Thứ năm 23/01/2025 11:17

Thông tin mới nhất về các Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện nay, có 3 kỳ thi riêng tại Việt Nam có kết quả được áp dụng rộng rãi trong xét tuyển đại học là Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, năm nay cũng là năm đầu tiên Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, ĐH Sư Phạm TP Hồ Chí Minh và ngành Công an tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng.
Thông tin mới nhất về các Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022
Đến nay, đã có nhiều trường ĐH tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực cho thí sinh. (Ảnh: Khánh Huy)

Kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội

Kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức chính thức mở đăng ký vào ngày 25/5 và kéo dài đến 17h ngày 15/6/2022.

Kỳ thi được diễn ra trong một ngày (ngày 15/7), một tuần sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh từ nhiều vùng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức Kỳ thi tại 5 tỉnh/thành phố, gồm: Hà Nội (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và các trường lân cận), Hải Phòng (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam), Nghệ An (Trường Đại học Vinh), Tuyên Quang (Trường Đại học Tân Trào) và Đà Nẵng (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng).

Về cấu trúc, bài thi tổ hợp diễn ra trong 270 phút, gồm ba phần: Phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Thí sinh bắt buộc làm các phần thi Toán – Đọc hiểu. Ở phần thi tự chọn, thí sinh có thể chọn phần thi khoa học tự nhiên hoặc tiếng Anh, hoặc cả hai.

Phần thi bắt buộc được tổ chức vào buổi sáng, hai phần tự chọn tổ chức vào buổi chiều để đảm bảo các thí sinh có thể thi cả ba phần.

Bài thi đánh giá tư duy sẽ được thi trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi THPT. Riêng môn Toán và tiếng Anh có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và khả năng trình bày của các thí sinh.

Trước đó, Bách khoa Hà Nội đã tổ chức thành công hai buổi thi thử vào tháng 1/2022 và tháng 3/2022, với độ khó và phân loại học sinh tương đương đề thi thật để thí sinh có thể làm quen với dạng đề và có phương án ôn thi phù hợp.

Chỉ tiêu xét tuyển của Bách khoa Hà Nội dựa trên Kỳ thi đánh giá tư duy tăng mạnh, chiếm đến 50 – 60% trong tổng số 7990 chỉ tiêu. Ngoài ra, có khoảng 20 trường đại học trên cả nước sẽ sử dụng kết quả của Bài thi này để xét tuyển.

Kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) Đại học Quốc gia Hà Nội

Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đã tổ chức thi 5 đợt thi liên tiếp cho 26.745/28.025 thí sinh dự thi, đạt 95,4% tại 7 tỉnh thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng, Đã Nẵng.

Các điểm thi được tổ chức tại: Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN, Trường ĐH Công nghệ ĐHQGHN, Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Tài Nguyên Môi trường, Học viện Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam (Hải Phòng).

Theo Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, từ giờ đến cuối năm 2022, Trung tâm sẽ còn tiếp tục tổ chức thêm khoảng 4-6 đợt thi tại các tỉnh thành: Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hưng Yên… Hiện tại, cổng khảo thí http://khaothi.vnu.edu.vn/ vẫn đang mở tiếp nhận thí sinh đăng ký dự thi HSA cho các đợt thi diễn ra trong tháng 6/2022. Các đợt thi tiếp theo sẽ được xem xét tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 căn cứ vào nguyện vọng đăng ký dự thi của thí sinh và kế hoạch xét tuyển đại học của các cơ sở giáo dục đại học.

Thông tin mới nhất về các Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022
Lịch thi Kỳ thi đánh giá tư duy ĐH Quốc gia Hà Nội.

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến thu hút 70.000 đến 90.000 thí sinh, nhiều gấp 7-9 lần năm ngoái. Theo công bố của ĐH Quốc gia Hà Nội, Đề thi gồm 150 câu, thời gian làm bài 195 phút, chia làm ba phần: Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên - xã hội (50 câu hỏi, 60 phút).

Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Sau 2 đợt tổ chức, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2022 thu hút hơn 117.000 lượt thí sinh tham gia. Tuy nhiên, trừ số thí sinh dự thi đợt thứ 2 để cải thiện điểm, thực tế có gần 94.000 thí sinh dự thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Trong đợt này, có 38.776 thí sinh đã dự thi (đạt tỷ lệ 96,1 % tổng số thí sinh đăng ký dự thi). Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ gần 1.000 thí sinh không thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 được tham gia thi đợt 2.

Kết quả thi ĐGNL đợt 2 được dự kiến công bố vào ngày 31/5, các đơn vị thành viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ công bố kết quả xét tuyển bằng kỳ thi ĐGNL năm 2022 trong tháng 6 tới.

Trước đó, đã có gần 80.000 thí sinh đã dự thi ĐGNL đợt 1 với phổ điểm trung bình 646,1 điểm, trong đó có 117 thí sinh đạt trên 1.000 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất là 1.087 điểm và thấp nhất là 210 điểm (thang điểm 1.200).

Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đến thời điểm này, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được 86 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng để xét tuyển một phần chỉ tiêu năm nay. Trong đó, 62 trường sử dụng cùng hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, với gần 1.600 ngành học.

Kỳ thi đánh giá năng lực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Năm 2022 là lần đầu tiên Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng cơ hội trúng tuyển vào trường. Kỳ thi này cũng được cho là phân loại tốt hơn năng lực của thí sinh để tuyển chọn được các tân sinh viên phù hợp với từng ngành đào tạo.

Ngày 7/5/2022, đã có gần 2.400 thí sinh đã dự thi hai đến bốn bài thi đánh giá năng lực trong số tám bài gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề Ngữ văn có 30% câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận.

