Thứ sáu 24/01/2025 00:38

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Gắn kết yêu thương, hướng về nguồn cội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
11 năm sau khi được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2012 – 2023), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng có sức lan tỏa.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Gắn kết yêu thương, hướng về nguồn cội
Người dân hành hương về đất Tổ. Ảnh: Hoàng Quân

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức cũng là một cách thức nhằm tái tạo tinh thần từ truyền thống, chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ.

Trao truyền qua nhiều thế hệ

Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta.

Theo các chuyên gia, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hình thức thờ Tổ độc đáo mà hiếm quốc gia nào trên thế giới có được. GS.TS.NGND Trần Văn Bính - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: "Huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ đã giáo dục chúng ta lòng biết ơn, đặc biệt là ý thức về cội nguồn giống nòi, mối quan hệ máu thịt của người Việt Nam. Hai chữ "đồng bào" đã nói lên điều đó.

Tất cả chúng ta, dù người miền Bắc, miền Nam, miền Trung, dù người miền núi, miền xuôi, miền biển đều chung một bọc trứng của Âu Cơ. Đó là một mối quan hệ đặc biệt, chỉ dân tộc Việt Nam mới có. Vì vậy, giá trị sâu xa của tín ngưỡng Hùng Vương là sự gắn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn”.

Chính nhờ giá trị nhân văn ấy, ngày nay, ngoài địa điểm chính là Khu di tích lịch sử đền Hùng, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương còn được tổ chức ở nhiều địa phương khác trên khắp cả nước. Trong đó nhiều tỉnh, TP đã đầu tư xây dựng các công trình lớn phục vụ đồng bào thăm viếng, tri ân công đức các Vua Hùng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Kiên Giang…

Hiện nay, trên cả nước có hơn 1.400 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có khoảng 350 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Đơn cử, tại đình làng Lương Khế (phường Thống Nhất, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được bà con duy trì tổ chức gần 100 năm nay. Đây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng truyền thống của người dân làng Lương Khế.

Trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Nhân dân dâng hương và hơn 40 sản vật ẩm thực như rượu Ngọc Linh, cà phê Da Vàng, heo quay, bánh chưng, bánh dày, cơm lam, xôi gấc, nem chả... kính cáo với các Vua Hùng những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội đã đạt được.

Đặc biệt, tại các quốc gia khác trên thế giới, cộng đồng người Việt ở các nước ngoài cũng thành kính tổ chức tri ân vào ngày Quốc giỗ 10/3 âm lịch hằng năm. Các kiều bào trong ngày Quốc Tổ.

Việt Nam toàn cầu đã tổ chức các hoạt động nghi lễ truyền thống, dâng sản vật, hoa quả, thắp hương tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng xây đất nước. Đây cũng là dịp để những người con xa xứ hướng về nguồn cội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Người Việt Nam tại Hungary Phùng Kim San chia sẻ: "Bản thân tôi và những kiều bào Việt Nam nơi đây luôn thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Chúng tôi rất tự hào vì chung nguồn cội, giữ được nét đẹp văn hóa cổ truyền nơi đất khách quê người mà không phải quốc gia nào cũng có được".

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn là nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Trong nghi thức sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bao giờ cũng gồm phần lễ và phần hội.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Gắn kết yêu thương, hướng về nguồn cội

Người dân hành hương về đất Tổ. Ảnh: Hoàng Quân

Trong vật phẩm dâng lễ có bánh chưng, bánh dày để nhắc nhở cội nguồn văn minh lúa nước của người dân Việt Nam và công đức của các Vua Hùng dạy dân trồng lúa nước. Trong phần hội có các hình thức vui chơi truyền thống như đánh trống đồng, đâm đuống, rước kiệu, hát Xoan. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thật sự trở thành không gian văn hóa tâm linh đặc sắc của người Việt.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, một số người dân, đặc biệt là lớp trẻ chưa biết nhiều về các Vua Hùng và các di tích thờ cúng Hùng Vương, thậm chí ngay ở địa phương mình. Chính vì vậy, một trong những cách bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản là tỉnh Phú Thọ đã đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào giảng dạy chính khóa trong các nhà trường.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, hiện nay, 100% các cấp học tại tỉnh Phú Thọ đều thực hiện tích cực mô hình "Trường học gắn với di sản". Đặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được biên soạn và đưa vào Chương trình giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021 – 2022.

