Thứ năm 23/01/2025 14:13
Phiên chất vấn Kỳ hợp thứ 18, HĐND TP Hà Nội khóa XV:

Thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử tại TP Hà Nội đã có chuyển biến từ trong nhận thức

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 8-12, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội khóa XV, các đại biểu chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn TP: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP; Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP.

Chất vấn tại hội trường về nhóm vấn đề này, các đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân khiến chỉ số PAPI, SIPAS còn thấp, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, các biện pháp khắc phục; vai trò của các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền các 2 quy tắc ứng xử, trách nhiệm của các cơ quan báo chí cuả Hà Nội, giải pháp trong thời gian tới?; Tình trạng chửi bậy trong học sinh, trách nhiệm của Sở GD&ĐT và Sở VH&TT trong việc tạo không gian để vận động vật lý, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần cho cả học sinh lẫn người dân nói chung?.

Trả lời chất vấn của ĐB, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, sau khi TP ban hành 2 Bộ Quy tắc ứng xử năm 2017, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, cơ quan thường trực về đoàn kiểm tra công vụ của TP, Sở đã tham mưu UBND TP cụ thể hóa các nội dung kiểm tra công vụ, trong đó có tập trung một số nội dung liên quan đến thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử. Trong đó, thực hiện quy định tiếp nhận, giải quyết TTHC, dịch vụ công với công dân, tổ chức theo cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông, việc thực hiện các quy định liên quan đến công tác tiếp dân, xử lý và giải quyết đơn thư; việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn trong thực thi công vụ quyền hạn của công chức, viên chức và người lao động; việc thực hiện kỷ luật kỷ cương, chấp hành giờ làm việc của người lao động…

Kết quả, trong 3 năm từ năm 2018 đến nay, Sở đã kiểm tra công vụ đột xuất với 124 cơ quan, đơn vị thuộc TP, trong đó có 9 sở, 10 đơn vị thuộc sở, 7 UBND cấp huyện, 91 UBND cấp xã… Đồng thời, Sở cũng dành nhiều thời gian kiểm tra các đơn vị cấp xã là nơi trực tiếp giải quyết các TTHC của người dân.

Qua kết quả kiểm tra sau 1 năm thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử có thể thấy đã có sự chuyển biến rõ nét. Cơ bản qua kiểm tra, các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các nội dung về quy tắc ứng xử. Công tác tiếp dân được cơ bản quan tâm, việc giải quyết hồ sơ hành chính đã có tỷ lệ đúng hẹn được nâng lên, đối với các hồ sơ chậm muộn đã thực hiện nghiêm việc ban hành thư xin lỗi với tổ chức, công dân; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn qua các năm được nâng lên, năm 2017 đạt tỷ lệ 95%, năm 2018 là 97,3%, và năm 2019 là 98,8%, 10 tháng năm 2020 là 99,8%.

Về kết quả giải quyết hồ sơ hành chính, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đã được nâng lên rõ rệt. Rõ nhất là chỉ số CCHC của TP, năm 2015 TP đứng thứ 9 về chỉ số CCHC; năm 2016 đứng thứ 3 và từ 2017 đến nay, thứ hạng CCHC của TP đều duy trì ở vị trí đứng thứ 2/63 tỉnh TP.

Giám đốc Sở Nội vụ nêu: Khi ban hành Bộ Quy tắc ứng xử thì việc triển khai và thực hiện của cán bộ công chức và sở ngành đã có chuyển biến rõ rệt và được thể hiện rõ bằng chỉ số CCHC của TP là đều duy trì thứ hạng thứ 2/63 tỉnh, TP.

thuc hien 2 bo quy tac ung xu tai tp ha noi da co chuyen bien tu trong nhan thuc
Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc điều hành phiên chất vấn chiều 8-12

Về vai trò của các cơ quan báo chí trong việc triển khai thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị khẳng định, ban lãnh đạo Báo luôn xác định tập thể CBCCVC, người lao động phải luôn thực hiện tốt quy tắc ứng xử ngay tại cơ quan. Chính và vậy ngay khi TP ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ, Báo đã thực hiện cho treo bộ quy tắc này ngay tại sảnh cơ quan và mọi phòng, ban; tổ chức quán triệt cho mọi cán bộ, phóng viên, người lao động.