Tất cả thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội được đăng ký tối đa hai nguyện vọng vào trường. Các nguyện vọng này hoàn toàn độc lập với xét bằng phương thức khác như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng hay kết hợp.

Cùng với bài thi viết để đánh giá năng lực, thí sinh phải đáp ứng các điều kiện về hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc Trung học Phổ thông từ loại khá trở lên và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (học kỳ 1,2 lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 6,5 trở lên (không có học kỳ nào dưới 6,5).

Kết quả xét tuyển dựa trên thi đánh giá năng lực kết hợp với kết quả học Trung học Phổ thông sẽ được công bố vào ngày 31/5/2022.

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh

Dự kiến, thời gian tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đợi 1 từ ngày 1 - 3/6. Thí sinh đăng ký trực tuyến từ 25/4 đến 15/5 và nhận kết quả thi từ 15 đến 25/6.

Theo đó, trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh dành khoảng 20% chỉ tiêu tuyển sinh để xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Kết quả kỳ thi được sử dụng theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Thí sinh xét tuyển vào ngành học nào được đăng ký dự thi bài thi đánh giá năng lực tương ứng với ngành học đó.

Đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2022, thí sinh phải đảm bảo điều kiện năm học 2021-2022 đạt xếp loại học lực giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên. Thí sinh không đăng ký xét tuyển vẫn được đăng ký dự thi nếu có nhu cầu.

Theo phương án tuyển sinh, kết quả 6 bài thi đánh giá năng lực được sử dụng để xét tuyển vào 21 ngành đào tạo của trường. Tuy nhiên, ở mỗi bài thi, thí sinh chỉ có thể sử dụng để xét tuyển vào một số ngành nhất định.

Cụ thể, bài thi toán học được sử dụng để xét vào 3 ngành là sư phạm toán học, sư phạm tin học, công nghệ thông tin; Bài thi vật lý được xét vào 2 ngành: sư phạm vật lý, vật lý học; Bài thi sinh học chỉ được sử dụng xét tuyển vào ngành sư phạm sinh học; Bài thi hoá học được xét tuyển vào 2 ngành: sư phạm hoá học, hoá học; Bài thi ngữ văn được xét vào 3 ngành: sư phạm ngữ văn, văn học, Việt Nam học.

Thí sinh dự thi bài tiếng Anh có nhiều lựa chọn nhất, gồm các ngành: SP tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, SP tiếng Trung Quốc, ngôn ngữ Trung Quốc, SP tiếng Pháp, ngôn ngữ Pháp, SP tiếng Nga, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc.

Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh lưu ý thời gian đăng ký dự thi và tổ chức thi cho từng đợt thi là khác nhau. Trường sẽ tổ chức các điểm thi tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Tây Ninh.

Kỳ thi đánh giá năng lực ngành Công an

Năm 2022, Bộ Công an dự kiến sẽ tổ chức bài thi đánh giá năng lực ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng 10 ngày. Theo kết cấu, bài thi sẽ gồm 2 phần là trắc nghiệm (90 phút) và tự luận (90 phút).

Theo dạng thức đề thi được ban hành ngày 7/4, bài thi gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận. Thí sinh làm bài trong 180 phút, mỗi phần 90 phút. Thí sinh sẽ lựa chọn một trong 4 mã đề theo nguyện vọng đã đăng ký khi sơ tuyển, gồm CA1, CA2, CA3 và CA4.

CA1 và CA2 phần trắc nghiệm về lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngôn ngữ Anh. Phần tự luận của CA1 là Toán và của CA2 là Ngữ văn; CA3 và CA4 gồm trắc nghiệm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngôn ngữ Trung Quốc. Phần tự luận của CA3 là Toán và CA4 là Ngữ văn.

Cấu trúc đề thi: với phần thi trắc nghiệm, lĩnh vực khoa học tự nhiên gồm 25 câu (mỗi câu 1 điểm), kiến thức cốt lõi gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học. Trong đó 80% kiến thức lớp 12; 20% kiến thức lớp 10, 11 được đánh giá theo bốn cấp độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao). Lĩnh vực khoa học xã hội tương tự, chỉ thay kiến thức cốt lõi bằng các môn Lịch sử, Địa lý, Văn hóa kinh tế xã hội. Phần trắc nghiệm ngôn ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc) gồm 20 câu (mỗi câu 0,5 điểm) và cũng được đánh giá theo bốn cấp độ tương tự hai lĩnh vực trên.

Với phần tự luận, thí sinh được lựa chọn hai lĩnh vực Toán học hoặc Ngữ văn theo nguyện vọng lúc đăng ký sơ tuyển. Môn Toán có 3 đến 5 câu với 40 điểm, trong đó 80% kiến thức lớp 12, 20% ở lớp 10 và 11. Ngữ văn gồm hai câu với 40 điểm thuộc kiến thức lớp 12, trong đó câu 1 đọc hiểu với 10 điểm và câu 2 là làm văn với 30 điểm.

Kết quả bài thi đánh giá của Bộ Công an sẽ chiếm 60% tổng điểm xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT chiếm 40% tổng điểm xét tuyển.

Lý do trường đại học sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển
Tuyển sinh đại học 2022: Những kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh cần biết
Kỳ 1: Thi đánh giá năng lực là gì, có nên dự thi hay không?
Kỳ 2: Có nên tham dự các lò luyện thi cấp tốc đánh giá năng lực
Kỳ cuối: Lịch trình thi đánh giá năng lực và kinh nghiệm nộp hồ sơ xét tuyển Đại học thí sinh cần lưu ý
Những điều cần biết về kỳ thi đánh giá năng lực của 3 trường Công an
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động