Chủ nhật 02/02/2025 21:56

Phỏng vấn trực tuyến “Ngày hội của toàn dân”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhằm tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, ngày 14-5, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức phỏng vấn trực tuyến với chủ đề "Ngày hội của toàn dân".

Buổi phỏng vấn trực tuyến đã tạo cầu nối để bạn đọc gửi câu hỏi đến những vị khách mời là những người tham gia trực tiếp vào công tác chuẩn bị bầu cử gồm: Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia; Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bộ Công an; Ông Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của cử tri về ý nghĩa của cuộc bầu cử, ông Bùi Văn Cường cho hay, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung và thành lập cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương, địa phương nói riêng.

Phỏng vấn trực tuyến “Ngày hội của toàn dân”
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức phỏng vấn trực tuyến với chủ đề "Ngày hội của toàn dân"

Cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới.

Để giám sát việc chuẩn bị công tác bầu cử tại các địa phương đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật, đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức 14 đoàn giám sát tại 40 địa phương. Trong đầu tháng 5-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ tiến hành giám sát đợt ba với mục tiêu giám sát đủ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hoàn thành trước ngày 20-5.

Nói về vận động bầu cử, ông Ngô Sách Thực cho biết, việc vận động bầu cử đang được tiến hành tích cực, khẩn trương sao cho phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Thời gian tổ chức vận động bầu cử sẽ được kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24g (trước 7h00 ngày 22-5-2021).

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử đã được Bộ Công an chuẩn bị từ sớm, rất kỹ lưỡng về tất cả các mặt, trên khắp cả nước. Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện nay, công tác bảo đảm an ninh, trât tự đã cơ bản được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, cụ thể, sẵn sàng bảo vệ tuyêt đối an ninh, an toàn Ngày bầu cử.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ông Bùi Văn Cường khẳng định, việc tổ chức bầu cử phải bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các cơ quan, đơn vị chủ quản ứng cử viên chủ động trong việc thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2 cho các ứng cử viên trước khi tiếp xúc cử tri và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo an toàn trong khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử và các hoạt động khác của cuộc bầu cử.

Trường hợp dịch bệnh Covid-19 bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử hoặc đối với địa phương do dịch bệnh phải áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa xã hội thì Ủy ban bầu cử cấp tỉnh sẽ chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án (thời điểm, cách thức thực hiện việc bỏ phiếu và những công việc cần thực hiện khác) để Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

“Ngay tại thời điểm hiện nay, một số địa phương cũng đã, đang phải tính đến các phương án tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh phòng chống dịch, đảm bảo an toàn. Ví dụ tại Hà Nội, sẽ có thêm các biện pháp phòng chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa”, ông Cường cho biết.

Theo Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc phỏng vấn trực tuyến được tổ chức với mục tiêu giúp cử tri thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; ủng hộ nhiệt tình, tích cực tham gia cuộc bầu cử, làm cho ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.

Những câu hỏi được giải đáp trong cuộc phỏng vấn giúp cử tri có thể nắm vững được những nội dung chủ yếu của Luật bầu cử ĐBQH, Luật bầu cử đại biểu HĐND, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử; các quy định về tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND, giúp cử tri có cơ sở lựa chọn và bầu được những người có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp.

Đặc biệt, cuộc phỏng vấn trực tuyến góp phần giới thiệu với nhân dân trên thế giới không khí dân chủ trong quá trình bầu cử của nước ta; góp phần đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước...

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động