Thứ sáu 24/01/2025 07:42

Phụ nữ gặp khó khăn hơn trong tiếp cận chính sách phát triển thị trường lao động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
 “Phụ nữ thường gặp khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách phát triển thị trường lao động, đặc biệt là các nhóm lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, nữ di cư và nữ dân tộc thiểu số”

Đây là thông tin được Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc “Hội thảo về phụ nữ trong nền kinh tế: hướng tới tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong ASEAN”.

Hội thảo do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức với sự tham gia của: Đại diện Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền Phụ nữ và Trẻ em ASEAN (ACWC) 10 nước thành viên ASEAN; Chủ tịch Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN (AWEN); đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tại Việt Nam; đại diện Cơ quan USAID và một số tổ chức quốc tế.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, kinh tế thế giới đang chuyển biến tích cực với đà tăng trưởng khả quan, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu phục hồi trở lại. Tận dụng những cơ hội đó, Việt Nam đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, chương trình nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xuất khẩu, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài. Những tiến bộ mạnh mẽ được ghi nhận trong lĩnh vực kinh tế - xã hội thông qua việc giảm tình trạng bất bình đẳng giới, đặc biệt trong việc nâng cao trình độ học vấn của trẻ em gái và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hiện vẫn tồn tại nhiều thách thức đối với phụ nữ như khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp; phụ nữ thường gặp khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách phát triển thị trường lao động, đặc biệt là các nhóm lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, nữ di cư và nữ dân tộc thiểu số.

phu nu gap kho khan hon trong tiep can chinh sach phat trien thi truong lao dong
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Mạnh Cường: "Lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, nữ di cư và nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận chính sách phát triển thị trường lao động". Ảnh: Mạnh Dũng

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao sáng kiến của Cơ quan USAID đã cùng phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH trong việc tổ chức Hội thảo. Bởi lẽ mục đích của Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong khu vực có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạch định chính sách. Đồng thời chia sẻ việc triển khai các chính sách thông qua các chương trình/dự án nhằm tăng cường quyền năng cho phụ nữ, giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn và thụ hưởng nhiều hơn từ các chính sách đó.

Nội dung chính của Hội thảo đó là tập trung vào 3 phiên chủ đề thông qua phần trình bày của các diễn giả tới từ Ban thư ký ASEAN, chuyên gia tư vấn của cơ quan US-ACTI và cơ quan USAIDS.

Trong đó, phiên đầu tiên được diễn ra với chủ đề “Thúc đẩy tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong ASEAN”. Tại phiên chủ đề này, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu kết quả báo cáo của Cơ quan USAID về nghiên cứu tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Báo cáo đã chỉ ra những cơ hội to lớn trong nền kinh tế số cho người dân ASEAN, đồng thời đưa ra các thách thức cụ thể mà phụ nữ phải đối mặt trong việc tiếp cận các cơ hội trên.

phu nu gap kho khan hon trong tiep can chinh sach phat trien thi truong lao dong
Các đại biểu đã chia sẻ các giải pháp tăng cường quyền năng cho phụ nữ, giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn và thụ hưởng nhiều hơn từ các chính sách. Ảnh: Mạnh Dũng

Tiếp theo đó là phiên trình bày của Cơ quan USAID về các rào cản luật pháp và các quy định về việc làm cho phụ nữ trong ASEAN. Báo cáo đã đưa ra các phân tích về việc các chính sách/quy định đã hạn chế như thế nào đối với phụ nữ khi họ tham gia, thăng tiến khi làm việc bao gồm giới hạn việc làm đối cho phụ nữ, yêu cầu về giấy phép lao động, giải quyết phân biệt đối xử trong công việc, cấm và giải quyết quấy rối tình dục. Các kết quả và khuyến nghị được trình bày tại hội thảo cũng đã nêu bật những điển hình và cơ hội tốt được chia sẻ trong khu vực ASEAN.

Phiên họp chủ đề cuối cùng đã được diễn ra với chủ đề “bằng chứng về các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ quản lý trong ASEAN”. Theo đó, các đại biểu đã được lắng nghe phần thuyết trình của đại diện tới từ Tổ chức Resonance Global về những bằng chứng toàn cầu mới nhất về các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo cùng với khung hỗ trợ khu vực đặc biệt là Chương trình hành động về lồng ghép tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong ASEAN, đồng thời đề xuất một số khuyến nghị đối với các nhà hoạch định chính sách.

Kết thúc 3 phiên chủ đề trên, với kết quả thu nhận được thông qua các bài trình bày cũng như chia sẻ giữa diễn giả và các đại biểu, Hội thảo đã tập trung thảo luận và đưa ra một số khuyến nghị liên quan tới chính sách nhằm tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ cũng như xác định các vấn đề chính sách trọng yếu mà ASEAN có thể giải quyết.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động