với quan điểm chủ đạo: Phát huy phương châm “4 tại chỗ” thông qua nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến, đồng thời kết hợp phương châm “3 tập trung” gồm tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh Covid-19 nặng để điều trị.

Đây là điểm mới của Đề án và sự điều chỉnh trong chiến lược điều trị ca bệnh Covid-19 từ 4 tại chỗ kết hợp với “3 tập trung”. Điều này thể hiện quyết tâm của đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế và khối khám, chữa bệnh trong việc tập trung toàn bộ tinh lực để dập dịch, cứu chữa người bệnh.

Một ví dụ minh hoạ rất sống động thể hiện quan điểm “3 tập trung” là trong những ngày này, cả Bộ Y tế tập trung từ Tư lệnh ngành cho đến lãnh đạo các Vụ, Cục và 10 đồng chí Giám đốc các bệnh viện trung ương về TP. Hồ Chí Minh để tập trung sức lực, gấp rút thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực cứu chữa người bệnh. Thời gian không chỉ là vàng bạc mà còn là tính mạng của người bệnh. Các trung tâm hồi sức tích cực này sớm đón người bệnh ngày nào thì thêm người bệnh được cứu sống ngày đó.

Đề án cũng đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới các trung tâm thu dung, điều trị người bệnh mắc Covid-19 nặng trên phạm vi toàn quốc; Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng đồng bộ cho các trung tâm hồi sức tích cực được Bộ Y tế phân công thu dung, điều trị người bệnh mắc Covid-19 nặng và khoa hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến; Củng cố, tăng cường năng lực điều trị Covid-19 ở khoa hồi sức tích cực của toàn bộ các bệnh viện chưa được phân công thành lập trung tâm hồi sức tích cực; Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho bác sỹ, điều dưỡng cấp cứu, hồi sức tích cực của các trung tâm và bệnh viện các tuyến.

Theo Đề án này, Bộ Y tế chỉ định và thành lập 12 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia quy mô từ 200-3.000 giường bệnh Hồi sức tích cực đặt tại các bệnh viện tuyến Trung ươngđặt tại:

1. Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2)

2. Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2)

3. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

4. Bệnh viện Phổi Trung ương

5. Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2)

6. Bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh

7. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế

8. Bệnh viện Chợ Rẫy

9. Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh)

10. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ

11. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

12. Bệnh viện Quân y 103

Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia là trung tâm trực thuộc Bộ Y tế, chịu sự quản lý và phân công trực tiếp của Lãnh đạo Bộ Y tế và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Trung tâm là cơ sở điều trị cao nhất, có nhiệm vụ thu dung, điều trị và thực hiện các kỹ thuật hồi sức tích cực cao, phức tạp nhất cho các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch trong bậc thang điều trị ca bệnh Covid-19.

Có 33 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các Bộ, ngành, trường đại học và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trong đó có 2 bệnh viện Quân y được Bộ Y tế chỉ định làm các bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực.

Ngày 31-7 Việt Nam có tổng số 8.624 ca nhiễm Covid-19

Tính từ 6g đến 19g ngày 31-7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.564 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 4.560 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (1.677), Bình Dương (1.207), Long An (544), Khánh Hòa (335), Đồng Nai (234), Đồng Tháp (115), Tây Ninh (72), Đà Nẵng (55), Hà Nội (43), Bà Rịa - Vũng Tàu (39), Bình Thuận (37), Phú Yên (30), Đắk Lắk (21), Bình Định (19), Cần Thơ (17), Hậu Giang (17), Bình Phước (14), Gia Lai (13), Nghệ An (11), Quảng Nam (10), Thừa Thiên - Huế (9), Đắk Nông (8 ), Ninh Thuận (5), Thanh Hóa (5), Vĩnh Phúc (4), Lâm Đồng (3), Hà Nam (3), Hải Dương (3), Hà Tĩnh (2), Ninh Bình (2), An Giang (2), Quảng Ngãi (1), Quảng Bình (1), Hải Phòng (1), Bạc Liêu (1) trong đó có 1.072 ca trong cộng đồng.

Trong ngày 31-7 ghi nhận 8.624 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 8.620 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (4180), Bình Dương (2075), Long An (544), Đồng Nai (456), Khánh Hoà (335), Đồng Tháp (146), Tiền Giang (123), Bà Rịa - Vũng Tàu (115), Bình Thuận (75), Cần Thơ (72), Tây Ninh (72), Phú Yên (58), Đà Nẵng (55), Vĩnh Long (48), Hà Nội (46), Đắk Lắk (32), Bình Định (28), Hậu Giang (19), Kiên Giang (16), Bình Phước (14), Thừa Thiên Huế (13), Nghệ An (13), Gia Lai (13), Đắk Nông (12), Sơn La (10), Quảng Nam (10), Ninh Thuận (5), Thanh Hoá (5), Quảng Trị (4), Hà Tĩnh (4), Vĩnh Phúc (4), Lâm Đồng (3), Hà Nam (3), Hải Dương (3), Ninh Bình (2), An Giang (2), Kon Tum (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Bình (1), Hải Phòng (1), Bạc Liêu (1) trong đó có 2.045 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều ngày 31-7, Việt Nam có 145.686 ca mắc trong đó có 2.239 ca nhập cảnh và 143.447 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 141.877 ca, trong đó có 35.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Về tình hình điều trị:

- 3.250 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 31-7.

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 38.734 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 441 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21 ca.

- Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo có 145 ca tử vong do Covid-19 (số 1162-1306) từ ngày 19 đến 31-7 tại 6 tỉnh, thành phố sau:

+ Tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 19 đến 31-7: 90 ca

+ Tại tỉnh Tiền Giang từ ngày 21 đến 30-7: 47 ca

+ Tại Tỉnh Đồng Tháp ngày 31-7: 4 ca

+ Tại Tỉnh Long An ngày 30-7: 2 ca

+ Tại Tỉnh Quảng Nam ngày 30-7: 1 ca

+ Tại Tỉnh Trà Vinh ngày 31-7: 1 ca

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động