Thứ năm 23/01/2025 06:28

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi nhắc đến tấm gương đạo đức và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đặt tay lên ngực, vừa nói: ''Nhà văn Nguyễn Đình Thi có viết một câu, trên ngực áo này không một tấm huân chương, nhưng dưới làn áo mỏng này có một trái tim, sâu sắc lắm”. Giây phút ấy khiến ai cũng xúc động về một nhà lãnh đạo mẫu mực, một nhân cách lớn, hết lòng cống hiến cho đất nước, Nhân dân. Ở Tổng Bí thư luôn sáng mãi một trái tim yêu nước, yêu dân, kiên trung, bản lĩnh, bình dị mà vĩ đại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn ân cần với Nhân dân. Ảnh: TTXVN

Trái tim bình dị, trọng dân, yêu dân

Những ngày này, chúng ta có thể gặp bất cứ đâu những câu chuyện, hình ảnh cảm động về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo mẫu mực, một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp phục vụ đất nước, Nhân dân, Tổng Bí thư luôn lấy dân làm gốc, yêu dân, trọng dân. Trong các chuyến công tác, Tổng Bí thư luôn nán lại nắm tay, trò chuyện với người dân. Hình ảnh Tổng Bí thư bế các cháu nhỏ trên tay, nắm chặt tay các cụ già, ngồi trò chuyện với người dân, ánh mắt trìu mến, trên môi thường trực nụ cười hiền hậu đã trở thành những điều vô cùng thân thương với mọi người dân Việt Nam. Sự gần gũi của Tổng Bí thư đã xóa nhòa mọi khoảng cách. Những lúc ấy, ông giống như một người ông, người cha, người bác đi xa trở về.

Trong những lần họp cử tri, Tổng Bí thư luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, ghi chép thật cẩn thận. Những điều người dân trăn trở, ông trao đổi một cách thẳng thắn, tỉ mỉ. Cũng chính nhờ sự sâu sát, quan tâm đến đời sống Nhân dân mà Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo kịp thời, chính xác, hiệu quả cao. Ông cũng là nhà lãnh đạo chiếm trọn tình yêu, sự tin tưởng của người dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Nhân dân xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc TP Hải Phòng. Ảnh: Trí Dũng (TTXVN)

Ông Vũ Thành Vĩnh (73 tuổi), nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hoàn Kiếm, Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 4 phường Cửa Nam xúc động chia sẻ, ông đã nhiều lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những lần các đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri. Ông luôn ghi nhớ hình ảnh của một vị Tổng Bí thư gần gũi, cởi mở, cống hiến trọn đời cho Nhân dân.

Ông Vũ Thành Vĩnh nhớ lại thời điểm năm 2000, khi ông làm Bí thư phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội. Khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng đi cùng Tổng Bí thư Đỗ Mười và một số lãnh đạo xuống phường Cửa Nam tham dự cuộc họp chỉ đạo về nội dung xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở, tới nơi, ông gửi lời chào thân thiện đến mọi người tham gia cuộc họp. Dù mọi người đã dành riêng một chỗ ngồi cho ông bên cạnh Tổng Bí thư Đỗ Mười nhưng ông quyết định xuống dưới hàng cuối, ngồi gần cán bộ, cử tri của phường. Trong suốt cuộc họp, ông luôn lắng nghe từng ý kiến của cán bộ, người dân phát biểu. Ai tham gia buổi họp hôm đó cũng cảm nhận được sự gần gũi, mộc mạc của Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc
Ông Vũ Thành Vĩnh luôn ghi nhớ hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần gũi, mộc mạc, hết lòng vì đất nước, Nhân dân. Ảnh: A.N

Năm 2006, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc này làm Chủ tịch Quốc hội thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm. Sau buổi tiếp xúc cử tri, ông mong muốn được xuống thăm lại phường Cửa Nam - nơi mà 6 năm trước ông cùng với Tổng Bí thư Đỗ Mười xuống dự cuộc họp xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở. Ông muốn tìm hiểu xem hiện giờ, quy chế dân chủ tại phường Cửa Nam được thực hiện như thế nào. Điều đó chứng tỏ trên mọi cương vị, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Tổng Bí thư luôn ghi nhớ, quan tâm, đau đáu với những vấn đề của Nhân dân, của cơ sở.

Phường Cửa Nam thực hiện thí điểm xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở thành công. Nhờ quy chế này mà người dân có quyền tham gia, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của Nhân dân. Từ điểm sáng này, Trung ương đã nhân rộng việc thực hiện quy chế ra khắp cả nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng rất phấn khởi vì phường Cửa Nam đã làm được việc này.

"Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về thăm lại phường Cửa Nam, tôi đang là Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND phường. Không chỉ tôi mà mọi cử tri, người dân đều yêu mến, kính trọng ông, ấn tượng về một nhà lãnh đạo tâm huyết, gần dân, quyết tâm theo đuổi những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho Nhân dân”, ông Vũ Thành Vĩnh chia sẻ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc
Ông Vũ Thành Vĩnh xúc động khi nhận được bức thư của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: A.N

Càng xúc động khi trước khi về hưu, ông Vũ Thành Vĩnh nhận được bức thư của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Trong bức thư, Tổng Bí thư viết: "Giữ mãi hình ảnh tốt đẹp về một đồng chí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận Hoàn Kiếm: tâm huyết, đầy trách nhiệm vì Đảng, vì Dân; chủ tọa điều hành các phiên họp và tiếp xúc cử tri rất linh hoạt và đạt hiệu quả cao". Điều đặc biệt, cuối bức thư này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký tên với tư cách “một công dân của Hà Nội”.

"Tôi rất cảm động khi nhận được những lời chúc Tết, bức thư động viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi luôn coi đó như một món quà quý giá, khích lệ tinh thần của cán bộ, Đảng viên làm việc hăng say, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", ông Vũ Thành Vĩnh bày tỏ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc
Bức ảnh ông Vũ Thành Vĩnh chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: A.N

Nhà báo Nguyễn Thị Giáng (Báo Kinh tế và Đô thị) nhớ mãi nụ cười hiền hậu, ánh mắt trìu mến của Tổng Bí thư trong một lần chị được bắt tay ông. “Tôi may mắn một lần tác nghiệp sự kiện diễn ra ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự. Cuối chương trình, khi Tổng Bí thư ra về, tôi cũng đang có mặt tại đó. Không ai bảo ai, mọi người đều đứng nghiêm trang thành hàng lối để chào tạm biệt ông. Tổng Bí thư vừa cười hiền, ánh mắt trìu mến, vừa bắt tay chào tạm biệt. Dù không phải là thành viên Ban tổ chức nhưng tôi vinh dự được bắt tay ông. Sự ân cần, mẫu mực của Tổng Bí thư để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, khi đó còn là một cô phóng viên trẻ. Gần 10 năm qua, dù nhiều lần đến đưa tin các sự kiện được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô nhưng kỷ niệm về cái bắt tay của Tổng Bí thư vẫn là kỷ niệm khó phai trên dọc đường tác nghiệp của tôi.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là một nhà báo, từng kinh qua các vai trò biên tập viên, Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản. Dù ở cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư vẫn giữ tình cảm thân thương với đội ngũ người làm báo và thường gọi là “đồng nghiệp”. Ngày 19/7/2024, một cảm xúc tiếc thương vô hạn dâng lên trong lòng tôi sau khi biết tin Tổng Bí thư từ trần. Đọc và dõi theo tin tức về ông trên báo, đài, đâu đâu cũng thể hiện tình cảm trân quý về một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước. Từ cán bộ Đảng chuyên trách Trung ương và Hà Nội, đến cán bộ cơ sở, người dân và tuổi trẻ Thủ đô,… đều thể hiện sự yêu quý, trân trọng những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta”, nhà báo Nguyễn Thị Giáng chia sẻ.

Trái tim kiên trung, bản lĩnh của vị tổng chỉ huy phòng chống tham nhũng

Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2013, khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, được người dân cả nước hoan nghênh, ủng hộ, được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Theo báo cáo số 06-BC/TW ngày 23/7/2022, trong 10 năm (2012-2022) đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý. Qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội.

Để đưa công tác phòng chống tham nhũng đi vào chiều sâu, gắn kết đồng bộ giữa phòng và chống, từ tháng 9/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được Bộ Chính trị quyết định bổ sung chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV(ngày 20/7/2021). Ảnh: VOV

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước. Tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải cuộc đấu giữa các phe cánh hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hay cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu.

Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” nên phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ, gắn phòng chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, tăng cường quản lý, giáo dục, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là hướng đến mục tiêu làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước. Xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực,… Tinh thần đấu tranh phải kiên quyết, kiên trì; nhất quán phương châm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt,…

Mỗi phát biểu, chỉ đạo đầy chất thép của Tổng Bí thư đều trở thành mệnh lệnh của người đứng đầu trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với “giặc nội xâm”. Tại nhiều cuộc họp khác nhau, Tổng Bí thư đều nhất quán quan điểm: "Mọi đảng viên đều phải tự gột rửa, tự sửa mình". Về công tác đánh giá cán bộ thì "Đừng nhìn gà hoá cuốc", "Đừng thấy đỏ tưởng là chín", xóa bỏ tư tưởng bè phái, kiểu "Cua cậy càng, cá cậy vây". Ông thường xuyên căn dặn lãnh đạo, cán bộ, đảng viên: "Đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ". Điều quan trọng là đạo đức, danh dự.

Tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra vào ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. "Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".

Tại một buổi tiếp xúc cử tri ngày 23/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Không thích thú gì khi kỷ luật đồng đội, đồng chí của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm, như Bác Hồ từng dạy cắt một vài cành sâu mọt để cứu cả cây”.

Tổng Bí Thư cho rằng: Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm "nản chí", "chùn bước", sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Tôi đã nhiều lần nói rồi, ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm.

Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15/9/2021, Tổng Bí thư căn dặn: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất". Đây cũng là nội dung Tổng Bí thư thường xuyên nhắc lại trong nhiều cuộc họp.

Trái tim khiêm nhường và bài học sâu sắc về đạo thầy trò

Những ngày này, hình ảnh bức thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo chủ nhiệm lớp 4 của mình được lan tỏa đến nhiều người. Nội dung bức thư giản dị, khiêm nhường như chính con người ông.

"Kính thưa cô giáo Đặng Thị Phúc, nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Kỷ Hợi 2019 - em xin có mấy lời kính thăm Cô và gia đình. Kính chúc Thày Cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới". Cuối bức thư đề giản dị "Học trò cũ của cô", kèm lời tri ân: "Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo", Tổng Bí thư viết.

Không phải ngôn từ hoa mỹ, càng không có dấu ấn chức vị, những tình cảm Tổng Bí thư gửi đến cô giáo mộc mạc, nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc
Bức thư tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết gửi cho cô giáo của mình. Ảnh: T.L

Cô giáo Đặng Thị Phúc là giáo viên dạy tiểu học của Tổng Bí thư, cũng là người mà Tổng Bí thư đã cất công tìm kiếm rất lâu. Lớp học của ông khi đó được đặt tại xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội. Khi tìm lại được cô, Tổng Bí thư khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi và thường gửi thư kính thăm mỗi dịp Lễ, Tết hàng năm.

Trong ký ức của cô Đặng Thị Phúc, nhà trò Trọng khó khăn, suốt cả năm học chỉ đi chân đất, đông cũng như hè chỉ mặc độc một bộ quần áo nâu. Tuy ít tuổi nhất lớp nhưng cậu bé Trọng học giỏi nhất, ngoan nhất, tích cực giờ tay phát biểu bài. Vì học giỏi nhất nên cuối năm học, trò Trọng được chọn là học sinh đại diện đứng lên phát biểu ở hội trường. Nhìn cậu học trò nhỏ đứng lên báo cáo, vẫn bộ quần áo nâu, chân đất như mọi hôm, cô Phúc thương đến ứa nước mắt. Lên lớp 5, trò Trọng đi học ở trường Nguyễn Gia Thiều, vẫn thỉnh thoảng cùng lớp trưởng lớp cũ đến thăm cô. Nhưng sau cô chuyển về Hà Nội, hai cô trò bặt tin nhau từ đó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng cô giáo Đặng Thị Phúc. Ảnh T.L

Trong mắt cô giáo, Tổng Bí thư là người liêm khiết, giản dị, khiêm tốn. Biết tin Tổng Bí thư mất, cô Đặng Thị Phúc đau xót, tiếc thương như mất đi chính người thân của mình, đất nước mất đi một nhà lãnh đạo gần dân, thương dân.

Tại ngôi trường THPT Nguyễn Gia Thiều (trước đây là Trường Nguyễn Gia Thiều), nơi Tổng Bí thư có hơn 6 năm gắn bó (từ năm 1957 đến năm 1962), những kỷ vật về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhà trường giữ gìn cẩn thận. Đặc biệt nhất có lẽ là cuốn sổ ghi nhận xét của thầy, cô giáo về cậu học trò Nguyễn Phú Trọng năm xưa, có dòng nhận xét: “Được xếp loại Giỏi. Học giỏi đều các môn. Có tinh thần tranh thủ học tập. Nhiệt tình trong lao động. Có tinh thần trách nhiệm trong công tác. Có nhiều đóng góp xây dựng tập thể tốt. Tư cách tốt, thái độ với thầy và bạn tốt. Đáng khen”.

Tổng Bí thư kể ngày xưa, thời còn đi học, trường lớp chật chội, nhà tranh, mái lá, sân đất, thư viện, phòng thí nghiệm thiếu thốn. Học sinh ngày ấy phần lớn ở xa trường, phương tiện đi lại rất khó khăn, hầu hết tự đi bộ hàng chục cây số. Nhà Tổng Bí thư ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, để sang trường phải đi đò qua sông Đuống. Những hôm trời mưa rét, ông phải nghỉ lại trường cùng với thầy giáo chủ nhiệm Lê Đức Giảng nên có nhiều kỷ niệm sâu sắc với thầy. Nhiều học sinh, trong đó có Tổng Bí thư phải ở nhờ, ở trọ, vừa học, vừa làm thêm để kiếm sống.

Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm thầy cô và trường cũ. Khi đó, ông là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhưng vẫn luôn dành sự thành kính, chân tình với các thầy cô. Ông nói: "Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhưng khi về trường em xin phép các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh của nhà trường. Trong buổi lễ, các thầy cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Em cũng xin phép được phát biểu cảm tưởng về những kỷ niệm của thời học sinh, về những kỷ niệm đẹp với các thầy, các cô và các bạn học".

Có lần, về gặp mặt bạn cũ, ông nhờ người chở mình bằng xe máy. Gặp thầy cô, bạn bè, ông nói: "Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn… Chức tước như phù vân!".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng khi gặp lại thầy giáo chủ nhiệm Lê Đức Giảng. Ảnh: VOV

Thầy Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều chia sẻ, về thăm trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều ân cần thăm hỏi thầy cô, bạn bè và các thế hệ học sinh của trường. Tổng Bí thư tin tưởng rằng với truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, với nhiều thành tích và kinh nghiệm đã tích lũy được, trong thời gian tới, trường THPT Nguyễn Gia Thiều sẽ tiếp tục phát triển, thu được nhiều kết quả to lớn, tốt đẹp hơn nữa, đáp ứng tốt những yêu cầu mới ngày càng cao hơn, khó hơn, xứng đáng với truyền thống, xứng đáng với danh xưng Nguyễn Gia Thiều, xứng đáng với sự tin yêu, tin cậy và đòi hỏi của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.

Thầy Lê Trung Kiên cho biết thêm, chương trình học của nhà trường tới đây chắc chắc sẽ đưa sâu hơn, đậm nét hơn tính nhân văn, về lối sống, tinh thần Cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tất cả những điều đó cho thấy tình cảm sâu sắc của Tổng Bí thư dành cho thầy cô, bạn bè, càng khẳng định giá trị tốt đẹp trong lối sống thanh cao, bình dị, khiêm nhường của ông. Đó là gìn giữ đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo với thầy cô - những người vừa dạy kiến thức, vừa bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh; vẫn chân thành, trước sau như một với bạn bè.

Câu chuyện về Tổng Bí thư với thầy cô, ngôi trường của mình đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người về hành trình vươn lên, vượt qua gian khó thực hiện ước mơ; về sự nối tiếp, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; càng khích lệ các nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc tiếp tục tận tâm, tận hiến với nghề, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Hãy là người Cộng sản

Khi tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ đầy trách nhiệm: "Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành".

Năm 2021, tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng, to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Để có được thành tựu đó, có phần công lao vô cùng to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và Nhân dân ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ trao huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Ảnh: Trí Dũng (TTXVN)

Tại lễ trao huy hiệu 55 năm tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra năm 2023, ông xúc động bày tỏ tình cảm của mình với Đảng: "Tôi xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, như lời của một bài hát: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!".

Lý tưởng sống của Tổng Bí thư cũng được ông đúc kết qua câu nói của người cộng sản trẻ tuổi Paven Coocsaghin, nhân vật trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nicolai Ostrovsky: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân". Hay qua lời thơ trong bài "Đồng chí" của nhà thơ Tố Hữu: "Còn một giây, một phút tàn hơi/Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi!".

Tổng Bí thư cũng nêu quan điểm: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản chân chính sống mãi trong lòng dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: Trí Dũng (TTXVN)

80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, người Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp Cách mạng của dân tộc, hết lòng phụng sự đất nước và Nhân dân đến tận hơi thở cuối cùng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức và phong cách cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, một cốt cách giản dị nhưng vô cùng vĩ đại. Ông đã, đang và sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, nhiệt huyết Cách mạng; tinh thần đoàn kết; ý chí, khát vọng cống hiến, bảo vệ và xây dựng đất nước cho các thế hệ Việt Nam.

Xin được kết bài bằng những vần thơ "Từ ấy" của nhà thơ Tố Hữu mà Tổng Bí thư yêu mến như một nén tâm nhang thành kính tiễn đưa ông:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Cả dân tộc Việt Nam biết ơn ông - người Cộng sản chân chính mang tên Nguyễn Phú Trọng!

Hà Nội bảo đảm công tác y tế phục vụ Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Hà Nội bảo đảm công tác y tế phục vụ Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng thống Cộng hòa Philippines: ca ngợi cách tiếp cận “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Tổng thống Cộng hòa Philippines: ca ngợi cách tiếp cận “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động