Thứ năm 23/01/2025 06:24

Thăm nơi xuất bản Báo Thanh niên - Tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ ngày 16 đến 23/5/2024, Thành ủy Hà Nội tổ chức Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2025 - 2030 tại Đại học Bách Khoa Hoa Nam, TP Quảng Châu, Trung Quốc.
Thăm nơi xuất bản Báo Thanh niên - Tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu TTXVN

Nhân dịp này, chúng tôi thật may mắn được đến thăm Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - nơi huấn luyện những cán bộ nòng cốt đầu tiên của cách mạng Việt Nam, cũng chính nơi đây, tờ Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và xuất bản, đánh dấu sự ra đời của nền Báo chí cách mạng Việt Nam.

Những kỷ vật thiêng liêng

Trường đào tạo cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam tọa lạc tại ngôi nhà số 13 (nay là số 248 - 250) phố Văn Minh, quận Đông Sơn, TP Quảng Châu, nằm trong một khu phố lớn và yên tĩnh. Đây là địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu, Trung Quốc từ năm 1924 đến năm 1927. Hơn 99 năm trôi qua, khu phố này đã xảy ra nhiều biến cố, nhiều ngôi nhà cổ xưa đã bị phá đi, thay vào đó là những cao ốc, nhưng riêng căn nhà số 250 phố Văn Minh, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và xuất bản tờ báo Thanh niên - Cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên còn nguyên kiến trúc thời ấy, vẫn trường tồn theo năm tháng và được gìn giữ chu đáo, cẩn thận.

Sau khi xuống xe, các thành viên trong Đoàn chầm chậm bước vào từng căn phòng của ngôi nhà. Chúng tôi cảm nhận một không khí linh thiêng như còn đọng lại… Chị hướng dẫn viên trẻ, xinh đẹp người Quảng Châu hồ hởi tiếp đoàn và kể lại, tháng 12/1924, từ Moskva (Liên Xô), đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về đến Quảng Châu. Hàng ngày Bác Hồ làm việc tại Trụ sở Quốc tế cộng sản đặt tại TP Quảng Châu.

Năm 1925, Bác Hồ cải tổ tổ chức “Tâm Tâm Xã”, nhằm tập hợp các thanh niên người Việt Nam yêu nước để giáo dục và truyền bá cách mạng cho họ. Đây là tổ chức tiền thân của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên).

Thăm nơi xuất bản Báo Thanh niên - Tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam

Để có trụ sở học tập và nơi nghỉ cho các học viên, Bác đã mượn các căn phòng ở tầng 3 của ngôi nhà này để mở 3 lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cho 75 cán bộ cách mạng Việt Nam. Bác là người phụ trách lớp và trực tiếp truyền đạt, giảng bài về đạo đức cách mạng cho các học viên. Chính những bài giảng của Bác được tập hợp lại và xuất bản thành cuốn “Đường Kách mệnh”- một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nơi ăn ở, học tập, các học viên phải giữ bí mật tuyệt đối để tránh mọi sự theo dõi của mật thám.

Ngôi nhà có 3 tầng, “tầng thượng” không có mái che, dùng làm bếp để nấu ăn cho các học viên. Ngày xưa, tầng trên cùng có lối thông sang các nhà bên cạnh và ở phía sau, phòng khi có sự cố hay “động”, mọi người có thể tản về các căn nhà bên cạnh và rút đi an toàn.

Căn phòng nghỉ và làm việc của Bác nhỏ xíu, chỉ vừa vặn kê đủ một chiếc giường cá nhân và lối đi vào, vali phải để dưới gầm giường. Tầng giữa có nhiều phòng, Bác chọn phòng rộng nhất làm lớp học, kê bốn hàng bàn nhỏ liền ghế và có miếng gỗ nhỏ để sách, vở, bút.

Thăm nơi xuất bản Báo Thanh niên - Tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam
Căn nhà số 13 phố Văn Minh, nay là số 250 tại TP Quảng Châu, Trung Quốc - nơi xuất bản số báo Thanh niên đầu tiên.

Trải qua gần 100 năm, kể từ khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc sống và hoạt động tại Quảng Châu, căn nhà số 13 này gắn với những kỷ vật thiêng liêng, trong đó có nhiều chiếc ghế đã phai màu, cũ kỹ, nhưng vẫn còn mang hơi ấm của Bác và những chiến sĩ đầu tiên của cách mạng Việt Nam khi ngồi học ở đây…

Đây là di tích văn hóa và lịch sử quan trọng được TP Quảng Châu xác định là Di tích bảo tồn văn vật cấp TP từ năm 1999. Đến năm 2008, Trụ sở cũ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được nâng cấp lên thành Di tích bảo tồn văn vật của tỉnh Quảng Đông.

Thăm nơi xuất bản Báo Thanh niên - Tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam

Đầu năm 2022, lãnh đạo TP Quảng Châu đã cho triển khai dự án, trùng tu, phục dựng Khu di tích bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Sau hơn hai năm nỗ lực trùng tu, dựa trên ký ức của các nhân chứng và tài liệu lịch sử, các địa điểm như lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên Việt Nam, phòng in Báo Thanh niên, phòng ngủ cũng là phòng làm việc của Bác, phòng họp… đã được phục dựng đúng nguyên trạng của thời kỳ đó.

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Từ tầng 1 lên tầng trên của căn nhà phải đi qua phòng in Báo Thanh niên. Dừng chân tại đây, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những hiện vật quý như chiếc ghế mây, máy chữ, máy in Roneo, các bản thảo viết tay vẫn còn nét bút sửa, biên tập, giá sách bằng tre đựng các ấn phẩm của Báo Thanh niên, bộ bàn ghế làm việc của Bác và các đồng chí trực tiếp tham gia viết bài, biên tập, xuất bản Báo.

Dừng lại đây khá lâu, chị hướng dẫn viên tiếp tục kể, ngày 21/6/1925, tại chính nơi đây đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã xuất bản báo Thanh niên - Cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Việt Nam - tờ báo bí mật đầu tiên của những người cách mạng Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ. Sau này, các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Văn Lĩnh đã tham gia xuất bản tờ báo.

Báo Thanh niên tiêu biểu cho tổ chức cách mạng, đến nỗi người ta thường gọi Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội là Đảng Thanh niên. Trong thời gian gần 5 năm, Báo Thanh niên đã xuất bản 202 số, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925, số 202 ra ngày 14/2/1930.

Thời kỳ đầu, Báo Thanh niên xuất bản 1 kỳ/tuần in trên 100 bản. Sau này, do gặp nhiều khó khăn, nên số sau cách số trước từ 3 đến 5 tuần, măng-sét của Báo viết bằng hai chữ tiếng Việt và tiếng Hán. Chỉ lên bảng in các bản báo Thanh niên, chị hướng dẫn viên giới thiệu, số của mỗi tờ báo được viết trong ngôi sao 5 cánh, phần lớn mỗi số Báo có hai trang cỡ trung bình 13x19cm, một số ít ra 4 trang.

Thăm nơi xuất bản Báo Thanh niên - Tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam
Các tư liệu, hiện vật tại căn nhà số 13 phố Văn Minh, nay là số 250 tại TP Quảng Châu, Trung Quốc - nơi xuất bản số báo Thanh niên đầu tiên, ngày 21/6/1925.

Nội dung chính của Báo Thanh niên là vạch rõ mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc là không thể điều hòa được; khẳng định con đường cách mạng của Việt Nam; lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng; người cách mạng phải hy sinh vì sự nghiệp và phải có phương pháp cách mạng đúng…

Tháng 7/1927, tình hình cách mạng Trung Quốc xảy ra nhiều biến cố bất lợi, đồng chí Nguyễn Ái Quốc buộc phải rời khỏi Quảng Châu đến Vũ Hán rồi đi Liên Xô. Khi đó, Báo Thanh niên mới xuất bản được 88 số, sau đó Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội phải chuyển sang Hương Cảng (Hongkong), tiếp tục cho in và xuất bản Báo Thanh niên.

Theo các tài liệu lịch sử, Báo Thanh niên được bí mật chuyển về Việt Nam bằng đường tàu thủy, lưu hành trong các chi bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.

Trong cuốn sách “Đóng góp vào lịch sử các phong trào chính trị ở Đông Pháp”, do Nha Công tác Chính trị và Công an trực thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1933, Louis Marty viết: “Cần phải nói ngay rằng, tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả đảng viên ở nước ngoài, ở trong nước và đông đảo người cảm tình đọc, những người đọc này chẳng những tự mình đọc báo Thanh niên mà còn chép đi, chép lại nhiều lần để người khác đọc.

