Phạm nhân trốn trại giam ở Thanh Hóa đối diện với nhiều tội danh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhạm nhân Mai Văn Đệ sau khi bị bắt giữ. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa |
Quá trình bỏ trốn của phạm nhân
Ngày 4/4, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trại giam số 5 - Bộ Công an đã bắt giữ thành công phạm nhân trốn trại giam Mai Văn Đệ, SN 1991, quê ở huyện Hải Hậu, Nam Định khi đối tượng đang lẩn trốn trong rừng, thuộc địa bàn xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hoá.
Tại cơ quan công an, bước đầu Mai Văn Đệ khai nhận, việc trốn khỏi trại giam là do không muốn cho vợ đi nước ngoài. Trong khi đó, Đệ không liên lạc được với vợ ở ngoài nên đã nảy sinh ý định trốn trại. Sau khi bị bắt giữ, phạm nhân Mai Văn Đệ tỏ ra ân hận, khóc lóc khi đã thực hiện hành vi trên.
Theo đại diện lãnh đạo Công an huyện Hà Trung, sau khi bắt giữ được phạm nhân Mai Văn Đệ, lực lượng Công an đã hoàn tất các thủ tục và bàn giao đối tượng cho Trại giam số 5, Bộ Công an xử lý.
Trước đó, phạm nhân Đệ bị phạt tù giam vì tội “Đánh bạc”, thời gian chấp hành án 24 tháng. Đệ bị bắt tháng 2/2023, chấp hành án tại trại giam số 5 - Bộ Công an từ tháng 6/2023 và bị quản chế tại phân trại số 2.
Trước đó, khoảng 16h30 ngày 2/4, khi đang trong thời gian lao động, phạm nhân Mai Văn Đệ đã trốn trại khiến lực lượng chức năng phải huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vây bắt.
Trong quá trình bỏ trốn, khoảng 18h15 ngày 2/4, Mai Văn Đệ di chuyển đến địa bàn xã Hà Đông, huyện Hà Trung, sau đó bắt xe taxi để tiếp tục bỏ trốn. Khi đến cây xăng Hà Đông, huyện Hà Trung, lợi dụng sở hở lúc lái xe taxi dừng xe để đổ xăng không tắt máy, tên này đã tự điều khiển chiếc xe và di chuyển dọc tuyến Quốc lộ 217 theo hướng Hà Trung đi Vĩnh Lộc. Khi đi trên Quốc lộ 217, thuộc địa phận xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, đối tượng bỏ xe lại ven đường rồi tẩu thoát.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 400 cảnh sát cùng với dân quân địa phương triển khai các phương án vây bắt. Đồng thời, lực lượng Công an đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội Zalo, Facebook để người dân biết, cảnh giác, tố giác và hỗ trợ lực lượng chức năng truy bắt. Đến khoảng 16h30 ngày 3/4, Mai Văn Đệ đã bị Công an huyện Hà Trung bắt giữ tại xã Hà Lĩnh giáp ranh với khu vực rừng sến Tam Quy.
Đối diện với những tội danh nào?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trốn khỏi nơi giam, nơi giữ hoặc là bỏ trốn khi đang bị dẫn giải, xét xử là những hành vi gây nguy hiểm cho trật tự an toàn xã hội, an toàn của người dân. Bởi vì nó được thực hiện bởi những người đang chấp hành hình phạt, là những người mà có thể họ chưa có sự ăn năn hối cải với những hành vi phạm tội trước mà họ đã gây ra.
Cơ quan tố tụng sẽ làm rõ động cơ, lỗi do lơ là, tắc trách của lực lượng quản giáo hay có sự tiếp tay để phạm nhân trốn trại hay không. Từ đó mới xem xét giải quyết vụ việc một cách toàn diện, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.
Từ diễn biến vụ việc, phạm nhân Mai Văn Đệ đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trốn khỏi nơi giam giữ”. Theo quy định tại Điều 386, Bộ luật Hình sự năm 2015, với tội danh “Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử” với khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Quá trình trốn chạy, phạm nhân Mai Văn Đệ đã cướp đi 1 chiếc xe taxi, hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cơ quan chức năng phải định giá tài sản để xác định giá trị của chiếc xe làm cơ sở định khung hình phạt.
Khung hình phạt cao nhất cho tội “Cướp tài sản” lên tới 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, do phạm nhân Mai Văn Đệ phạm tội mới khi đang chấp hành án nên theo điểm h khoản 1 Điều 52, Bộ luật Hình sự năm 2015, phạm nhân Đệ sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự về việc tái phạm. Theo quy định của Điều 56, Bộ luật Hình sự năm 2015, khi xét xử, tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với tội mới này, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành bản án trước của phạm nhân rồi quyết định hình phạt chung.
"Trong vụ việc này, phạm nhân Mai Văn Đệ bỏ trốn khi đang chấp hành án phạt tù. Vì thế, nếu sắp tới Đệ sẽ bị xét xử về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ, hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử” và tội “Cướp tài sản” thì đương nhiên Đệ sẽ bị tổng hợp phần hình phạt chưa chấp hành của tội trước và hình phạt đối với tội mới này" - luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại