Thứ năm 23/01/2025 13:50
Câu chuyện hoà giải

Những lần hòa giải đáng nhớ...

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau gần chục năm gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên Nguyễn Văn Toán, Tổ dân phố Nguyên Xá 1, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, luôn nỗ lực hết mình với nhiệm vụ hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.  

Tranh chấp lối đi chung

Vốn là bộ đội từng chiến đấu ở mặt trận Biên giới phía Bắc, tới năm 2012 về địa phương, ông Nguyễn Văn Toàn, SN 1960, tiếp tục công tác ở Hội Cựu chiến binh phường Minh Khai và tham gia công tác hòa giải. Sau đó, được nhân dân tín nhiệm bầu ông làm Tổ trưởng tổ dân phố Nguyên Xá 1 từ năm 2015. Là địa bàn dân cư có 443 hộ dân với khoảng 1.370 nhân khẩu là người địa phương, gần 4.500 sinh viên, người lao động đến thuê trọ, người dân sống chủ yếu bằng việc cho thuê nhà trọ. Ông Toàn cho biết, mỗi khi có vụ việc va chạm phát sinh, nếu là người già thì cử thành viên cao tuổi đi hòa giải, nếu là cán bộ thì phân công thành viên của mặt trận, cựu chiến binh tham gia…

Một trong những câu chuyện ông nhớ như in là việc tranh chấp lối đi chung trong một con ngõ giữa nhà bà B và ông H. Cả ngõ có khoảng hơn chục gia đình, nhà bà B nằm phía ngoài gần đường cái chính. Còn nhà ông H nằm phía trong, do diện tích rộng nên ông xây liền một dãy nhà 5 tầng gồm 30 phòng trọ để cho thuê từ mấy năm nay. Thời gian gần đây, bà B phản ánh nhà ông H thường ném rác xuống trước cửa nhà bà B, dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn đâu vào đấy dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại. Tối đến, trong dãy nhà trọ của ông H còn tình trạng hát karaoke thâu đêm tới tận 1g hôm sau, gây mất trật tự và ảnh hưởng tiếng ồn đến bà con.

Thời điểm đó, con ngõ đi chung bị xuống cấp và cả ngõ kiến nghị chính quyền cần sửa sang lại rồi huy động thêm sự đóng góp của các gia đình. Khi bà B sang nhà đặt vấn đề như vậy, ông H cương quyết không chịu đóng. Ngày hôm sau, hai bên xảy ra mâu thuẫn, bà B cũng nhất quyết không cho nhà ông H đi qua ngõ chung qua nhà bà. Các con của ông H thậm chí còn dọa đánh cả bà B khiến tình hình trở nên khá căng thẳng.

Nhận được tin báo, ông Toàn đã cùng thành viên Tổ hòa giải đã đến gặp gỡ hai gia đình để tìm hiểu sự việc. Ban đầu, các bên nhất quyết không chịu ngồi lại với nhau. Phải mất đến vài lần, tổ hòa giải mới tiếp cận được. Gặp ông H, tổ hòa giải phân tích: Một khi đã sống cùng hàng xóm với nhau thì nên tôn trọng nhau, dĩ hòa vi quý. Việc ông H ném xuống rác trước cửa nhà bà B là hoàn toàn sai, ông phải để ở cửa nhà mình dưới tầng 1 hoặc ra hẳn ngoài đầu ngõ chỗ cột điện để nhân viên vệ sinh môi trường hàng sáng tới người ta đưa đi.

Hơn nữa, cả ngõ đều thống nhất ý kiến sẽ nâng cấp mặt ngõ đi chung cho cao hơn vì đã xuống cấp, huy động sự đóng góp xã hội hóa từ các gia đình cộng với kinh phí của nhà nước để tu sửa đường là việc làm đương nhiên. Ông H sống trong ngõ đó, đi chung con ngõ đó lại cộng thêm 30 phòng trọ cho thuê với gần 100 con người nữa thì việc đóng góp lại càng cần thiết. Nếu ông không đóng là tự cô lập mình trong một tập thể vốn đoàn kết từ trước đến nay.

Mặt khác, ông Toàn cũng phân tích và khuyên giải ông H nên yêu cầu các thành viên đến thuê trọ phải ra trụ sở phường khai báo tạm trú theo quy định. Ký cam kết giữ vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu phố. Tuyệt đối tránh tình trạng hát hò ầm ĩ từ tối đến quá 23g hàng ngày, không gây tiếng ồn trong ngõ xóm. Hàng tháng phải đóng đầy đủ phí vệ sinh môi trường, đóng tiền để lắp đèn chiếu sáng, chống trộm cắp. Sau rất nhiều nỗ lực hòa giải, sử dụng kết hợp cả tình và lý, gia đình ông H và bà B đã thống nhất thực hiện theo phương án mà tổ hòa giải đưa ra. Từ đó đến nay, mâu thuẫn giữa hai gia đình đã được tháo nút thắt và chung sống hòa thuận.

nhung lan hoa giai dang nho
Hòa giải viên Nguyễn Văn Toàn, tổ hòa giải tổ dân phố Nguyên Xá 1, phường Minh Khai luôn cập nhật các thông tin về pháp luật để hòa giải khi cần thiết.

