Thứ hai 03/02/2025 11:42

Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Hộ gia đình của tôi chuyên sản xuất những suất ăn trưa cho nhân viên văn phòng. Do nhập thịt lợn với số lượng lớn phục vụ cho nhu cầu sử dụng, đến nay có một khối lượng thịt chưa sử dụng đến mà đã hết hạn sử dụng. Lượng thịt này mặc dù đã hết hạn sử dụng nhưng tôi bảo quản lạnh rất đảm bảo, nên tôi dự định vẫn sử dụng để sản xuất, chế biến các suất ăn như bình thường. Xin hỏi việc sử dụng thịt đã quá quá thời hạn sử dụng như vậy có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì công ty sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?  

(Hồ Thanh Thư, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội)

su dung nguyen lieu da qua thoi han su dung de san xuat che bien cung cap thuc pham
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 5 Luật an toàn thực phẩm quy định những hành vi bị cấm như sau:

“1. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.

2. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

....”

Hộ gia đình của bạn sử dụng thịt lợn đã quá thời hạn sử dụng để sản xuất, chế biến các xuất ăn trưa như vậy là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật an toàn thực phẩm về việc cấm “Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.”. Hành vi vi phạm của Hộ gia đình bạn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cụ thể:

“Điều 4. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm

1. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng;

b) Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

c) Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.

...

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.”

Hộ gia đình của bạn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP với hành vi vi phạm “Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng”.

Áp dụng khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức tiền phạt đối với hộ gia đình có hành vi sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm là 1,5 lần giá trị sản phẩm vi phạm. Như vậy để xác định được mức phạt cụ thể, cần căn cứ vào giá trị cụ thể của số thịt quá thời hạn sử dụng kể trên.

Mặt khác, công ty bạn còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm”.

Ngoài ra nếu hành vi vi phạm của công ty bạn có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì công ty bạn còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, được sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Bình Minh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động