Thứ tư 23/07/2025 12:37
Để thực phẩm không còn là “đồ bỏ đi”

Kỳ cuối: Hà Nội ứng dụng công nghệ, hướng tới thành phố thông minh không lãng phí thực phẩm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững và đảm bảo an ninh lương thực, bài toán giảm lãng phí thực phẩm đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tại Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm đang được xem là giải pháp quan trọng giúp giải quyết hiệu quả tình trạng thất thoát và tiêu dùng dư thừa.
Hà Nội đẩy mạnh là hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng mã QR để người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin về quy trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và bảo quản.
Hà Nội đẩy mạnh hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng mã QR để người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin về quy trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và bảo quản. Ảnh minh họa

Giảm lãng phí thực phẩm vì mục tiêu phát triển bền vững

Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trong đó, mục tiêu cụ thể của SDG 12.3 là đến năm 2030, giảm một nửa lãng phí thực phẩm trên đầu người toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và tiêu dùng, đồng thời giảm thất thoát thực phẩm dọc theo chuỗi sản xuất và cung ứng, bao gồm cả tổn thất sau thu hoạch.

Việt Nam không đứng ngoài trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm. Năm 2018, Kế hoạch hành động quốc gia về “Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025” đã được thông qua. Một trong những mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2025 “lương thực không bị thất thoát, lãng phí”.

Trong nỗ lực giảm tổn thất sau thu hoạch và lãng phí thực phẩm, Chính phủ đã triển khai hàng loạt chính sách nhằm phát triển chuỗi cung ứng lạnh và công nghệ chế biến sâu. Nổi bật là Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg của Chính phủ quy định ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất và hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư kho lạnh, thiết bị sơ chế và chế biến nông – lâm – thủy sản. Chính sách này sau đó được kế thừa và mở rộng trong Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, góp phần khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hệ thống bảo quản hiện đại.

Chính phủ cũng đẩy mạnh hợp tác công – tư, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ, hình thành mạng lưới kết nối giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ như container lạnh di động, hệ thống CoolBot, hay công nghệ CAS (Cells Alive System) giúp kéo dài thời gian bảo quản rau củ, thủy sản và trái cây. Các giải pháp này đã giúp giảm 20–30% thất thoát sau thu hoạch tại một số mô hình thí điểm.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đặt ra giảm 50% lượng thất thoát thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, trong đó gạo giảm 5%, rau củ 12%, thủy sản 10%. Đồng thời, ưu tiên đầu tư công nghệ chế biến sâu, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn và bền vững.

Kỳ cuối: Hà Nội ứng dụng công nghệ, hướng tới thành phố thông minh không lãng phí thực phẩm
Bộ giải pháp MeoDash – MeoCloud – MeoApp nhằm kết nối các nhà hàng ăn nhanh và người tiêu dùng với mục tiêu giảm thiểu lượng thực phẩm dư thừa là sáng kiến của Team Meo Food, phát triển trong khuôn khổ sự kiện SEA Makerthon 2016 tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: makezine.com

Thành phố thông minh – hướng đi cho bài toán về thực phẩm

Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn, với trọng tâm là tái chế phế liệu và chất thải, được xem là một cách phát triển bền vững và thân thiện với môi trường cho các thành phố lớn của Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

"Hà Nội cần xác định các công nghệ xử lý chất thải rắn quan trọng nhất trong những năm tới để có thể áp dụng các biện pháp phù hợp. Ví dụ, chất thải thực phẩm có nên được phân loại để ủ compost hay chôn lấp, hoặc loại chất thải rắn nào nên được đốt để phát điện" - PGS.TS Bùi Thị An cho hay.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, chất thải thực phẩm chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, với hơn 63% đến từ hộ gia đình và lên tới 97% tại một số cơ sở dịch vụ ăn uống. Nếu không được xử lý đúng cách, chất thải thực phẩm sẽ gây mùi, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh và phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, nếu được phân loại và tận dụng đúng, nguồn chất thải này có thể trở thành tài nguyên quý giá, phục vụ nhiều ngành khác như sản xuất phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, chế biến năng lượng sinh học, thậm chí là nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm sinh học.

Do đó, Hà Nội đang từng bước triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ thông minh nhằm kiểm soát và giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Nhiều sáng kiến sáng tạo đã được thử nghiệm, từ việc theo dõi tồn kho theo thời gian thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đến kết nối nhà cung cấp với người tiêu dùng để chia sẻ hoặc bán lại thực phẩm còn sử dụng được.

Một trong những mô hình đáng chú ý là bộ giải pháp MeoDash – MeoCloud – MeoApp. Đây là sáng kiến của Team Meo Food, phát triển trong khuôn khổ sự kiện SEA Makerthon 2016 tổ chức tại Hà Nội, một cuộc thi sáng tạo liên khu vực Đông Nam Á hướng tới giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm. Theo đó, các nhà hàng có thể sử dụng thiết bị MeoDash để cập nhật nhanh lượng thực phẩm thừa, dữ liệu sẽ được đồng bộ lên nền tảng MeoCloud và ứng dụng MeoApp cho phép người tiêu dùng biết được thông tin và mua lại thực phẩm với giá rẻ trước khi bị tiêu hủy.

