Thứ sáu 24/01/2025 00:32

Tăng tuyên truyền pháp luật trên không gian mạng, đẩy lùi thông tin xấu độc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nếu nhìn vào những hội nhóm kiểu như "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" thì có thể nhận thấy rằng, không gian mạng đã từ ảo trở thành nơi tập hợp những đối tượng phạm tội thật. Cách hạn chế những không gian mạng, hội nhóm mạng “đen” này không thể khác, là những không gian mạng khác, tích cực, chủ động và đúng đắn. Vì thế, rất nhiều mô hình tuyên truyền tích cực trên không gian mạng đã được hình thành.

Chặn những "mầm" vi phạm từ không gian ảo

Nhìn vào hai vụ phạm tội gần đây có thể thấy rằng: Nguy cơ từ không gian ảo đang tăng lên.

Ví dụ, thành viên trong nhóm "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" thường xuyên đăng tải các bài viết với nội dung tiêu cực. Nội dung các bài viết đều có ẩn ý liên quan tới các hành vi trái pháp luật như đi cướp, thực hiện các phi vụ nếu thiếu tiền, nhảy xe ở nhà trọ, mua tiền giả, bán dâm, đánh bạc…

Và không chỉ là bài đăng trên mạng, có những thành viên đã thực hiện hành vi phạm tội ngoài đời thực.

Giữa tháng 1-2022, Nguyễn Tùng Lâm (35 tuổi, Hưng Yên), Tô Văn Tình (29 tuổi, Quảng Ninh) và Lê Duy Dự (28 tuổi, Thanh Hóa) kết bạn thông qua nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" trên Facebook. Sau đó cả 3 giả vờ làm khách đến chung cư của một thanh niên rao bán điện thoại trên mạng ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) rồi dùng bình xịt hơi cay tấn công, đánh, trói chủ nhà, cướp tài sản. Sau khi gây án, cả 3 đã lẩn trốn ở nhiều địa phương trên cả nước nhưng bị bắt sau 5 ngày.

Tiếp tục thông qua nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều", Trần Văn Hào (35 tuổi, Hà Tĩnh) và Phan Ngọc Trăm (23 tuổi, Lạng Sơn) quen biết và rủ nhau đi cướp tài sản. Hào và Trăm chuẩn bị súng và các công cụ gây án rồi đột nhập vào phòng ngủ của một cặp vợ chồng ở Thạch Thất (Hà Nội), nổ súng, dùng dao đe dọa, yêu cầu đưa 100 tỉ đồng. Sau khi lấy được 200 triệu, nhóm cướp tiếp tục trói gia chủ vào ghế và yêu cầu chuyển thêm 5 tỉ đồng nếu không sẽ giết cả nhà. Cả 2 bị bắt sau một ngày gây án. Sự việc này xảy ra cũng vào tháng 1-2022.

Mới gần đây là vụ Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi) và Nguyễn Thanh Tùng (41 tuổi, cùng trú tại Hà Nội) cũng quen nhau qua nhóm trên rồi mang súng bật lửa, dao đến phòng giao dịch Ngân hàng VietinBank ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cướp 500 triệu đồng. Khi bỏ chạy, Hiếu và Tùng bị đụng xe nên làm rơi 300 triệu đồng và khẩu súng. Sau một ngày gây án, cả hai đã bị công an bắt giữ.

Tăng tuyên truyền pháp luật trên không gian mạng, đẩy lùi thông tin xấu độc
Hội "Những người vỡ nợ muốn làm liều" có rất nhiều những chia sẻ tiêu cực trên không gian mạng. Ảnh chụp màn hình

Việc xử lý các hội nhóm "đen" trên không gian mạng này hiện gặp khó. Theo Luật sư Lê Đức Thọ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì: Nếu những người thành lập nhóm này chỉ với mục đích như một trò đùa, không nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào từ các thành viên đã thực hiện hành vi phạm tội, thì không có cơ sở để xử phạt họ.

Trường hợp những người lập nên hội nhóm này với mục đích kết nối tội phạm, khuyến khích cổ xúy thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cướp, thì trước hết có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng với hành vi cung cấp thông tin, kích động bạo lực trên mạng xã hội được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

Những vấn đề trên khiến chúng ta phải nhìn nhận thực tế là không thể buông lỏng không gian mạng khi nó đã trở thành một kênh gắn liền với cuộc sống hiện tại. Hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, ngăn chặn những biểu hiện sai lệch rõ ràng không thể bỏ qua không gian này.

Nhân lên những không gian mạng tích cực

Việc hạn chế các “không gian đen”, tất nhiên ngoài cứng rắn về chế tài, về nghiệp vụ an ninh mạng, cần song song xây dựng những “không gian sáng”. Mà thực tiễn từ nhiều cơ sở đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã có sáng kiến liên kết với các nhóm trên mạng xã hội. Qua đó, cán bộ chiến sĩ công an cùng tham gia vai trò admin (người quản lý) để đăng tải hoặc gỡ bỏ những thông tin xấu độc, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Mô hình mới này, công an phường đã liên kết với 23 nhóm cư dân trên địa bàn có số thành viên lên đến hàng chục nghìn như nhóm: “Mễ Trì - Phú Đô - Mỹ Đình” đạt 72.000 thành viên, nhóm “Chợ Phú Đô - Mễ Trì” đạt 34.000 thành viên… và nhiều nhóm khác hoạt động trên địa bàn phường. Cán bộ công an phường có tài khoản trong mỗi nhóm để theo dõi, kiểm duyệt, gỡ bỏ những bài đăng có nội dung xấu, gây ảnh hưởng ANTT trên địa bàn.

Cùng với đó, đăng tải những thông tin chính xác về các thông báo của cơ quan chức năng; tuyên truyền những phương thức thủ đoạn của các hệ loại đối tượng lên đồng loạt các nhóm, nhằm lan truyền sâu rộng tới tất cả người dùng mạng xã hội trên địa bàn phường Mễ Trì...

Đại diện công an phường Mễ Trì cho biết, phấn đấu hết năm 2022 đơn vị sẽ ký kết phối hợp với 50 hội nhóm, cộng đồng Facebook, góp phần vì một môi trường bình yên trên không gian mạng.

Tăng tuyên truyền pháp luật trên không gian mạng, đẩy lùi thông tin xấu độc
Thông qua mạng xã hội và các kênh chính thống, nhiều thông tin đúng, chính xác đã được cập nhật cho người dân

Đây cũng là sáng kiến được nhiều đơn vị khác triển khai. Theo bà Nguyễn Phương Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú La, Hà Đông chia sẻ: Việc tuyên truyền qua các trang mạng thông tin xã hội, cổng thông tin của phường cũng được đẩy mạnh với lượt tương tác cao. Ở đó nhân dân nắm được các thông tin pháp luật quan trọng, chính xác, nhanh chóng tương tác và có thể được giải đáp thắc mắc ngay bởi cán bộ được phân công phụ trách trang.

Trung tá Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng Công an phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Việc sử dụng đến các ứng dụng sử dụng nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook rất thuận tiện trong tuyên truyền pháp luật. Chúng tôi có trang Fanpage: “Tôi yêu phường Liên Mạc”, kịp thời đưa đến Nhân dân các chủ trương, chính sách, các thông báo mới từ phường. Mà người quản lý (admin) chính là cán bộ chiến sĩ công án phường, nên việc kiểm soát an ninh trật tự, tư tưởng, cũng như tuyên truyền pháp luật nhanh chóng, hiệu quả”.

Song song với tuyên truyền các kênh truyền thống, thì tuyên truyền bằng các kênh trên không gian mạng này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi các không gian “đen” từ các hội nhóm tội phạm.

Thế Vinh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động