Chủ nhật 27/04/2025 12:09

Sổ đỏ của gia đình bị người thân cầm cố, xử lý thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo luật sư, căn cứ vào các quy định pháp luật, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không phải là tài sản mà là chứng thư pháp lý, do không phải là tài sản nên không thể cầm cố.
Sổ đỏ của gia đình bị người thân cầm cố, xử lý thế nào?
Sổ đỏ không chính chủ có cầm cố được không. Ảnh CTV

Lấy sổ đỏ của người thân đem đi cầm cố

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, thời gian trước cô ruột của chị có tự ý lấy sổ đỏ của bố mẹ chị rồi đem đi cầm cố cho 1 cá nhân ở phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để vay tiền. Sau một thời gian cô của chị Nguyễn Thị Nguyệt không còn khả năng trả nợ nên sổ đỏ của nhà chị bị người kia giữ.

Vì có thiện chí lấy lại sổ để xử lý chuyện sang tên đổi chủ để bảo đảm quyền lợi cho các thành viên trong gia đình, chị Nguyễn Thị Nguyệt đã liên hệ với các đối tượng kia đề nghị được chuộc lại. Tuy nhiên các đối tượng chỉ cho chị chuộc lại với điều kiện ngoài việc chị phải hoàn lại số tiền gốc mà cô chị đã vay, chị còn phải chịu phạt lãi với số tiền rất lớn.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt cho rằng, việc đó là vô lý, bởi lẽ việc cô ruột lấy sổ đỏ của gia đình chị đem đi cầm cố hoàn toàn không có sự đồng ý của bố mẹ chị, đồng thời người cô cũng không đứng tên sở hữu trên sổ. Chị Nguyễn Thị Nguyệt thắc mắc, hành vi đem sổ đỏ của người khác đi cầm cố của cô ruột chị có đúng quy định pháp luật hay không? Và bởi không lấy lại được sổ đỏ nên chị muốn làm lại có được không?

Không phải là tài sản nên không thể cầm cố

Về tình huống trên, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc người cô của chị Nguyễn Thị Nguyệt cầm cố sổ đỏ mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu thì giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Dân sự 2015, quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Theo đó, giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Giao dịch dân sự vô hiệu, theo quy định tại Điều 131, Bộ luật Dân sự 2015, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập; khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Mặt khác, khoản 21, Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của các luật có liên quan được thực hiện theo quy định của Luật này có giá trị pháp lý tương đương như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Luật này.

Căn cứ theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, sổ đỏ không phải là tài sản mà là chứng thư pháp lý. Do không phải là tài sản nên không thể cầm cố.

Như vậy, nếu có tranh chấp từ hợp đồng cầm cố này thì pháp luật không bảo vệ bên nhận cầm cố. Trong trường hợp này sẽ giải quyết theo giao dịch dân sự vô hiệu, tức là các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Nếu các bên không tự nguyện giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là trả lại cho nhau những gì đã nhận thì gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Từ đó buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ này.

Còn về vấn đề cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, căn cứ Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai, thì khi bị mất giấy chứng nhận thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có quyền đề nghị cấp lại.

Pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấp lại sổ đỏ khi sổ đỏ bị đem cầm cố, thế chấp. Vì vậy, gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt không thể đăng ký mất sổ đỏ để làm lại sổ đỏ khác.

Không có sổ đỏ, đăng ký thường trú cho con được không? Không có sổ đỏ, đăng ký thường trú cho con được không?

Theo Bộ Công an, ngoài Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do ...

Vấn đề pháp lý về “sổ đỏ” sau sắp xếp đơn vị hành chính? Vấn đề pháp lý về “sổ đỏ” sau sắp xếp đơn vị hành chính?

Luật sư cho biết, việc sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính không làm mất hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng ...

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động