Thứ hai 03/02/2025 15:18

Quy định của pháp luật về việc sử dụng lao động chưa thành niên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tôi kinh doanh thực phẩm, thường đến lấy hàng tại cơ sở giết mổ gia súc của ông T. Mỗi lần đến tôi thấy một cậu bé làm việc ở đó, lân la hỏi chuyện tôi biết cậu bé mới 14 tuổi. Tôi băn khoăn về việc ông T sử dụng lao động chưa thành niên như vậy có đúng quy định pháp luật không? Nếu sai thì ông T sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?    
quy dinh cua phap luat ve viec su dung lao dong chua thanh nien
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 165 Bộ luật lao động quy định các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên như sau:

“1. Cấm sử dụng người chưa thành niên làm các công việc sau đây:

a) Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên;

b) Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ;

c) Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc;

d) Phá dỡ các công trình xây dựng;

đ) Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại;

e) Lặn biển, đánh bắt cá xa bờ;

g) Công việc khác gây tổn hại cho sức khoẻ, an toàn hoặc đạo đức của người chưa thành niên.

2. Cấm sử dụng người chưa thành niên làm việc ở các nơi sau đây:

a) Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm;

b) Công trường xây dựng;

c) Cơ sở giết mổ gia súc;

d) Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp;

đ) Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sức khoẻ, sự an toàn và đạo đức của người chưa thành niên.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục tại điểm g khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều này.”

Ông T sử dụng lao động 14 tuổi – là người chưa thành niên để làm việc trong cơ sở giết mổ gia súc là vi phạm Điểm c, Khoản 2 Điều 165 Bộ luật lao động đối với quy định các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên.

Ông T sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 28 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể:

“Điều 28. Vi phạm quy định về lao động chưa thành niên

...

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc, ảnh hưởng xấu đến nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, nơi làm việc bị cấm sử dụng theo quy định tại Điều 165 của Bộ luật Lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;”

Áp dụng khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 28 là mức là mức phạt đối với cá nhân, và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức trung bình khung tiền phạt đối với ông T là 62.500.000 đồng.

Ngoài ra, ông T còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 296 về tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi tại Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 98 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Hoàng Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động