Thứ tư 23/07/2025 22:52

Vụ việc lật tàu Vịnh Xanh 58: góc nhìn pháp lý và trách nhiệm xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
​​Ngày 19/7/2025, dông lốc ập đến, chỉ trong tích tắc con tàu Vịnh Xanh 58 QN-7105 chở 49 người bao gồm cả thuyền viên và du khách tham quan vịnh đã bị lật úp giữa vịnh Hạ Long. Tính đến ngày 21/7, lực lượng chức năng đã cứu được 10 người còn sống, tìm thấy thi thể 35 người thiệt mạng, còn 4 nạn nhân mất tích trên biển. Một câu hỏi đặt ra là trách nhiệm pháp lý các bên liên quan đến đâu?
Vụ việc lật tàu Vịnh Xanh 58: góc nhìn pháp lý và trách nhiệm xã hội
Tiến sĩ Luật học Lê Tường Vy - Giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học luật TPHCM, Chuyên gia pháp lý Vietnam Legal.

Cơ sở pháp lý để khởi tố vụ án

Theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định “chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ cho rằng tội phạm đã được thực hiện” và theo đó, trong vụ việc này, hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe con người là dấu hiệu rõ ràng cho thấy có thể đã có dấu hiệu hành vi vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 213 BLHS năm 2015 hoặc hành vi thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ theo Điều 360, Điều 213 BLHS năm 2015... Bên cạnh đó, vụ việc đã được phản ánh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kèm theo các kết quả xác minh ban đầu về tình trạng tàu, thời tiết và quy trình cấp phép vận hành - đều là những căn cứ được liệt kê tại khoản 2 Điều 143 BLTTHS năm 2015 để tiến hành khởi tố.

Như vậy, để cơ quan tố tụng tiến hành các biện pháp điều tra hợp pháp, làm rõ hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, việc khởi tố vụ án hình sự trong vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong chuỗi vận hành và giám sát hoạt động vận tải thủy. Đồng thời việc khởi tố vụ án còn thể hiện thái độ nghiêm minh của Nhà nước trong việc xử lý hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người, thể hiện nguyên tắc "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật", đồng thời góp phần củng cố niềm tin của xã hội vào tính nghiêm minh của pháp luật.

Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp luật hình sự

Để có căn cứ khởi tố bị can trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác minh, làm rõ toàn diện các tình tiết liên quan nhằm xác định có hay không hành vi có dấu hiệu tội phạm theo quy định của BLHS. Việc làm rõ này bao gồm việc thu thập chứng cứ về nguyên nhân tai nạn, hành vi của các chủ thể liên quan, mức độ vi phạm quy định pháp luật, cũng như hậu quả xảy ra để đảm bảo căn cứ khởi tố bị can đúng pháp luật, đúng người, đúng tội và đúng trình tự tố tụng, cụ thể:

Một là, xác định trạng thái kỹ thuật và khả năng an toàn của tàu tại thời điểm xuất bến, tuân thủ các điều kiện được quy định tại Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi, bổ sung 2014) hay không? Đây là căn cứ pháp lý cơ bản nhất để kiểm tra liệu tàu Vịnh Xanh có được đăng kiểm đúng quy định, và có đáp ứng tiêu chuẩn an toàn trước khi xuất bến hay không.

Liên quan đến các điều kiện quy định tại Điều 24 Luật GTĐTNĐ, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào Thông tư số 31/2014/TT-BGTVT ngày 5/8/2014 của Bộ Giao thông Vận tải về Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa, Thông tư 48/2019/TT-BGTVT về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa để xác định có hay không có các hành vi vi phạm. Ví dụ, đối với loại tàu đáy phẳng (flat-bottom boat) có ưu điểm là dễ đóng, chạy ổn định trong vùng nước lặng (hồ, kênh, sông nhỏ). Tuy nhiên, loại tàu này rất dễ bị lật trong điều kiện sóng lớn hoặc gió mạnh, vì không có kết cấu đáy chữ V để phá sóng, dễ bị trồi nổi, nghiêng khi mất cân bằng trọng tải hoặc gặp gió giật.

Vịnh Hạ Long là vùng có thể xuất hiện giông lốc bất ngờ vào mùa hè, đặc biệt trong khoảng tháng 6–8, việc cho phép tàu đáy phẳng hoạt động thường xuyên trên vùng nước như Vịnh Hạ Long có trái với nguyên tắc phân vùng hoạt động trong Thông tư 31/2014/TT-BGTVT hay không?.

Hoặc để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 360 BLHS năm 2015 thì cơ quan điều tra cần xác định việc tuân thủ các hình thức kiểm tra định kỳ, bất thường như hệ thống máy móc, động cơ, cứu sinh (phao, áo phao…) đối với con tàu, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, Thiết bị điều hướng, định vị của tàu trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Thông tư 48/2019/TT của Bộ GTVT.

Hai là, cần xem xét trách nhiệm giám sát hoạt động của tàu, bao gồm cả trách nhiệm của cảng vụ, ban quản lý vịnh, đơn vị du lịch và cơ quan đăng kiểm. Theo đó, trong vụ việc này vai trò, trách nhiệm của đơn vị thực hiện chức năng giám sát hoạt động ra vào bến của tàu du lịch tại khu vực Hạ Long - nơi tàu Vịnh Xanh xuất phát; Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát hoạt động của các bến cảng, phương tiện thủy nội địa, và quản lý Cảng vụ Quảng Ninh; Cơ quan chuyên trách quản lý khu vực Vịnh Hạ Long, bao gồm cả giám sát hoạt động tàu du lịch, bán vé, kiểm tra số lượng khách, nhắc nhở về thời tiết - là nơi trực tiếp cấp phép cho tàu Vịnh Xanh 58 thực hiện hành trình vào thời điểm xảy ra dông lốc; Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Ninh…

Để xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong vụ việc trên, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào Luật giao thông đường thuỷ nội địa, Nghị định 08/2021/NĐ-CP, Thông tư 39/2019/TT-BGTVT.

Ba là, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm và hành vi của thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu Vịnh Xanh 58 tại thời điểm xảy ra tai nạn. Theo quy định tại Điều 30 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2014, điều 21 Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT, nếu thuyền trưởng vận hành tàu khi không đủ điều kiện kỹ thuật, cố tình ra khơi khi thời tiết xấu, hoặc không tổ chức cứu hộ theo quy định, thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự liên quan đến tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 213 BLHS) hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 BLHS), tùy theo mức độ và hành vi cụ thể.

Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 không chỉ là một thảm họa đường thủy gây tổn thất lớn về người, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về công tác quản lý, kiểm tra kỹ thuật và giám sát an toàn giao thông đường thủy nội địa: từ công tác đăng kiểm phương tiện, cấp phép hoạt động, kiểm tra điều kiện thời tiết đến trách nhiệm của cảng vụ và ban quản lý vịnh – tất cả đều cần được rà soát một cách toàn diện.

Việc xác minh nguyên nhân và xem xét dấu hiệu tội phạm không chỉ là yêu cầu bắt buộc theo quy định tại Điều 143 BLTTHS, mà còn là cơ sở để khởi tố vụ án, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan theo đúng quy định pháp luật. Đây không chỉ là một vụ việc riêng lẻ, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát an toàn trong vận tải thủy du lịch – lĩnh vực đang ngày càng phát triển nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thiếu kiểm soát chặt chẽ và trách nhiệm rõ ràng.

Việc xem xét xử lý nghiêm minh vụ việc không chỉ là cơ sở quan trọng để cơ quan điều tra có căn cứ xác định có hay không có hành vi phạm tội trên thực tế, làm rõ trách nhiệm – tránh bỏ lọt người phạm tội nếu có, góp phần răn đe, phòng ngừa những thảm họa tương tự trong tương lai, đồng thời, việc khởi tố vụ án còn góp phần củng cố niềm tin của xã hội và thân nhân các nạn nhân vào sự nghiêm minh của pháp luật, rằng những tổn thất về người sẽ được điều tra một cách toàn diện, khách quan và đến cùng nhằm bảo đảm công lý được thực thi.

Quảng Ninh huy động toàn lực cứu chữa nạn nhân vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long Quảng Ninh huy động toàn lực cứu chữa nạn nhân vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long
Xử lý người phụ nữ đăng thông tin sai sự thật liên quan vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long Xử lý người phụ nữ đăng thông tin sai sự thật liên quan vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long
Tiến sĩ Lê Tường Vy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động