Thứ năm 23/01/2025 06:15

Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)...

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 26/11, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua các Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)...
Phiên làm việc chiều 26/11. Ảnh: Quốc hội

Văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh gồm 2 thành viên

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 450/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm93,95% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao.

Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có bố cục gồm 8 Chương, 76 Điều, quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý Nhà nước về công chứng. Luật nêu rõ, giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định phải công chứng.

Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)...
Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Trong đó có một số nội dung được dư luận quan tâm, cụ thể, về văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh…

Chính phủ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và việc chuyển đổi loại hình văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện này.

Trong đó, văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh phải có từ 2 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh phải là công chứng viên và có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của văn phòng công chứng. Trưởng văn phòng công chứng phải là thành viên hợp danh của văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ đủ 2 năm trở lên.

Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 2 năm trở lên…

Kinh doanh thu trên 200 triệu đồng mỗi năm mới phải nộp thuế VAT

Với 407/451 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 84,97% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)...
Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết. Ảnh: Quốc hội

Theo dự thảo Luật, hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm dưới 200 triệu đồng sẽ không phải chịu thuế giá trị gia tăng.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết có ý kiến đề nghị xem xét, nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng lên trên mức 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị mức trên dưới 300 triệu đồng hoặc 400 triệu đồng cho những năm tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Luật hiện hành đang quy định mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng là 100 triệu đồng/năm.

Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 620.653 hộ, số thu ngân sách Nhà nước giảm khoảng 2.630 tỷ đồng.

Nếu mức doanh thu không chịu thuế là 300 triệu đồng/năm, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 734.735 hộ, số thu ngân sách giảm khoảng 6.383 tỷ đồng.

Do đó, để bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế, tương đối phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, dự thảo Luật quy định mức ngưỡng doanh thu 200 triệu đồng/năm.

Chính phủ đề nghị được giao thẩm quyền điều chỉnh mức doanh thu này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp tình hình thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết nội dung này đã được xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Theo đó, có 204 đại biểu (chiếm 63,35% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến) tán thành quy định "Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế", như thể hiện tại dự thảo Luật…

Không quy định "cứng" thời gian hoàn thành quy định phân khu

Với kết quả 455/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,99% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được Quốc hội thông qua gồm 5 Chương và 59 Điều, quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về quy định các trường hợp lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (Điều 3) và thời hạn lập quy hoạch phân khu đô thị (Điều 25), trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, cũng như quán triệt tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa quy định theo hướng mở, không bắt buộc tất cả các trường hợp đều phải lập đủ 3 cấp độ quy hoạch chung - quy hoạch phân khu - quy hoạch chi tiết để triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng.

Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết trên cơ sở về quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch, yêu cầu quản lý, phát triển.

Trên cơ sở Điều 3 dự thảo Luật đã được chỉnh sửa và ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nếu quy định thời hạn hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu là 6 tháng sẽ khó khả thi. Do đó, dự thảo Luật đã chỉnh sửa tại Điều 25 về thời hạn hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị theo quy định của Chính phủ để bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã lược bỏ quy định về các trường hợp không lập quy hoạch phân khu vì ngoài các trường hợp lập quy hoạch phân khu quy định tại khoản 5 Điều 3 của dự thảo Luật thì các trường hợp còn lại không phải lập quy hoạch phân khu; lược bỏ quy định lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật có liên quan, giữ quy định về lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về đất đai.

Lược bỏ quy định về lập quy hoạch chi tiết đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Về việc báo cáo HĐND trước khi phê duyệt quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm rõ ràng về trách nhiệm phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng không yêu cầu UBND phải “báo cáo” HĐND trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đối với quy hoạch chung thành phố, thị xã do UBND các cấp tổ chức lập và quy hoạch chung do Bộ Xây dựng tổ chức lập.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khoản 7 Điều 57 của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tương ứng quy định về thẩm quyền của HĐND các cấp đối với quy hoạch đô thị và nông thôn tại điểm e khoản 3 Điều 19, khoản 3 Điều 40 và khoản 2 Điều 54 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Trong đó, tại khoản 7, Điều 57 quy định sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 19 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng, HĐND cấp tỉnh quyết định việc liên kết kinh tế vùng giữa các cấp chính quyền địa phương phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương và bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” Rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”
Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động