Thứ sáu 24/01/2025 10:27

Quốc phục của người đẹp Việt thi nhan sắc thế giới: Tưởng dễ mà... hóa khó

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lâu nay đi thi nhan sắc quốc tế, người đẹp Việt thường chọn áo dài – vốn được xem là quốc phục của Việt Nam. Có thể kiểu cách, màu sắc khác nhau, hoa văn, họa tiết, phụ kiện đi kèm có chút thay đổi, nhưng cơ bản vẫn là áo dài, phần lớn đều là nhưng thiết kế tinh tế tỉ mỉ tôn vinh tà áo truyền thống, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt.

Nhưng hình như các cuộc thi nhan sắc ngày càng nở rộ bỗng làm… khó người đẹp Việt khi chọn áo truyền thống. Họ phải lựa chọn nhiều mẫu áo cách điệu, thậm chí phải mở các cuộc thi tuyển chọn thiết kế, nhưng xem ra, vẫn chưa thật ưng ý.

Năm 2013, tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, bộ quốc phục của Trương Thị May do nhà thiết kế Thuận Việt thực hiện, được lấy ý tưởng từ hoa sen và họa tiết hoa sen cổ. Các họa tiết ở tà áo dài được thêu tay tỉ mỉ và ép nhũ vàng. Chất liệu chính của trang phục là lụa truyền thống đính pha lê, với hai màu chủ đạo là vàng đồng và đỏ sậm… đã nhận được phản hồi tích cực từ khán giả khắp nơi. Đa phần đều khen ngợi bộ áo dài rất đẹp và sang trọng. Thậm chí, có ý kiến cho rằng đây là bộ trang phục dân tộc đẹp nhất trong số những quốc phục của người đẹp Việt tại các kỳ thi nhan sắc quốc tế. Các chuyên gia sắc đẹp ở trang web Missosology lúc đó cũng công bố top 5 quốc phục được hy vọng sẽ gây ấn tượng nhất tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 và họ xếp trang phục của Trương Thị May vị trí số 1.

Từ phần thể hiện của Trương Thị May đến nay, đã có nhiều người đẹp lựa chọn trang phục đi thi quốc tế. Năm 2014, Cao Thùy Linh trở thành tâm điểm chú ý khi là đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế diễn ra ở Thái Lan. Dù rất cố gắng nhưng cô không lọt vào top 25 chung cuộc. Tuy nhiên, bộ trang phục áo dài truyền thống của Cao Thùy Linh đã vượt qua nhiều bộ quốc phục khác để lọt vào “Top 20 Best National Costume Miss Grand International 2014” cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2014.

quoc phuc cua nguoi dep viet thi nhan sac the gioi tuong de ma hoa kho
Hoa hậu H’Hen Niê thử một trong 6 mẫu trang phục vào vòng bình chọn cuối cùng để đi thi Hoa hậu hoàn vũ Thế giới năm 2018.

Hoa hậu Phạm Hương là đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2015. Người đẹp mang đến cuộc thi một bộ quốc phục cầu kỳ, tinh tế mà vẫn thể hiện được sự uy nghiêm và cao quý của nhà thiết kế Thuận Việt. Bộ trang phục lấy ý tưởng từ chim hạc, cây tre, lá trúc - vốn là những hình ảnh rất quen thuộc trong dân gian Việt Nam.

Những tưởng áo dài sẽ là lựa chọn không thể thay thế thì mấy năm gần đây, các người đẹp lại có lựa chọn nhằm mang đến sự khác biệt hơn: Như Lan Khuê chọn áo tứ thân và áo dài trắng đơn giản. Một số người đẹp khác chọn thiết kế cách điệu từ áo yếm, trang phục mang màu sắc dân gian. Năm 2018 này, Phương Nga đang là người đầu tiên tham dự đấu trường nhan sắc quốc tế, bộ trang phục cô chọn làm quốc phục đứng thứ 2 top bình chọn những trang phục đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng vị trí thứ 2 là nhờ phần nhiều công tác vận động fan trong nước bình chọn, chứ bộ trang phục chưa thực sự đẹp, có thể do thời gian chuẩn bị gấp – có những chi tiết của trang phục không vừa vặn với Phương Nga.

Gấp gáp như Phương Nga, thời gian chuẩn bị chưa bao lâu nên trang phục truyền thống chưa được như kỳ vọng đã đành một lẽ, nhưng như trường hợp của H’Hen Niê – Người sẽ đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Hoàn vũ trong một hai tháng tới, có một năm để chuẩn bị trang phục truyền thống lại cũng đang rơi vào thế khó.

Để chuẩn bị cho H’Hen Niê trang phục truyền thống phù hợp nhất, cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc” cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe đã được tổ chức. Top 6 mẫu thiết kế được công bố làm phát sinh khá nhiều tranh cãi. Đó là 6 mẫu trang phục dân tộc gồm: Bánh mì (tác giả Phạm Phước Điền), Hoa đăng sắc Việt (tác giả: Nguyễn Vũ Hùng, Thạch Thành Đạt), Phố cổ (tác giả: Nguyễn Đình Thuận), Ngũ hổ (tác giả: Nguyễn Đặng Thanh Nhàn), Thăng thu (tác giả: Nguyễn Đức Hải) và Nữ quyền (tác giả: Phạm Minh Phúc). Trải qua vòng tuyển chọn sơ khảo và thuyết trình ý tưởng, đây là 6 mẫu thiết kế nhận được sự đồng thuận từ BGK để tiến hành thực hiện ý tưởng và hoàn thiện trang phục. Ngoài việc được cùng H'Hen Niê chinh chiến tại Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018, tác giả của bộ áo cũng sẽ nhận đuợc một kỷ niệm chương và 15 triệu đồng từ ban tổ chức.

Những ngày vừa qua, H’Hen Niê đã thử trang phục bản hoàn thiện và tiếp tục kêu gọi mọi người vote cho các trang phục trong tốp 6 để Hoa hậu có lựa chọn chính thức trước khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Đa số các thiết kế lọt top cuối đều khá lạ: Dựa trên chất liệu truyền thống rồi bổ sung thêm chi tiết. Có bộ trang phục đưa cả chi tiết “bánh mì” vào thiết kế. Những trang phục này đang tạo ra rất nhiều tranh cãi: Người cho rằng sao không chọn quốc phục tinh tế, chỉn chu mà phải màu mè quá mức như thế này, người lại cho rằng với sân chơi có tính trình diễn, nếu chỉ trung thành với áo truyền thống cổ điển, đơn giản thì rất khó để tạo được sự chú ý.

Cuộc tranh cãi đến giờ chưa ngã ngũ, thế mới thấy, trang phục truyền thống tưởng dễ mà lại trở thành khó. Bởi yêu cầu của các cuộc thi khác nhau, cách để gây ấn tượng cũng khác nhau. Ở góc độ khán giả, trang phục truyền thống ngoài ấn tượng của đêm trình diễn, nó còn đại diện cho nền văn hóa mà thí sinh ấy khoác lên người. Vì thế, ai cũng trông đợi đó là một bộ trang phục vừa ấn tượng, vừa tinh tế lại không mất đi các nét đẹp ngàn đời của phụ nữ Việt: Đẹp, gợi cảm nhưng không phô phang; ấn tượng nhưng không tạp nham… Rất nhiều tiêu chí đó đủ để thấy chọn trang phục truyền thống cho người đẹp Việt đi thi hiện nay… thật chẳng dễ dàng gì!

Nam Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động