Thứ năm 23/01/2025 20:20

Sốt xuất huyết ở trẻ em dễ nguy hiểm hơn người lớn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường bùng phát vào mùa mưa tại những nơi có môi trường vệ sinh kém, ẩm thấp. Bệnh thường xuất hiện chủ yếu ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao và hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh.
Sốt xuất huyết ở trẻ em dễ nguy hiểm hơn người lớn
Trẻ em khi sốt do sốt xuất huyết dễ nhầm với các bệnh khác nên không được phát hiện kịp thời (ảnh minh hoạ)

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 33.000 ca mắc sốt xuất huyết, phần lớn tập trung ở các tỉnh phía Nam.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn TP phát hiện hơn 400 ổ dịch sốt xuất huyết ở 51 phường, xã. Trong tuần qua, TP ghi nhận 943 ca sốt xuất huyết.

Tại tỉnh Đồng Nai, tính đến tuần 21 năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 3.154 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 24,41% so với cùng kỳ năm 2021; TP. Đà Nẵng cũng đã ghi nhận khoảng 1.400 ca sốt xuất huyết với khoảng 100 ổ bệnh.

Đối với Hà Nội, chuyên gia dịch tễ cảnh báo sau đợt mưa, khi có nắng lên là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh. Theo kết quả giám sát tuần qua (từ ngày 14-20/5) Hà Nội đã ghi nhận 15 ca mắc tại nhiều quận, huyện.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao hơn người lớn. Với bản tính hiếu động, ham chơi, đặc biệt là thích chơi ở những chỗ tối, nơi muỗi thường trú ngụ hoạt động nhiều nên trẻ dễ bị muỗi tấn công nhất.

Bên cạnh đó, do thân nhiệt, nhịp thở của trẻ thường cao hơn người lớn, tình trạng ra mồ hôi cũng nhiều hơn nên muỗi dễ phát hiện và đốt trẻ.

Ở giai đoạn khởi phát, phụ huynh khó có thể phân biệt bệnh sốt xuất huyết bởi các biểu hiện của bệnh thường không đặc trưng. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thường bắt đầu bằng việc trẻ sốt cao đột ngột từ 2- 7 ngày. Một số biểu hiện kèm theo như: xung huyết da, mặt đỏ, đau nhức cơ, có thể đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi kéo dài,...

Giai đoạn tiếp theo, trẻ bị sốt xuất huyết sẽ xuất hiện dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết, khi ấn vào những vết chấm đỏ không biến mất.

Các vết thương này thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực; trẻ bị chảy máu răng, chảy máu mũi, trong phân có máu. Sau vài ngày thì kích thước gan sẽ phình lên.

Sau 3- 7 ngày mắc bệnh thì thân nhiệt của trẻ sẽ hạ thấp hơn. Một số trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết Dengue như đau bụng, nôn mửa, mệt mỏi, niêm mạc của trẻ bị xuất huyết... hoặc dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết Dengue như: tay chân lạnh, không đo được huyết áp, mạch không ổn định... Người nhà khi thấy xuất hiện những dấu hiện trên thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

BS. Nghiêm Thị Mai Sang, Phó Trường Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn cho biết, nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thường nguy hiểm hơn người lớn bởi nhiều phụ huynh chủ quan, không phát hiện kịp ở giai đoạn đầu. Trẻ chỉ bị sốt không có biểu hiện đặc trưng nên cha mẹ tự điều trị ở nhà, không đưa trẻ đi khám.

Vì vậy, khi trẻ được đưa đến bệnh viện thì tình trạng đã trở nặng và nguy hiểm. Còn người lớn khi có những biểu lạ, mệt mỏi sẽ tới bệnh viện kiểm tra ngay nên giảm thiểu các tình trạng bệnh nặng.

Hà Nội triển khai công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết gia tăng nhanh chóng, TP Hồ Chí Minh có 7 ca tử vong
Chuyên gia cảnh báo dấu hiệu bệnh nhân sốt xuất huyết cần nhập viện
Nguyễn Hạnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động