Thứ sáu 24/01/2025 08:32

Những khó khăn khi Việt Nam trên 10 nghìn ca nhiễm Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
"Chúng ta thấy rõ gánh nặng rất lớn về y tế, thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn khi số ca bệnh tăng lên mốc 10.000 người mắc. Số người mắc nhiều, nhu cầu xét nghiệm, test, kit cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, công tác điều trị sẽ rất vất vả do số bệnh nhân đông, ca tử vong sẽ tăng" - PGS-TS. Trần Đắc Phu cho biết.

Theo PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: Tính đến 6g ngày 11-6 Việt Nam có tổng cộng 8.206 ca ghi nhận trong nước và 1.629 ca nhập cảnh. Số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam hiện nay là của cả 4 đợt dịch cộng dồn lại. Còn trong thực, tế đợt dịch này, tính từ ngày 27-4 đến nay, Việt Nam mới ghi nhận hơn 6.600 ca mới.

Việt Nam đã có sẵn kịch bản ứng phó trong tình huống ghi nhận 10 nghìn ca nhiễm. Thậm chí chúng ta còn dự phòng và xây dựng kịch bản cho trường hợp có 30.000 ca mắc. Cho nên, nếu Việt Nam có xảy ra trường hợp có 10.000 ca Covid-19, chúng ta vẫn có thể ứng phó.

Tuy nhiên, TS. Trần Đắc Phu cho biết, nếu số ca mắc càng nhiều thì sẽ gặp những khó khăn nhất định. Ví dụ, số người mắc nhiều, nhu cầu xét nghiệm, test, kit cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, công tác điều trị sẽ rất vất vả do số bệnh nhân đông, ca tử vong sẽ tăng. Bên cạnh đó, số người cách ly tăng lên, có nơi không còn đủ địa điểm để cách ly tập trung. Số nơi phải phong tỏa cũng sẽ tăng lên.

“Chúng ta thể nhìn thấy rõ gánh nặng rất lớn về y tế, thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn khi số ca bệnh tăng lên mốc 10.000 người mắc. Mặc dù vậy, kịch bản chống dịch tại Việt Nam vẫn chưa thể thay đổi vì hiện nay chúng ta vẫn chưa có miễn dịch cộng đồng để thay đổi”, ông Trần Đắc Phu chia sẻ.

Vị chuyên gia này cho rằng, trong tình hình hiện nay có một số điểm chúng ta cần phải chú ý. Đó là dịch bệnh đang có xu hướng ca mắc tăng ở khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Chu kỳ dịch lần này số ca mắc đang tăng ngay ở khu vực Đông Nam Á.

Những khó khăn khi Việt Nam trên 10 nghìn ca nhiễm Covid-19
PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (ảnh P.C)

Biến chủng virus Delta B.1.617.2 (lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ) có tốc độ lây lan rất nhanh, tăng nhanh hơn cả biến chủng B1.1.7 có nguồn gốc ở Anh. Chu kỳ lây của virus rút ngắn xuống 2-3 ngày, trong khi đó chủng virus cũ phải mất 3-4 ngày. Vì vậy, số lượng người nhiễm sẽ tăng lên. Biến chủng Delta B.1.617.2 cũng được nhắc tới có thể làm tăng nguy cơ khiến cho bệnh nhân nhiễm virus có những diễn biến nặng do những phản ứng viêm quá mức nên chúng ta phải xác định sẽ có nhiều trường hợp Covid-19 trong đợt dịch này có thể tử vong.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải chú ý tới số lượng bệnh nhân lây ở trong khu cách ly cũng nhiều hơn. Do biến chủng virus dễ lây, nếu số bệnh nhân tăng thì số lượng cách ly cũng tăng sẽ xảy ra việc lây chéo tại khu cách ly nếu làm không nghiêm. Do đó chúng ta cần phải khắc phục để tránh xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly nếu ca nhiễm tăng.

Tại một số khu đã phong tỏa nhưng vẫn có nhiều ca bệnh lây nhiễm. Nguyên nhân là do chúng ta chưa kiểm soát được chặt chẽ. Do vậy chúng ta cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này.

Hiện Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế và phòng chống dịch bệnh. Tới thời điểm nay chúng ta không thể nói không làm mục tiêu kép được. Cho nên việc đánh giá giãn cách xã hội khi kịch bản tăng lên 10.000 ca cũng sẽ khác so với trước đây.

Nếu như ở đợt dịch thứ 3, địa phương đã phong tỏa theo kiểu bế quan tỏa cảng khiến cho thiệt hại rất lớn về kinh tế, người dân không bán được nông sản, doanh nghiệp ngừng hoạt động… thì ở đợt dịch này các địa phương đã rút kinh nghiệm nên đã không xảy ra việc cứ có dịch là phong tỏa cả tỉnh mà chỉ phong tỏa ở các huyện có nguy cơ cao. Thậm chí chỉ có nơi chỉ là xã, thôn, tòa chung cư hay chỉ là một tầng có người mắc Covid-19. Vì vậy, người dân một số vùng đã kiểm soát được nguy cơ vẫn lao động sản xuất, thông xe thông đường cho nên không có chuyện phải giải cứu như các đợt trước.

Những khó khăn khi Việt Nam trên 10 nghìn ca nhiễm Covid-19
Việt Nam đề ra giải pháp tiêm vắc-xin và 5K để cuộc sống của người dân sớm có thể trở lại bình thường (ảnh BYT)

Trong hoàn cảnh hiện nay việc kiểm soát để không có hẳn ca bệnh trên cả nước là rất khó. Do chúng ta vẫn phải phát triển kinh tế và cho người nhập cảnh nên sẽ còn tồn tại ca mắc bệnh. Ngoài ra, mầm bệnh trong cộng đồng vẫn có, khi người dân ốm đau đi khám nếu không làm tốt công tác sàng lọc thì dịch bệnh sẽ lây lan vào bệnh viện và lây ra cộng đồng.

“Số ca mắc mới của chúng ta sẽ không thể về 0 được, nhưng không để số mắc tăng cao. Số ca mắc không tăng cao để giảm số người tử vong. Trong thời gian tới chúng ta vẫn sẽ có những ổ dịch xuất hiện cho nên cần phải lưu ý kiểm soát thật tốt. Tôi nhiều lần nói ổ dịch nhỏ như là những "đốm lửa", đừng để bùng phát thành "đám cháy"- PSG-TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Tuy vậy, không phải không có cách để hạn chế được sự lây lan dịch bệnh. Đó là người dân đồng lòng thực hiện tốt 5K thì đường lây cũng "tự" được cắt đứt.

Việt Nam đã đề ra giải pháp vắc-xin và 5K để cuộc sống của người dân sớm có thể quay trở lại bình thường. Việc tiêm vắc-xin tạo ra miễn dịch cộng đồng sẽ giảm được số ca mắc, giảm các trường mắc Covid-19 nặng và giảm số người tử vong. Ở thời điểm hiện tại số lượng người được tiêm vẫn thấp người dân nên thực hiện đúng 5K để cắt đứt được chuỗi lây nhiễm, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu.

Ngoài ra cần lưu ý cần phát hiện sớm các trường hợp ho, sốt vì các ổ dịch gần đây tại Đông Anh, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người bệnh có dấu hiệu sốt, ho đều tới bệnh viện khám và phát hiện ra ổ dịch mới.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động