Thứ sáu 24/01/2025 13:54

Quy định về cấm tra tấn và các biện pháp đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Tranh minh họa

Khoản 2 Điều 2 Công ước Chống tra tấn quy định: “Không có bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ nào, cho dù là trong tình trạng chiến tranh, hoặc đang bị đe doạ bởi chiến tranh, mất ổn định chính trị trong nước hoặc bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào có thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn”. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa quy định này của Công ước, trong đó có thể kể đến một số nội dung chính sau.

Xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta, từ lý luận và thực tiễn phát triển đất nước những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của vấn đề quyền con người và mối quan hệ giữa con người và chính trị, giữa công dân và Nhà nước, giữa tự do cá nhân và pháp luật quốc gia. Trong mối quan hệ đó, phải khẳng định: Cá nhân làm nên xã hội; quyền lực nhà nước bắt nguồn từ công dân và bị giới hạn bởi ý chí của người dân. Tự do, nhân phẩm của mỗi cá nhân phải được xã hội, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ.

Hiến pháp năm 1946 lần đầu tiên xác định một nguyên tắc về chống hành vi tùy tiện trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam, theo đó “tư pháp không quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không được ai xâm phạm một cách trái pháp luật” (Điều 11). Mặc dù quy định này không đề cập cụ thể đến vấn đề tra tấn nhưng lại có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ người dân trước những vi phạm nhân quyền trong hoạt động tư pháp, bao gồm các hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục.

Nguyên tắc trên tiếp tục được các bản Hiến pháp sau kế thừa và phát triển thành nguyên tắc hiến định đầy đủ về quyền bất khả xâm phạm thân thể, danh dự và nhân phẩm của công dân mà được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong hoạt động tố tụng (các Điều: 27, 28 Hiến pháp năm 1959; các Điều 69, 70 và 71 Hiến pháp năm 1980; Điều 71 Hiến pháp năm 1992).

Cụ thể, Điều 71 Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi và bổ sung năm 2001) quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt bếu không có quyết định của tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”.

Quy định trên của Hiến pháp năm 1992 tiếp tục được kế thừa và bổ sung, hoàn thiện tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013. Theo đó: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…

So với quy định tại Điều 71 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) thì Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã có sự thay đổi rất cơ bản như sau:

Thứ nhất, về mặt chủ thể, Hiến pháp năm 2013 bảo vệ tất cả các cá nhân, hay nói cách khác bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể cho con người trong khi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chỉ ghi nhận quyền này cho công dân.

Thứ hai, nội dung quyền bất khả xâm phạm, các biện pháp bảo vệ và các hình thức vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của cá nhân theo Hiến pháp năm 2013 đã được quy định khái quát và rõ ràng hơn. Cụ thể như sau:

So với Hiến pháp năm 1992 thì Hiến pháp năm 2013 có quy định bổ sung hai hành vi “tra tấn, bạo lực” là những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tư pháp hình sự nhằm bảo đảm quyền con người. Theo quy định này của Hiến pháp năm 2013, các hành vi cụ thể như lăng mạ, đe dọa, đánh đập đối với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam hay người đang chấp hành hình phạt tù gây cho họ đau đớn, đau khổ nghiêm trọng về thể xác, tinh thần là các hành vi vi phạm quyền con người. Các hành vi khác như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, ăn cơm nhạt, không cho ngủ, giam trong buồng tối, xét hỏi suốt ngày đêm gây cho người bị giam giữ căng thẳng tột độ, bắt đứng hoặc quỳ khi hỏi cung cũng đều là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, vi phạm quyền con người.

Quy định này của Hiến pháp năm 2013 đã bảo vệ mọi cá nhân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau (ví dụ, bao gồm cả công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hay người đang bị giam, giữ…). Điều đó cũng có nghĩa trách nhiệm của Nhà nước là không được xâm phạm quyền này của cá nhân hay đặt ra giới hạn đối với quyền này, kể cả trong tình trạng khẩn cấp. Nhà nước có trách nhiệm phải ngăn chặn, xử lý mọi hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Ngoài quy định của Hiến pháp, quyền không bị tra tấn, bức cung, nhục hình và quy cấm tra tấn, bức cung, nhục hình còn được ghi nhận ở nhiều văn bản luật, trong đó có:

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Quy định rõ cấm tra tấn, bức cung, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người tại Điều 10. Theo đó, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể; nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người.

Luật thi hành án hình sự năm 2010: Quy định các nguyên tắc: tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án (Điều 4); cấm nhận hối lộ, sách nhiễu trong thi hành án hình sự; cản trở người chấp hành án thực hiện quyền được đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành án (Điều 9)...

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015: Quy định về việc cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (các điều 4 và 8).

Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015: Quy định nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 14).

Những lời khai là kết quả của hành vi tra tấn sẽ không được sử dụng làm chứng cứ
Các quốc gia phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tra tấn
Pháp luật Việt Nam hiện đã có các quy định nhằm ngăn ngừa hành vi tra tấn
Quang Trung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động