Những chính sách có hiệu lực từ 1-12
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12 |
Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học
Đây là nội dung mới tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực từ 10-12-2021).
Cụ thể, theo quy định mới thì nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: Lý luận chính trị; Kiến thức quốc phòng và an ninh; Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm. (Hiện hành quy định là kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế). Như vậy, so với Nghị định 101/2017/NĐ-CP hiện hành sẽ không còn nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.
Nghị định 89/2021/NĐ-CP sẽ là cơ sở để các Bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian tới.
Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa từ lên 125 triệu đồng
Từ ngày 12-12-2021, Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực, áp dụng cho đối tượng là người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Trong đó, tại Điều 3 quy định số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.
Trước đó, theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.
Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước
Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022.
Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Đơn cử, theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, nếu được giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ sẽ giảm còn 5%.
Thay đổi về cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Từ ngày 23-12-2021, Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 23/2018/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thay đổi việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Theo đó, từ ngày 23-12-2021 tới đây, thay vì sử dụng mẫu cũ cố định tại Phụ lục I Nghị định 23/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Tuy nhiên, trên giấy chứng nhận vẫn phải đảm bảo có các nội dung nêu tại Điều 7a Nghị định 97/2021/NĐ-CP gồm: Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy);
Địa chỉ tài sản được bảo hiểm; Tài sản được bảo hiểm; Số tiền bảo hiểm; Mức khấu trừ bảo hiểm…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại