Thứ năm 23/01/2025 22:22

Nhiều ý kiến thiết thực góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Nhiều ý kiến thiết thực góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội

Sáng 27/11, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.·

Áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Sau khi Quốc hội thông qua Luật Căn cước và Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, chiều 10/11/2023, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các nội dung này, đã có 83 lượt ý kiến phát biểu và ba vị đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản góp ý. Tổng thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp 25 trang gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Ngày 24/11/2023, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo dài 21 trang, dự kiến giải trình, tiếp thu bước đầu ý kiến đại biểu Quốc hội về Luật Thủ đô.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung trong Báo cáo thẩm tra, Báo cáo tiếp thu, giải trình đã nêu. Mỗi đại biểu phát biểu một lần không quá 7 phút, tranh luận không quá 3 phút.

Nhiều ý kiến thiết thực góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng phát biểu tán thành sửa đổi Luật Thủ đô tại Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Góp ý về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Minh, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tán thành sửa đổi Luật Thủ đô để thể chế hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhin đến năm 2045.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh góp ý về cơ chế thử nhiệm có kiểm soát tại Điều 41 và cho rằng, không nên chỉ giới hạn thử nghiệm tại khu công nghệ cao. Bởi, việc giới hạn thử nghiệm có kiểm soát tại khu công nghệ cao có thể không phù hợp để giúp phát triển công nghệ, có một số công nghệ cần được ứng dụng trong không gian thực tế, cần có cư dân sinh sống mới có hiệu quả.

“Ví dụ robot giao thức ăn tự hành thì cần có cư dân sinh sống để bán thức ăn thử nghiệm đến nhà dân, trong khi tại các khu công nghệ cao thì có rất ít người dân sinh sống. Nếu chỉ cho phép thử nghiệm trong khu công nghệ cao thì sẽ có rất ít nhu cầu đặt hàng do đa số nhân viên trong công ty đều ăn trong căng tin. Đề nghị cần làm rõ phạm vi áp dụng về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát”, đại biểu phân tích rõ.

Theo đại biểu Minh, tại điểm a Điều 41 mới chỉ ra giải pháp công nghệ mới nhưng lại giới hạn khu vực khu công nghệ cao. Điểm b mới chỉ nêu địa điểm thử nghiệm chứ chưa đề cập cụ thể đến lĩnh vực công nghệ cần thử nghiệm tại các khu thúc đẩy thương mại, văn hóa tại một số địa điểm trên địa bàn thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch mà không rõ lĩnh vực thử nghiệm là gì.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Duy Nguyễn Duy Minh đề nghị chỉnh lý khoản 2 và bổ sung khoản 3 quy định riêng về địa bàn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cũng như bổ sung một số lĩnh vực công nghệ.

Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đồng tình rất cao với việc ban hành sửa đổi Luật Thủ đô. Về chính trị, pháp lý, đại biểu cho biết, đã có Nghị quyết số 06 của Trung ương, Nghị quyết số 15 và Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh yêu cầu và mục tiêu: xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển thủ đô trở thành thủ đô văn minh, hiện đại, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa liên kết đô thị.

Nhiều ý kiến thiết thực góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội

Nhiều đại biểu Quốc hội góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.

Về cơ sở thực tiễn, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, qua 10 năm thực hiện Luật Thủ đô cho thấy, kết quả thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Luật còn nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là về công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông, hạ tầng văn hóa, xã hội, tôn giáo, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, vấn đề an sinh xã hội, phát triển khoa học công nghề và bảo vệ môi trường…

Về quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 17 của dự thảo, đại biểu nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay đây là một nội dung hết sức quan trọng, nếu làm tốt thì sẽ giúp thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định tại Điều 17 còn chưa rõ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy, chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Đồng thời cần làm rõ hơn khái niệm “nhân tài”. Đề nghị cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Huy động mọi nguồn lực của Thủ đô Hà Nội

Cùng phát biểu tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng có liên quan, đặc biệt là Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiều ý kiến thiết thực góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thủ đô. Ảnh: Quốc hội.

Qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong 10 năm thi hành Luật trong việc xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, cơ chế tài chính, chính sách liên vùng, quản lý dân cư, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phát triển an sinh xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường để hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Thủ đô.

Từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đưa Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ lớn, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, là động lực phát triển của vùng và cả nước.

Cũng bày tỏ thống nhất cao với các nội dung trong dự thảo luật trình kỳ họp, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, đã thể hiện khá đầy đủ, toàn diện các nhóm chính sách trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, đồng thời bổ sung thêm một số chính sách mới, trong đó có nhiều nội dung chính sách mang tính đột phá, đặc thù để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện....

Góp ý cụ thể về số lượng đại biểu TP Hà Nội quy định tại khoản 2 Điều 9, đại biểu bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 125 đại biểu. Khi không còn HĐND quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND TP đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu HĐND TP là hợp lý.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong dự thảo đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND TP Hà Nội.

Đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND TP. Đồng thời ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND TP trong việc cho ý kiến thống nhất với Ủy ban nhân dân thành phố trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội.

Luật Thủ đô (sửa đổi) thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương Luật Thủ đô (sửa đổi) thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương

Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là sự thể chế hoá đường lối, chủ ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động