Nhiều góp ý thiết thực cho Luật Đất đai sửa đổi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTổ chức lấy ý kiến Nhân dân góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay |
Về nội dung xây dựng bảng giá đất hàng năm, theo Khoản 1 Điều 154 Dự thảo Luật, căn cứ nguyên tắc, quy chuẩn, phương pháp định giá đất, giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, UBND tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành.
Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm, do UBND tỉnh ban hành và áp dụng từ ngày 1/1 của năm. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Một số luật gia thuộc Hội Luật gia TP Hà Nội cho rằng, như vậy là ấn định thời điểm áp dụng giá, trong khi thực tế thì giá đất biến động liên tục, do đó bảng giá đất phải cập nhật thường xuyên mới có thể phù hợp với thị trường;
Hội đồng thẩm định giá phải có các cộng tác viên ngoài thị trường cung cấp thông tin và cập nhật hàng ngày, để phản ánh được sự minh bạch về giá đất thực tế, giúp cho vấn đề bồi thường đúng giá trị đất, hạn chế khiếu nại, gây khó khăn cho việc thực hiện các dự án.
Góp ý liên quan đến nội dung quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm và UBND cấp tỉnh quyết định ban hành. Trong khi đó, Luật Đất đai 2013 hiện hành quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ
Theo TS. Trần Quang Huy, Đại học Luật Hà Nội, nguyên tắc định giá đất phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, nghĩa là giá đất phải linh hoạt, có tính cập nhật cao, sát giá thị trường, độ ảnh hưởng trong một thời gian ngắn.
Nếu bảng giá đất kéo dài 5 năm theo một nhiệm kỳ HĐND cấp tỉnh như hiện nay thì giá đất dù có điều chỉnh khi tăng giá thêm 20% hay giảm 20% thì vẫn là mức giá rất khiên cưỡng, thiếu định hướng thị trường, không cập nhật, lạc hậu với thị trường.
Vì vậy, quy định trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về việc xây dựng định kỳ hàng năm, công bố công khai và áp dụng từ 1/1 của năm là thể hiện sự linh hoạt, cập nhật theo cơ chế thị trường.
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội vừa tổ chức, Luật sư Hoàng Thị Nhàn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, tại điểm b khoản 2 Điều 224 quy định “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban MTTQ cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác”, về nội dung này cần làm rõ UBND xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ ra sao.
Trong dự thảo Luật cũng quy định về các tổ chức thành viên của Mặt trận. Vậy các tổ chức thành viên của Mặt trận là những tổ chức nào, cần quy định cụ thể rõ ràng tránh việc hiểu nhầm, hiểu sai, áp dụng không thống nhất.
Đối với việc quy định “Các tổ chức xã hội khác” vậy các tổ chức xã hội khác của UBND xã là những tổ chức nào?. Do đó rất cần phải quy định rõ ràng, tránh việc hiểu sai, vận dụng mỗi nơi một kiểu.
Theo Luật gia Lê Gia Ánh, thành viên HĐTV Dân chủ - Pháp luật, về Điều 1, phạm vi điều chỉnh thì dự thảo lại ghi đơn giản, chưa đầy đủ nội hàm của Luật. Thông thường các Luật khác “phạm vi điều chỉnh” là liệt kê tên các Chương nhưng trong Dự thảo lần này có những nội dung quan trọng nhưng không được đề cập vào phạm vi điều chỉnh như “thu hồi đất, trưng dụng đất”, “bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”…
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung những nội dung trên. Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 89 “nguyên tắc bồi thường về đất, khi Nhà nước thu hồi đất” đề nghị cần làm rõ và có hướng dẫn cụ thể việc phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Do đó, cần có các tiêu chí, so sánh vị trí lợi thế kinh doanh thương mại…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại