Thứ hai 03/02/2025 01:59
Góp ý kiến vào các Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII:

Tiết kiệm phải trong toàn xã hội, chứ không chỉ trong Đảng!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến tâm huyết vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tại phiên thảo luận về nội dung này.

Tiết kiệm phải trở thành hành động

Thảo luận tại tổ 1 (đoàn Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, về chủ đề Đại hội, ở mệnh đề thứ 2 có nêu đến khát vọng, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết với một đoạn rất dài. Theo đại biểu, nên dùng từ khái quát nhất là "tinh thần Việt Nam", vì trong đấy có cả yêu nước, đoàn kết, khát vọng, ý chí và cả thông minh, cần cù.

Về phát triển toàn diện con người, theo đại biểu, nên đánh giá xem tầm vóc con người Việt Nam như thế nào, trí tuệ, phẩm chất như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu phát triển không? “Vấn đề này theo tôi lại phải đầu tư đánh giá sâu, thậm chí là 5-7 dòng, 10 dòng để chúng ta thấy được con người Việt Nam đang ở đâu so với bản đồ thế giới, đang ở đâu trong yêu cầu phát triển để chúng ta thực hiện được mục tiêu.

Khi viết về đoạn này chúng ta có nói đến việc là chúng ta đã phê phán các cái xấu, tức là đấu tranh với cái xấu, cái ác, lạc hậu thì đã được chú trọng nhưng ta không nói đến việc xây dựng, bồi đắp, nhân rộng. Tôi đề nghị chúng ta nên nghiên cứu để bổ sung thêm về xây dựng, bồi đắp, nhân rộng cái tốt, cái đẹp trong xã hội”, đại biểu nói.

Góp ý về nội dung cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”, đại biểu cho rằng phải đánh giá xem thời gian qua Mặt trận và các đoàn thể đã làm nòng cốt để nhân dân làm chủ như thế nào, để lần này phải bổ sung mệnh đề này? Vì đưa ra một vấn đề mới, vấn đề rất là căn cốt mà lại không có đánh giá trước đây như thế nào thì về logic, thuyết phục không cao.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị viết lại nội dung đề cập đến giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn, cụ thể là: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng công nhân, bố trí cán bộ xuất thân từ công nhân.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, hiện nay vấn đề tiết kiệm thì mới được thể hiện ở trong mục 4 của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong khi đó, tiết kiệm phải trong toàn xã hội, chứ không chỉ trong Đảng, nên phải được đề cập ở cả khía cạnh phải phát triển xã hội và xây dựng văn hóa con người, trở thành một nét văn hóa trong Đảng, trong Nhà nước, trong các đoàn thể chính trị và trong toàn xã hội.

“Tôi cho rằng, một đất nước còn nghèo thì vấn đề tiết kiệm phải trở thành khẩu hiệu, trở thành mệnh lệnh hành động và trở thành hành động của tất cả các tổ chức, các cá nhân để đất nước ta có thể khá hơn, giàu hơn”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

tiet kiem phai trong toan xa hoi chu khong chi trong dang
Đại biểu, GS.TS Nguyễn Thị Lan phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Đề nghị chọn chọn văn hóa là một trong những khâu đột phá

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) dẫn chứng một số nghị quyết của Đảng, như Nghị quyết 33 về văn hóa, Nghị quyết 29 là đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… đều rất hay, nhưng từ cái hay của nghị quyết khi triển khai vào trong thực tiễn, biến nghị quyết đó trở thành thực tiễn rất là chậm. Vì vậy, đại biểu mong muốn mạnh dạn chỉ ra nguyên nhân tại sao mà những mục tiêu đã đưa trong nghị quyết từ bao nhiêu lâu nay không được thực hiện?

Nhấn mạnh vai trò, vị trí to lớn đặc biệt quan trọng của văn hóa cũng như giáo dục không chỉ đối với phát triển đất nước, mà còn đối với cả phát triển kinh tế, đại biểu cho rằng việc đầu tư cho con người, cho văn hóa của cũng chưa đến nơi đến chốn, chưa thực sự là coi trọng.

“Hiện nay người Việt Nam vẫn là thấp bé, nhẹ cân gần nhất thế giới. Năng suất lao động của Việt Nam cũng thuộc loại thấp ở Đông Nam Á. Tại sao? Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận để có đầu tư, chọn những đột phá cho thích hợp. Nhiều lần chúng ta nói văn hóa đi sau cũng được, giáo dục đầu tư sau một chút. Tôi nghĩ việc này cấp thiết rồi, nên chăng suy nghĩ, cân nhắc thêm về việc này.

Tôi nghĩ nên chọn văn hóa, khoa học, công nghệ và giáo dục là những khâu đột phá. Chúng ta nên tập trung và tách riêng ra để tập trung phát triển mạnh mẽ hơn”, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh.

Đặc biệt coi trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học

Đại biểu, GS.TS Nguyễn Thị Lan, GĐ Học viện Nông nghiệp đánh giá rất cao công tác chuẩn bị các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Các văn kiện này được xây dựng một cách rất công phu, tâm huyết và trí tuệ, chất lượng, bài bản. Tôi thấy rằng, bố cục nội dung khoa học trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nguyên tắc là kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển. Nhưng mà cũng rất là thẳng thắn trong vấn đề nhìn nhận rồi đánh giá những tồn tại và hạn chế”, đại biểu nói.

Đồng thời, đại biểu cũng thống nhất cao với chủ đề của Đại hội lần thứ XIII đã nêu trong dự thảo văn kiện Đại hội đó là "Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển".

Góp ý với dự thảo Báo cáo chính trị, đại biểu đề nghị nhấn mạnh thêm và làm nổi bật hơn những điểm đáng tự hào của Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua như là những đóng góp với quốc tế trong giải quyết các vấn đề về nhân quyền rồi cử lực lượng tham gia để gìn giữ hòa bình quốc tế; Việt Nam cũng được bầu vào Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; xử lý phù hợp các tình huống trên Biển Đông…

Về định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn 2021-2030, đại biểu cho rằng, Báo cáo chính trị đã nêu khá đầy đủ các quan điểm, định hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Trung ương cần đặc biệt coi trọng hơn nữa về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học.

Bên cạnh đó, chỉ đạo và định hướng cho công tác dạy nghề làm sao sát với nhu cầu thực tế xã hội, phù hợp với định hướng phát triển của từng vùng, từng địa phương. Cần phải có quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia để phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, cần phải có dự báo nhu cầu đào tạo tốt, tránh tình trạng hiện nay dư thừa nguồn nhân lực trình độ cao. Đại biểu cũng đề nghị đặc biệt chú trọng và làm rõ vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp và nên bổ sung một chương trình, kế hoạch cụ thể để phát triển ngành kinh tế tuần hoàn.

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động