Phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm TP phía Tây Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm TP phía Tây Hà Nội |
Khu công nghệ cao Hòa Lạc bước đầu có đóng góp cho nền kinh tế
Về tình hình thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về UBND TP Hà Nội, chiều 29/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt đã có buổi khảo sát, làm việc tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc. Hiện nay, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc gồm 5 đơn vị quản lý nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ công lập. Tổng số nhân sự Ban Quản lý hiện nay là 239 người, trong đó có 38 công chức, 12 viên chức, 44 lao động hợp đồng, 145 lao động hợp đồng tại các DN 100% vốn nhà nước. Đảng bộ Ban Quản lý là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Bộ KH-CN, có 5 chi bộ và 106 đảng viên.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH-CN) Phạm Thị Vân Anh cho biết công tác chuẩn bị bàn giao: Bộ KH-CN đã làm việc với TP Hà Nội và thống nhất một số nội dung: Về thời gian, việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Phạm vi bàn giao là nguyên trạng với lộ trình từng bước theo từng nhóm nội dung. Đối với những nội dung có thể bàn giao ngay, thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết. Đối với những nội dung còn khó khăn, vướng mắc, chưa đủ căn cứ pháp lý, hai bên báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, UBND TP đã thành lập Tổ công tác sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới. Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho rằng, việc Khu công nghệ cao Hòa Lạc được bàn giao về TP Hà Nội sẽ giải quyết được một số khó khăn trong thời gian qua, như có đầu tư thêm về giao thông công cộng, phát triển đô thị chung quanh thành một khu đô thị khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục
Tính đến tháng 5/2023, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng là 1.410ha, diện tích còn lại là 176ha, trong đó huyện Quốc Oai là 8,67ha, huyện Thạch Thất là 167,33ha. Đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 85.600 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích 380ha, trong đó có 92 dự án trong nước, và 14 dự án đầu tư nước ngoài, có nhiều DN công nghệ hàng đầu. Trong số 106 dự án trên, có 60 dự án đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề.
Trong năm 2022, doanh thu của các DN tại khu đạt khoảng 18.000 tỷ đồng. Đa số các nhà đầu tư tại khu đang trong trong giai đoạn được hưởng các ưu đãi, nên đóng góp cho ngân sách chưa nhiều, trong năm 2022, số tiền nộp ngân sách nhà nước mới đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư tại đây đã làm chủ được công nghệ lõi, có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản).
Tập trung xử lý dứt điểm 183ha còn lại
Điều kiện quan trọng để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học. Đồng thời, đây còn là điều kiện để Hà Nội tiến hành quy hoạch và xây dựng TP phía Tây với trọng tâm là khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo...
Theo phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Ðắc Trung cho biết, đến hết tháng 1/2023, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã giải phóng mặt bằng được 1.403/1.586ha, đáp ứng được các yêu cầu trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Tuy đã có nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế thuận lợi nhưng đến nay tỷ lệ DN lấp đầy Khu công nghệ cao Hòa Lạc còn chưa được như kỳ vọng. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Ðắc Trung cho biết: DN khi đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải cam kết có yếu tố về phát triển công nghệ cũng như có kế hoạch đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Các tập đoàn lớn khi mà họ chỉ muốn tập trung đầu tư vào sản xuất mà không quan tâm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Nhưng một nguyên tắc để thực hiện mục tiêu Khu công nghệ cao Hòa Lạc là nơi tạo ra công nghệ, đổi mới công nghệ, mà không phải thu hút nhanh để lấp đầy khu bằng mọi giá. Đây cũng là điểm khó đối với một số DN. Một khó khăn lớn nữa là các DN, các nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng dự án trên khu đất liền thành tổ hợp khép kín, bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được phân chia thành các khu vực theo các chức năng cụ thể, cho nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.
Ðể tháo gỡ các khó khăn trong thu hút đầu tư, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển như: Ươm tạo, khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ tự động hóa; đồng thời có chủ trương tập trung đầu tư các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao bằng ngân sách nhà nước, qua đó bảo đảm nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành, lĩnh vực, tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH-CN) Nguyễn Lê Hùng cho biết: Hiện thấy, cơ chế, chính sách cho phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm, các quy định về dự án công nghệ cao và trải qua quá trình thẩm định mất nhiều thời gian. Chưa có các chính sách, chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại khu công nghệ cao.
Để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành các khu công nghệ cao, căn cứ những vấn đề có tính chất đặc thù đối với từng khu công nghệ cao khác nhau, Bộ KH-CN đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách riêng đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại