Thứ năm 23/01/2025 14:07

Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 30/3, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”. Đây là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận nhằm đưa ra những giải pháp cũng như tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp
Toàn cảnh Hội thảo

Tính liên kết vùng nhìn chung còn nhiều hạn chế

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, phát triển liên kết vùng là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình phát triển nhằm khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương trong cả nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Với Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong những năm qua một số địa phương trong Vùng ĐBSH đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước (điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên…).

Tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước và chiếm 29,4% GDP cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, phải thẳng thắn thừa nhận là tính liên kết vùng ĐBSH nhìn chung còn nhiều hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được triển khai đẩy mạnh và chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng. Không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vùng ĐBSH có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước.

Trong giai đoạn vừa qua, vùng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2022 đạt 8,93%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2022 đạt 2,89 triệu tỷ đồng, chiếm 30,4% GDP cả nước…Tuy nhiên, vùng chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển; Phát triển không đồng đều giữa các tiểu Vùng và giữa các địa phương trong vùng; Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp…

Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do: Nhận thức về vai trò liên kết vùng chưa đầy đủ, còn tư tưởng cục bộ chưa vì lợi ích chung; Thiếu cơ chế và bộ máy thực hiện liên kết, điều phối Vùng hiệu quả vì không có thể chế vùng và có ngân sách riêng cấp.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để tăng cường sự liên kết vùng ĐBSH, cần phải tập trung thu hút phát triển mạng lưới logicstic, các chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, thông minh gắn với các cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để phát huy tối đa lợi thế vùng. Đồng thời cần có các giải pháp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hình thành các sàn giao dịch hàng hóa và các cụm, khu vực hội chợ, triển lãm quy mô lớn...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vùng ĐBSH cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, liên kết phát triển vùng đi vào thực chất, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành.

Các tỉnh tranh thủ, tận dụng thời cơ từ các xu thế phát triển mới theo các mô hình tăng trưởng trong các Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, cam kết phát triển “xanh” với mức phát thải “ròng” về 0 vào năm 2050.

Từ đó cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững kinh tế ban đêm; Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Hà Nội là đầu tàu, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

Đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội là trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Hồng, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền GĐ Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, trong những năm qua TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp triển khai hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội nhằm thu hút đầu tư. Theo đó, các chỉ tiêu kinh tế luôn đạt quy mô và tốc độ tăng trưởng cao.

Trong năm 2022, Hà Nội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.692 triệu USD vốn FDI tăng 10,3% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP đạt 697,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so cùng kỳ; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 452,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,4% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, hoạt động thu hút đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ của Thủ đô Hà Nội gắn với các tỉnh trong Vùng ĐBSH của TP vẫn còn chưa chặt chẽ, chưa có tính liên kết cao, các chính sách của Trung ương, các tỉnh, TP trong Vùng chưa đủ mạnh để tạo đột phá cần thiết…

Trong thời gian tới, để tiếp tục có những biện pháp hiệu quả kết nối thương mại, dịch vụ và các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư góp phần triển khai các chương trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội của TP và Vùng ĐBSH, TP Hà Nội đề xuất triển khai các nội dung, nhiệm vụ như:

Xây dựng thể chế, thu hút đầu tư; thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các DN logistics, DN sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn, khu vực với các DN, tổ chức quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại như tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong vùng nhất là các tỉnh có khu vực giáp ranh với Hà Nội để không phát triển quá nhiều, chồng chéo giữa các tỉnh; kết nối giao thương với các tỉnh, TP trong vùng….

Bằng những giải pháp trên, TP Hà Nội quyết tâm cùng các tỉnh, TP trong Vùng thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành đông của Chính phủ với mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành TP thông minh, hiện đại có bản sắc; động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Mô hình phát triển Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ là lựa chọn xuất sắc cho sự đột phá
Phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh, phát triển bền vững Thủ đô
Hà Nội: Đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động