Điều này đã góp phần trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc. Từ đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu đó.

GS.TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định: nhìn chung, các di sản văn hóa phi vật thể có tính mong manh, dễ bị tổn thương hơn so với các di sản văn hóa vật thể. Cho nên, việc bảo tồn phải đặc biệt lưu tâm.

Riêng đối với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bài toán đặt ra là xử lý thật khéo quan hệ giữa vai trò của Nhà nước và cộng đồng. Cộng đồng cần ý thức tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản của chính mình. Nhiệm vụ của cộng đồng là giữ gìn và trao truyền cho thế hệ sau…

Có thể thấy, trong tâm thức thế hệ trẻ Việt Nam, dù sống trong nước hay ngoài nước, tôn kính tổ tiên, tôn kính các vị Hùng Vương luôn là tình cảm thường trực. Vì thế, phải tin tưởng ở thế hệ trẻ, chú trọng khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, truyền thống độc đáo của dân tộc.

Quảng bá di sản gắn với du lịch

Trong mùa Lễ hội đền Hùng năm nay, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện gắn mã QR code tại các điểm di tích lịch sử để tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, hiện đại. Bảng mã QR code được đặt tại ngay lối ra vào di tích thuận tiện cho người dân và du khách tra cứu thông tin.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Gắn kết yêu thương, hướng về nguồn cội
Dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Ảnh: Hoàng Quân

Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ Nguyễn Đức Hòa chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ trong việc giới thiệu di tích, tái hiện các sự kiện lịch sử là hướng đi đúng đắn, hiệu quả, giúp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo trải nghiệm mới mẻ cho khách tham quan.

Khi quét mã QR code, du khách sẽ được tiếp nhận thông tin giới thiệu, thuyết minh bằng giọng nói, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách vừa di chuyển tham quan, vừa tìm hiểu thông tin về lịch sử, kiến trúc, văn hóa tại đền Hùng”.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác giới thiệu, quảng bá di tích lịch sử, văn hóa thông qua quét mã QR code đã góp phần tích cực vào bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên quê hương đất Tổ. Đây là cầu nối đưa các di tích lịch sử, văn hóa đến gần hơn với cộng đồng, nhằm thu hút đông đảo du khách về với vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội đền Hùng năm nay, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện để thu hút du lịch. Trong đó tỉnh đã phối hợp với các đơn vị của Bộ VHTT&DL để thực hiện lễ khai mạc, liên hoan các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh.

Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết: "Do tuần lễ trùng với dịp nghỉ lễ dài, tỉnh Phú Thọ đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, phòng, chống dịch bệnh, giữ vệ sinh môi trường, chuẩn bị đón lượng khách lớn sau 3 năm khi hết dịch.

Với nhu cầu văn hóa du lịch của người dân lớn, tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị sẵn sàng đón du lịch, du khách cả nước về với đất Tổ. Dự kiến dịp này tỉnh Phú Thọ sẽ đón khoảng 8 triệu lượt khách".

Theo lãnh đạo Sở VHTT&DL Phú Thọ, khu di tích cam kết không nâng giá xe điện ở năm nay, các khu vực cho thuê chiếu đã được quản lý với dịch vụ 30.000 đồng/giờ. Với lượng khách đông khi về đền Hùng, cơ quan chức năng sẽ có những cảnh báo du khách, các dịch vụ đã được niêm yết giá, tổ chức cho hộ kinh doanh ký cam kết để không ảnh hưởng đến hình ảnh của Lễ hội đền Hùng.

Con người có Tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn. Truyền thống đạo hiếu đó đã được đúc kết qua hàng nghìn năm, để đến ngày này, triệu triệu con tim Việt Nam trong và ngoài nước cùng hướng về đất Tổ thiêng liêng, nơi khởi nguồn Tổ quốc để thành kính tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam, gắn liền truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng - đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng - đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam

Ít dân tộc nào trên thế giới có tín ngưỡng thờ tổ tiên chung như dân tộc Việt Nam thờ cúng vua Hùng. Đây là ...

Người đất Tổ với mâm cơm tri ân các vua Hùng tại gia đình Người đất Tổ với mâm cơm tri ân các vua Hùng tại gia đình

Những năm gần đây, đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10-3 âm lịch) người dân Đất Tổ lại sửa soạn mâm cơm tri ân ...

Lại Tấn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động