Thứ sáu 24/01/2025 10:26

Thiếu người làm, hiếm người mua... khi kinh doanh sau dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội đã cho mở lại nhiều dịch vụ, tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được quay trở lại cuộc sống thường nhật với trạng thái bình thường mới, nhiều tiểu thương vẫn còn ngổn ngang những trăn trở và vất vả vì thiếu người làm.
Thiếu người làm, hiếm người mua... khi kinh doanh sau dịch
Anh Huy vừa làm ông chủ, vừa làm phục vụ vì thiếu nhân sự.

9g tối, bởi trời mưa nên cửa hàng nhà anh Hoàng Nhật Huy (Trần Nhật Duật) đã vãn bớt khách. Hí hoáy tranh thủ lau và quét dọn qua cửa hàng, anh Huy cho biết, việc vắng khách cũng là tất yếu.

Bởi theo anh, sau hơn 2 tháng không còn ăn ngoài hàng quán, nhiều người cũng bỏ thói quen đó. Hơn nữa, nhiều khách hàng cũng muốn để vài hôm nữa, khi mà các cửa hàng đã ổn định về nguồn thực phẩm cũng như quay trở lại nhịp phục vụ cũ sẽ quay trở lại.

Anh Huy cho biết, quán mỳ anh đang kinh doanh là được tiếp nối từ bố anh. Thời điểm còn ở phố Hàng Chiếu, quán mỳ với bàn ghế đơn giản ngoài hè phố là nguồn kinh tế duy nhất nuôi sống tất cả các thành viên trong gia đình.

Đa phần các công đoạn chế biến, nấu nướng đều do người trong gia đình đảm nhiệm, nhưng bố anh vẫn phải thuê thêm 2, 3 nhân sự để hỗ trợ những việc lặt vặt và chạy bàn, đón khách.

“Thời điểm Hà Nội giãn cách, thời gian đóng quán không biết đến bao lâu nên các lao động làm thuê cho nhà tôi đều quay trở về quê. Tháng 9, khi Hà Nội cho mở quán hàng ăn nhưng chỉ bán mang về, với sự phụ giúp của vợ, con tôi cũng có thể xoay xở được vì việc chế biến và ship cho khách không mấy bị áp lực.” – anh Huy cho biết. Nhưng khi được phục vụ tại chỗ thì khác…

Quán bán từ sáng, có nghĩa sáng sớm tinh mơ anh Huy và các thành viên trong gia đình phải dậy để chuẩn bị nguyên liệu nấu nướng. Khách đến, cũng là mấy thành viên trong gia đình tự lên đơn, bưng bê phục vụ sau đó dọn dẹp…

“Nhà có hai vợ chồng, may có bố mẹ tôi phụ giúp nên cũng đỡ được phần nào. Tôi thì vừa làm ông chủ, vừa làm nhân viên, vừa bưng bê, vừa quét dọn, thậm chí sau đó lại quay vào rửa ráy… Cứ loay hoay từ tinh mơ đến đêm muộn mới xong việc.” – anh Huy nói. Anh cho biết thêm, hai người làm thuê cho nhà anh bấy lâu vẫn mắc kẹt tại quê chưa lên được. “Một người ở Nam Định thì chưa có xe khách lên, với lại cũng chưa được tiêm vắc xin. Còn một người nữa ở Hòa Bình thì mới tiêm mũi 1 ngày hôm qua.” – anh cho biết lý do.

Nếu chưa có nhân sự, nhưng vẫn được phục vụ như nhà anh Huy thì vẫn là một hạnh phúc. Anh B.M.T (Long Biên) lại đang ở trong tình cảnh dở khóc dở cười cũng vì… dịch. Chuyện là anh cùng bạn bè có mở chung một quán cà phê trên phố Tông Đản.

Quán cà phê đã kinh doanh được hàng chục năm, cũng có chút ít thương hiệu trong dân yêu thích cà phê phố cổ. Thời điểm làm ăn bình thường, với tiền thuê mặt bằng lên đến hàng trăm triệu/tháng với các anh không phải quá khó để trả.

“Gần hai năm trời dịch Covid-19 hoành hành, quán đóng đóng mở mở không biết bao nhiêu lần. Lúc làm ăn đều chúng tôi không thiếu nợ chủ nhà một đồng, nhưng khi đóng cửa quá lâu, thu nhập không có chúng tôi có thương lượng chủ nhà giảm giá tiền thuê thời gian Hà Nội giãn cách. Ban đầu chủ nhà có vẻ êm xuôi, nhưng sau đó không hiểu lý do gì chủ nhà quay ngoắt lại, không đồng ý với thỏa thuận đó rồi ra nhiều yêu sách.” – anh T. kể.

Theo anh, việc đóng cửa không kinh doanh bản thân doanh nghiệp thiệt hại rất nhiều, nếu chỉ 1, 2 tháng thì với số tiền trăm triệu hàng tháng các anh có thể cố được, chứ nếu quá lâu thì quả thực là làm khó các anh.

“Ngoài tiền thuê mặt bằng, chúng tôi còn tiền trả ngân hàng, tiền trả cho nhân sự để duy trì nguồn lao động… Cả một thời gian dài gần như không có nguồn thu, số tiền hàng tháng phải trả quả thực đã quá sức.” – anh nói.

Việc chủ nhà làm khó dễ cũng có thể thông cảm, bởi ai cũng cần tiền, có điều theo anh, việc chia sẻ cho nhau cũng là điều nên làm vì bao nhiêu năm nay, chưa một lần các anh thiếu một đồng cho chủ nhà.

“Vẫn còn chưa thống nhất được, thế nên mặc dù Hà Nội đã cho hoạt động lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ, quán của chúng tôi vẫn đóng cửa. Vậy nên, thời điểm này, có thể được lo nỗi lo thiếu nhân sự cũng là một điều hạnh phúc…”

Mong mỏi ngày được tiếp tục quay trở lại buôn bán, chị N.G (Gia Lâm) có cửa hàng bán quần áo ở một chợ đầu mối lớn cho biết, đi chợ để đỡ sốt ruột, chứ thời điểm này, có đi chợ cũng chưa thể quay lại nhịp kinh doanh như lúc trước.

“Hàng ngày hai vợ chồng tôi vẫn ra cửa hàng bán, nhưng chủ yếu là nhìn nhau. Các cửa hàng bên cạnh chúng tôi cũng thế. Do Hà Nội với các tỉnh vẫn ở còn hạn chế việc đi lại, vẫn còn nhiều những yêu cầu người từ địa phương khác ra – vào Hà Nội nên lượng khách ngoại tỉnh về rất ít. Đã vậy, chúng tôi còn có một vài mối lớn trong Sài Gòn, dù Sài Gòn cũng đã mở cửa, cũng đã thông thoáng hơn nhưng việc giao thương vẫn cực kỳ hạn chế.” – chị G. cho biết.

Mặc dù có những khó khăn, có những trăn trở… nhưng các tiểu thương vẫn tin rằng, sự khó khăn này chỉ là nhất thời. “Cố gắng thêm một thời gian nữa, tôi tin rằng rồi nhịp sống lại đi vào guồng và chúng tôi sẽ lại hồi phục thôi. Và chủ yếu, là luôn mong muốn Hà Nội sẽ đạt được nhiều thành quả, chung sống “tốt” với dịch.” – anh Huy lạc quan.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động