Bên cạnh đó, Báo Kinh tế và Đô thị đã xây dựng kế hoạch cùng các cơ quan báo chí khác triển khai công tác tuyên truyền thực hiện 2 Bộ Quy tắc này. Phóng viên có những thời điểm đi “săn” những hiện tượng người dân vào chùa chiền ăn mặc hở hang, từ đó thực hiện phóng sự ảnh; hoặc thường xuyên có phóng sự ảnh phản ánh tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, môi trường, rác thải, lấn chiếm vỉa hè… Qua thực hiện xây và chống, thực sự đã có nhiều chuyển biến trong thực hiện 2 quy tắc ứng xử này, kể cả ở nơi công sở và đường phố.

Ông Nguyễn Minh Đức đề nghị các sở, ngành tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong tác nghiệp, giám sát việc thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử này; bổ sung quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào bộ quy tắc này.

thuc hien 2 bo quy tac ung xu tai tp ha noi da co chuyen bien tu trong nhan thuc
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi của ĐB về giải pháp hạn chế tình trạng chửi bậy trong học sinh, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH&TT cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh là lấy xây để chống, tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, cải tạo các nhà văn hóa thôn, các nhà hát, tu bổ các công viên. Nếu người dân, học sinh khỏe mạnh cả về tinh thần và vật chất thì sẽ hạn chế được các hành vi xấu.

Trả lời làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý cho biết, nguyên nhân ở một số nơi, số chỗ việc thực hiện các Quy tắc ứng xử chưa hiệu quả là do công tác tuyên truyền chưa đa dạng, liên tục để người dân nắm được và thực hiện. Trách nhiệm thuộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan truyền thông, và cơ sở để làm sao tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Vì vậy trong thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, liên tục. Chính quyền cơ sở phải vận động để người dân thực hiện các nội dung Quy tắc ứng xử.

Kết luận nội dung chất vấn này, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, có nhiều nội dung tại kỳ giải trình lần trước thấy còn yếu, đề nghị chú ý thì tại kỳ chất vấn này cho thấy đã có chuyển biến. Công tác tuyên truyền 2 Bộ Quy tắc đến với người dân, nơi công cộng sau 2 năm thực hiện có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan báo chí; Sở VH&TT tổ chức các cuộc thi; Thành ủy trao giải thưởng; Đoàn Thành niên, Hội Phụ nữ TP… có kế hoạch tuyên truyền đến hội viên. “Thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử tại TP Hà Nội thực sự đã có chuyển biến từ trong nhận thức. Cơ quan Sở VH&TT là cơ quan thường trực rất tích cực, đưa việc tuyên truyền đến tận khu dân cư, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm; CBCCVC, NLĐ chuyển biến tích cực về phong cách lề lối nơi công sở, nơi công cộng… Tôi đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, sở ngành, các cơ quan báo chí” ”- Chủ tịch HĐND TP nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý còn một số tồn tại trong công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là ở nơi công cộng về thực hiện 2 Quy tắc ứng xử này. Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị: Thời gian tới, cần đánh giá lại 4 năm thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử này, xem hiệu lực hiệu quả và các giải pháp đã làm, cần bổ sung hay điều chỉnh thế nào cho phù hợp điều kiện mới thì nên đưa vào Chương trình số 06 của Thành ủy tiếp theo về nội dung này.

Đồng thời, UBND TP cũng cần nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm, trong đó trước đây đã giao Sở Nội vụ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể hóa những hành vi vi phạm của CBCCVC, NLĐ, tới đây cần hoàn thiện để triển khai trước trong CBCCVC, sau đó đến người dân, nhất là với những vi phạm nơi công cộng… 4 năm thực hiện rồi, đến nay cần xử phạt nghiêm với một số vi phạm.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động