Một giải pháp công nghệ khác đã và đang được Hà Nội đẩy mạnh là hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng mã QR. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, hàng nghìn đơn vị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã tham gia hệ thống này, với gần 14.000 sản phẩm được cấp mã QR để người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin về quy trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và bảo quản.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ nâng cao tính minh bạch, an toàn thực phẩm mà còn giúp giảm thiểu thực phẩm hỏng do bảo quản sai cách hoặc tiêu dùng không đúng hạn. Người tiêu dùng, nhờ có thông tin rõ ràng, sẽ có cơ sở để mua và sử dụng thực phẩm một cách hợp lý hơn.

Song song đó, mô hình “Smart Market 4.0” (chợ, siêu thị thông minh) đang được thí điểm tại một số khu vực ở Hà Nội. Các cơ sở này sử dụng cảm biến IoT (Internet vạn vật) để theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, hạn sử dụng của sản phẩm, giúp hệ thống tự động thông báo cho nhà quản lý nếu sản phẩm sắp hết hạn. Từ đó, thực phẩm được khuyến mãi bán nhanh, hoặc chuyển tới các ngân hàng thực phẩm thay vì bị loại bỏ.

Kỳ cuối: Hà Nội ứng dụng công nghệ, hướng tới thành phố thông minh không lãng phí thực phẩm
Công nghệ IoT cho phép người trồng trọt và nông dân giảm chất thải, nâng cao năng suất và cho phép sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên như nước, điện...

Ứng dụng công nghệ số trong quản lý thực phẩm tại Hà Nội

Hà Nội cũng xác định nền tảng dữ liệu lớn sẽ đóng vai trò trung tâm trong quá trình xây dựng đô thị thông minh. Trong chiến lược đến năm 2030, thành phố ưu tiên phát triển hạ tầng dữ liệu liên ngành, kết nối các hệ thống quản lý sản xuất – phân phối – tiêu dùng để tạo nên chuỗi cung ứng thông minh.

Việc tích hợp dữ liệu từ các hệ thống kho lạnh, nhà máy chế biến, siêu thị, chợ đầu mối và cả người tiêu dùng sẽ cho phép sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo nhu cầu thực phẩm, điều phối lượng hàng hóa hợp lý và hạn chế tình trạng dư thừa, hư hỏng.

Báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu ứng dụng Đông Á (IGES) cho thấy, việc triển khai công nghệ số trong quản lý thực phẩm đã giúp Hà Nội bước đầu đạt được những kết quả tích cực như: giảm 20–25% thực phẩm thừa tại một số nhà hàng và siêu thị; tăng hiệu quả tái chế rác hữu cơ lên gần 30% tại các khu dân cư thí điểm; nâng cao nhận thức người dân về trách nhiệm tiêu dùng bền vững.

Để tận dụng hiệu quả các mô hình thành phố thông minh trong giảm lãng phí thực phẩm, Hà Nội cần đẩy mạnh một số giải pháp trọng tâm như: nhân rộng mô hình chia sẻ thực phẩm thông minh; đào tạo và truyền thông nâng cao nhận thức người dân, khuyến khích thói quen tiêu dùng bền vững, lập kế hoạch bữa ăn và phân loại rác hữu cơ tại nguồn.

Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chuỗi lạnh và cảm biến IoT, đồng thời mở rộng hệ thống truy xuất nguồn gốc QR tới toàn bộ chuỗi siêu thị, chợ đầu mối. Xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, khuyến khích các mô hình tái phân phối thực phẩm, đồng thời bảo vệ các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này. Thành lập trung tâm điều phối dữ liệu thực phẩm đô thị, từ đó cung cấp thông tin thời gian thực cho các bên liên quan trong hệ sinh thái cung – cầu thực phẩm.

Việc tích hợp công nghệ vào từng khâu trong chuỗi thực phẩm không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính mà còn mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế tuần hoàn, tạo ra giá trị cộng đồng bền vững.

Ứng dụng công nghệ IoT trong quản lý thực phẩm đang mở ra hướng đi mới cho Hà Nội trong việc giảm lãng phí, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống đô thị. Dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Thủ đô có thể trở thành hình mẫu tiên phong trong chuyển đổi số lĩnh vực an ninh lương thực và phát triển bền vững.

Kỳ 1: Giảm lãng phí thực phẩm - chìa khóa cho an ninh lương thực và phát triển bền vững Kỳ 1: Giảm lãng phí thực phẩm - chìa khóa cho an ninh lương thực và phát triển bền vững
Kỳ 2: Giải bài toán lãng phí thực phẩm - thách thức của các đô thị lớn Kỳ 2: Giải bài toán lãng phí thực phẩm - thách thức của các đô thị lớn
Vân Lê
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động