Đàn ông bản lĩnh là nói không với… "bồ"

Vợ chồng anh K và chị P có với nhau một bé gái 3 tuổi và đang sống hạnh phúc. Chị P làm nghề buôn bán nhỏ cạnh nhà và lo nội trợ trong gia đình, còn anh K làm nhân viên phục vụ nhà hàng tại một tổ hợp thương mại lớn của Hà Nội. Do đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều người mỗi ngày, anh K đã nảy sinh tình cảm ngoài luồng với một nữ nhân viên làm cùng tại đây. Công việc anh này có hôm đông khách phải đi từ sáng sớm đến tối muộn mới về, chị P ở nhà nghĩ thương chồng nên cũng thường xuyên động viên anh và chăm lo, quán xuyến việc nhà. Tuy nhiên, dạo gần đây anh K nhiều lần công khai lên tiếng chê vợ ngoại hình xấu, cư xử không được tinh tế bằng người ta. Bằng linh cảm của mình, chị P nhiều lần gặng hỏi và tìm hiểu thông qua một số người thân thì được biết, chồng mình đã có "bồ". Chị P đã chủ động làm đơn ly hôn.

nhung lan hoa giai dang nho
Đường phố thanh bình ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Một thành viên đại diện cho hội phụ nữ của Tổ dân phố đã xuống nhà chị P tìm hiểu sự việc. Còn ông Toàn và một số người khác đã chủ động tìm gặp bố mẹ của cả hai bên, anh chị em, bạn bè làm cùng của anh K, chị P để nắm bắt thêm thông tin. Ba mặt một lời khi có đầy đủ thành phần trong gia đình và các thành viên của tổ hòa giải, anh K nhận sai. Ông Toàn phân tích để K hiểu rằng, là một người đàn ông bản lĩnh là phải biết nói không với… "bồ".

Kẻ thứ ba là một cô gái trẻ, chưa có gia đình, bản thân anh là người đã có vợ con đề huề. Vợ thì vừa xốc vác việc nhà, lo cho con cái và nhất mực yêu chồng, thủy chung một lòng mà anh lại đối xử với vợ như thế thì liệu có đáng mặt đàn ông? Những lời thề non hẹn biển của hai vợ chồng trước khi lấy nhau, rồi thành quả của tình yêu ấy là cháu bé nay đã lên 3 tuổi, gia đình đang hạnh phúc mã bỗng chốc tan thành mây khói chỉ vì một mối quan hệ ngoài luồng không chính thống kia? Anh K đã vi phạm Luật Hôn nhân gia đình và nên chấm dứt việc này càng sớm càng tốt. Không chỉ ông Toàn mà tất cả thành viên trong gia đình đều lên tiếng để K thấy ra lỗi lầm của mình. Anh K sau khi nghe khuyên giải đã nhận ra cái sai của mình và ký vào biên bản để không tái phạm. Chị P cũng tự động hủy bỏ lá đơn ly hôn ngay trước mặt mọi người và tiếp tục chung sống hạnh phúc với chồng con.

Trong những năm làm công tác hòa giải, ông Toàn cũng hòa giải thành công vụ việc về tranh chấp quyền nuôi mẹ. Cụ M nay tuổi đã cao và đang sống với con dâu là bà D. Tuy nhiên, bà Y là con gái lại đến đòi bà D phải đưa cụ M sang nhà mình để mình nuôi mẹ vì ông S – chồng bà D đã qua đời cách đây mấy năm. Thậm chí, con trai bà Y còn đến gây sức ép để bác dâu phải đồng ý cho mẹ mình được nuôi bà ngoại. Bà D nhất quyết không chấp thuận việc này và hai bên xảy ra cự cãi, va chạm. Sự việc hy hữu này đến tai ông Toàn.

Thành viên Tổ hòa giải đã tới nhà cụ M tìm hiểu. Sau khi được hỏi ý kiến, cụ M cho biết dù sống hay mất thì sẽ vẫn ở với con dâu và cháu nội chứ không về ở với con gái và cháu ngoại. Ông Toàn cũng phân tích để bà D hiểu rằng, dù là con gái hay con dâu thì trách nhiệm của người làm con phải hiếu thuận với cha mẹ. Đôi khi chỉ bằng việc hỏi thăm sức khỏe, đồng quà tấm bánh sang động viên mẹ tuổi già cũng là đáng quý. Hơn nữa, dù con trai đã mất nhưng cụ vẫn còn con dâu, cháu nội nên không thể có chuyện cụ sang ở với con gái và cháu ngoại, hàng xóm người ta sẽ đánh giá như thế nào.

Phân tích lần hồi, bà D mới chịu nghe lời và hứa không gây chuyện tương tự với chị dâu nữa. Khi đó, tâm trạng của ông Toàn mới thực sự yên tâm. Bởi sự tận tâm, kiên trì và cương quyết khi cần thiết của mình đã phát huy tác dụng, đem lại hiệu quả khi hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân.

Đình Tuệ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động