“Tình yêu mà gia đình tôi dành cho 2 cô con gái đã đem lại trái ngọt”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKể về quá trình mình sinh ra và nuôi dưỡng 2 cô con gái trưởng thành, chị Hằng ở phố Hàng Khay, phường Tràng Tiền cho biết, hàng ngày nhìn 2 con gái lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình, chị càng hiểu được đây là món quà vô cùng quý giá mà ông trời ban cho.
“Đã từng có nhiều người hỏi tôi rằng sao không có ý định sinh con trai cho đủ nếp đủ tẻ. Nếu nói rằng không có ý định sinh thêm con là không đúng, đã có lúc suy nghĩ này đã thôi thúc chúng tôi do áp lực tinh thần, những quan niệm của người Việt là có con trai nối dõi.
Làm cha mẹ hầu như ai cũng muốn sinh con đủ nếp, đủ tẻ nhưng tôi tôi tự bằng lòng với cuộc sống tập trung nuôi dạy con theo cách của mình, tuy lúc ban đầu cũng thấy buồn do mọi người nói ra nói vào”, chị Hằng giãi bày.
Tuy nhiên, điều khiến vợ chồng chị Hằng không phải suy nghĩ nhiều do bố mẹ chồng động viên anh chị “không có con trai cũng chẳng sao, con nào cũng là đáng quý cả”. Điều này đã giải toả áp lực cho cả 2 vợ chồng chị.
Cùng đó, bản thân chị Hằng cũng sinh ra và lớn lên trong gia đình có 2 chị em là gái. Cả 2 chị em khi nhỏ đến lớn đều nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc và có cả hi sinh của bố mẹ để họ có cơ hội học tập, có công việc và cuộc sống ổn định như hiện nay nên chị không nặng nề chuyện phải có con trai.
|
“Không phải người phụ nữ nào cũng muốn sinh nhiều con, bởi sinh đẻ thật sự áp lực đối với phụ nữ. Việc nuôi, dạy con, chăm sóc con ăn uống, học hành, bạn bè và những mối quan hệ bạn bè khi các cháu bước vào tuổi vị thành niên, khi làm mẹ tôi mới hiểu hết. Thời bố mẹ tôi, vì hai chị em tôi, họ đã quyết định không sinh thêm con, để dành nuôi hai chị em tôi trở thành những người có ích cho xã hội”, chị Hằng chia sẻ.
Với tâm niệm “con nào cũng đáng quý” nên 2 con gái của chị Hằng cũng được nuôi dưỡng trong môi trường đầy tình yêu thương. Hai cô con gái: Cô lớn học lớp 10 Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cô con gái nhỏ học THCS Trưng Vương đều là những người con sống hoà thuận, có kết quả học tập tốt.
“Thực tế đã chứng minh tình yêu mà gia đình tôi dành cho 2 cô con gái đã đem lại trái ngọt. Điều mà chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là 2 cô con gái yêu thương, hoà thuận, chia sẻ, biết sống vì người khác và luôn đạt kết quả học tập tốt. Ở trên lớp, 2 chị em được thầy cô giáo đánh giá chăm ngoan; ở nhà 2 chị em thân thiết với nhau, thường xuyên trao đổi bài vở hay những kinh nghiệm trong cuộc sống. Cô chị là tấm gương cho cô em học tập, ngược lại, thành tích của cô em là động lực để cô chị phấn đấu”, chị Hằng tự hào.
Theo chị Hằng, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng ta nên tuyên truyền đến những người có uy tín trong cộng đồng: Có thể là những người lãnh đạo, có thể là ông/bà trong gia đình; chia sẻ thực trạng việc lựa chọn giới tính-đặc biệt là với các gia đình sinh con một bề gái làm sao để từ bỏ định kiến trọng nam hơn nữ, chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường.
Theo TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, TP Hà Nội luôn quan tâm và coi trọng công tác DS-KHHGĐ/chăm sóc SKSS. Hiện nay Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác DS-KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và phát triển.
Tỷ số giới tính khi sinh của của TP Hà Nội giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 113 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2018. Theo số liệu 9 tháng năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của TP ở mức 111 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn TP đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động.
Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai, TS. Hoàng Đức Hạnh nói.
Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội cần tăng cường truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh và thực thi chính sách giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, trẻ em gái, xóa bỏ bất bình đẳng giới góp phần làm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại