Thứ năm 23/01/2025 13:56

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội dần được kiểm soát

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh tại Hà Nội là 117 trẻ trai/100 trẻ gái. Với những mục tiêu, kế hoạch hành động cụ thể, mạnh mẽ, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh giảm dần qua các năm. Đến năm 2019 còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái… Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh toàn thành phố là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội dần được kiểm soát
Bà Nguyễn Minh Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội: Thời gian qua tỷ số giới tính khi sinh tại Hà Nội giảm dần qua các năm (ảnh H.V)

Đây là thông tin được bà Nguyễn Minh Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội nêu tại Hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số nhân ngày Quốc tế trẻ em gái (11-10), diễn ra tại huyện Thường Tín vừa qua.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, mất cân bằng giới tính đang là mối quan ngại ngày càng lớn tại các quốc gia châu Á. Từ năm 2006, mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam bắt đầu có biểu hiện tăng. Đến năm 2015, tỷ số này là 112,8 bé trai/100 bé gái, và tới năm 2016 là 112,2 bé trai/100 bé gái. Đặc biệt, năm 2014 có 15/63 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh là 115 trẻ nam/100 trẻ nữ…

“Với thực trạng này, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn”, bà Nguyễn Minh Xuân nêu.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Có thể sẽ có sự gia tăng về nhu cầu mại dâm; dẫn đến việc gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ.

Nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu do việc lựa chọn giới tính thai nhi, định kiến giới, ưa thích con trai. Thái độ xem thường giá trị của phụ nữ đã ăn sâu bám rễ trong các quan niệm văn hóa, tư tưởng truyền thống lâu đời đã tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng tới vị thế kinh tế, xã hội, đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ.

Do đó, giải pháp của vấn đề là cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ và trẻ em. Khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, thì họ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn.

Thời gian qua, để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND triển khai kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025 trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 trẻ trai/100 trẻ gái sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Bằng những mục tiêu, giải pháp cụ thể, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội đã giảm dần qua các năm: Năm 2010 tỷ số giới tính khi sinh là 117 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2019 giảm xuống 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh toàn thành phố là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Dự kiến cuối năm không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái hoàn thành chỉ tiêu năm.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội dần được kiểm soát
Biểu dương bé gái chăm ngoan, học giỏi là một trong những hoạt động nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới, tiến tới giảm mất cân bằng giới tính khi sinh (ảnh M.H)

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 107 trẻ trai/100 trẻ gái sau năm 2025, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KKHGĐ, Hà Nội cần tăng cường vận động, truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm sóat mất cân bằng giới tính khi sinh. Xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ đối với các đối tượng là người cao tuổi nhất là người cao tuổi sinh con 1 bề gái, các cặp vợ chồng sinh con 1 bề gái thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về kiểm sóat mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm y tế, dân số, thực hiện các nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Phổ biến các luật nhằm nêu cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay như Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hộ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái của các gia đình sinh con 1 bề gái.

Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11-10 và Ngày Quốc tế Người cao tuổi Việt Nam năm 2021, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn thành phố. Đặc biệt tại một số đơn vị Tây Hồ, Đan Phượng tổ chức gặp mặt biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu, … Ngoài ra, các đơn vị tổ chức truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh…

Để hưởng ứng kỷ niệm ngày Quốc tế trẻ em gái với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Chi cục DS-KHHGĐ đề nghị sự quan tâm, hỗ trợ, vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ TP tới cơ sở-đặc biệt là Nhân dân Thủ đô tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2020-2025, chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2020-2025; nhằm can thiệp một các có hiệu quả, góp phần kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian tới.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động