Đồng chí Đồng Phước An, lớp trưởng Lớp Bồi dưỡng sau khi xem hết các kỷ vật, anh chỉ vào tờ báo Thanh niên xuất bản vào ngày 21/6/1925 được dán trên bảng (đã được số hóa) và hỏi: “Bây giờ Báo Thanh niên là tờ báo của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phải không anh?”. Tôi đã giải thích cụ thể với đồng chí Đồng Phước An là đúng vậy! Tờ Báo Thanh niên hiện nay là Diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Từ tờ Thanh niên do Bác Hồ sáng lập và xuất bản ngày 21/6/1925, đến nay nước ta đã có hệ thống báo chí cách mạng hùng hậu dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn sát cánh, đồng hành cùng đất nước, dân tộc với hơn 800 cơ quan báo chí cùng hơn 41 nghìn người làm báo…

Lợi tại đương đại, công tại thiên thu

Kết thúc chuyến thăm Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên, nhất là được trực tiếp xem hình ảnh, hiện vật và nghe giới thiệu về sự ra đời, quá trình tổ chức sản xuất các ấn phẩm của Báo Thanh niên, chúng tôi - những người làm báo hôm nay, luôn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến công lao trời biển của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Thăm nơi xuất bản Báo Thanh niên - Tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam

Thông qua Báo Thanh niên, Bác Hồ đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa việc truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin với đường lối cứu nước, vận dụng phù hợp lý luận với thực tiễn cách mạng Việt Nam, tạo nên một tờ báo có sức thuyết phục, làm thay đổi nhận thức cũng như vận động được quần chúng Nhân dân theo Đảng và cách mạng.

Những nội dung của Báo Thanh niên mặc dù đã xuất bản gần một thế kỷ qua, nhưng vẫn còn nguyên giá trị về việc phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, đề ra những chiến lược, sách lược của cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Báo Thanh niên thời kỳ đó đã giúp thanh niên và người dân Việt Nam yêu nước nhiệt tình tham gia cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tiền đồ xán lạn của dân tộc ta. Thông qua đọc các nội dung của Báo Thanh niên, lớp lớp những người làm báo hôm nay học được từ Bác nhiều điều còn nguyên giá trị như về lý tưởng cách mạng, cách thức tổ chức tòa báo, dùng báo chí để xây dựng niềm tin và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân…

Thăm nơi xuất bản Báo Thanh niên - Tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam
Tháng 5/2024, các học viên Lớp Bồi dưỡng quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2025 - 2030 thăm di tích nơi tờ Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và xuất bản tại TP Quảng Châu, Trung Quốc.

Kết thúc chuyến thăm Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chúng tôi, những người làm báo hôm nay được mục sở thị những vật dụng rất đỗi giản dị, nhớ lại những hình bóng của các thanh niên cách mạng giàu lòng yêu nước - những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam như còn thấp thoáng đâu đây.

Hình ảnh Bác Hồ - Người thầy của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam với dáng người xương xương, bước đi nhanh nhẹn, đôi mắt to và sáng lạ thường như vẫn đang hiện hữu trước phòng in Báo Thanh niên. Những hình ảnh, hiện vật trong ngôi nhà thật bình dị như bao ngôi nhà khác ở TP này, nhưng bản thân nó đang gánh vác một sứ mệnh cao cả là ngôi trường đào tạo những thế hệ người làm cách mạng ưu tú của Việt Nam - cái nôi đào tạo ra những nhà báo cách mạng kiệt xuất đầu tiên của đất nước Việt Nam.

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), đội ngũ những người làm báo Việt Nam đã và đang được thừa hưởng tài sản vô giá của Người về phong cách, tư tưởng, đạo đức... làm báo cách mạng.

Thăm nơi xuất bản Báo Thanh niên - Tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam

Đến nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị luôn vẹn nguyên giá trị, đang được từng cơ quan báo chí, từng nhà báo nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và linh hoạt trong thực tiễn.

Lấy tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn báo chí cách mạng hiện nay, có thể thấy, những di sản báo chí của Người tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho báo chí cách mạng và những người làm báo tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại trong kỷ nguyên số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ngày 5/2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư T.Ư Đảng ra Quyết định số 52 lấy ngày xuất bản số đầu tiên của Báo Thanh niên làm Ngày Báo chí Việt Nam. Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và 60 năm Báo Thanh niên xuất bản số đầu tiên. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Năm 1971, căn nhà số 13 phố Văn Minh được nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định giữ gìn làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy tên là “Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”. Di tích thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông, được xếp hạng là Di lịch lịch sử văn hóa quốc gia Trung Quốc.
Báo Kinh tế & Đô thị gặp mặt cộng tác viên, cán bộ hưu trí
Thành Lợi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động