Thứ năm 23/01/2025 11:08

Trao Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số năm nay, mặc dù diễn ra trong thời gian dịch covid -19 diễn biến phức tạp, khó lường; giãn cách xã hội ở nhiều nơi trong cả nước… Song, Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo các nhà báo, cộng tác viên trên toàn quốc.
Trao Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số
Ban tổ chức trao giải cho tác phẩm đoạt giải Đặc biệt (ảnh DS)

Với số lượng 608 tác phẩm có chất lượng tham dự Giải từ 28 tỉnh/thành phố và 15 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương là kết quả cao, vượt sự mong đợi của Ban tổ chức.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ (Bộ Y tế) tại lễ tổng kết và trao Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số diễn ra ngày 15-12.

Theo ông Phạm Vũ Hoàng, trong suốt thời gian qua, đặc biệt từ năm 1993, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII về chính sách DS- KHHGĐ, công tác dân số đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, nhất là trong công tác giảm sinh. Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế thành công, Việt Nam đạt và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì vững chắc cho đến nay.

Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng năm 2007. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về DS-KHHGĐ, dân số và phát triển của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan toả, thấm sâu trong toàn xã hội.

Những thành tựu mà công tác dân số đạt được tác động to lớn và tích cực đến tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; cải thiện chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình. Góp phần vào những thành công trên phải kể đến vai trò hết sức quan trọng và những đóng góp to lớn của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. Dưới ngòi bút tuyên truyền sắc bén của mình, các Nhà báo, Phóng viên báo chí đã tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong công tác dân số qua nhiều thời kỳ.

Năm 2021 là một năm đặc biệt đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đối với ngành dân số Việt Nam, kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Dân số Việt nam (26-12-1961/ 26-12-2021). Trong tổng thể các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành dân số Việt Nam (1961-2021), “Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số” do Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức là một hoạt động hết sức quan trọng và có ý nghĩa nhằm hưởng ứng kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành Dân số.

“Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số” với mục tiêu động viên kịp thời và tôn vinh tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc tiêu biểu về công tác dân số ở Trung ương và địa phương, đồng thời nâng cao số lượng, chất lượng các tác phẩm tuyên truyền về công tác dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cả nước.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, trong chặng đường mới, công tác dân số sẽ đối diện với nhiều thách thức mới, cùng lúc cần giải quyết nhiều vấn đề lớn và khó mà Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ ra.

Với quan điểm tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới là: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Để thực hiện việc này, theo ông Phạm Vũ Hoàng, chúng ta phải đổi mới tư duy về chính sách dân số. Tuy nhiên, điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy dân số chỉ là giảm sinh, là KHHGĐ, gần 60 năm qua đã “ăn sâu” trong tâm trí người dân và cán bộ quản lý. Vì vậy, giải pháp then chốt và phải luôn đi trước mà chúng ta cần thực hiện là đẩy mạnh truyền thông, vận động về Dân số và Phát triển. “Để đạt mục tiêu đó rất cần sự gắn kết và đồng hành của các Nhà báo, Phóng viên trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, để cùng thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Đảng, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra”.

Tổng cục DS-KHHGĐ luôn đánh giá cao vai trò hết sức quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền về công tác dân số, báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mà còn là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ hiện tượng xã hội để đảm bảo thực hiện tốt việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về công tác dân số.

Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam-đồng trưởng ban tổ chức giải chia sẻ: Giải báo chí đầy ý nghĩa này là một hoạt động thiết thực, nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí với ngành dân số, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về dân số trong giai đoạn mới; đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của công tác này, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương. Trong đó, coi công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có nhiệm vụ quan trọng của công tác báo chí.

Ban Thư ký Tổng hợp Giải đã nhận được 608 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải theo quy định của thể lệ giải trong đó Báo in đạt 293 tác phẩm; Báo điện tử đạt 315 tác phẩm; 24 tác phẩm không phù hợp với thể lệ giải và đã bị loại. Có được kết quả như trên là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Tổng cục DS-KHHGĐ và Hội nhà báo Việt Nam, được các Cơ quan báo chí, Chi cục DS-KHHGĐ trên toàn quốc hưởng ứng tích cực, đông đảo phóng viên, nhà báo, cộng tác viên và cán bộ truyền thông dân số đã nhiệt tình tham gia, góp phần đạt chất lượng cao của giải.

Hội đồng sơ khảo biểu quyết 100% nhất trí chọn 20 tác phẩm báo in và 20 tác phẩm báo điện tử trình Hội đồng chung khảo.

Hội đồng chung khảo đã chấm và lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất đạt giải theo cơ cấu như sau:

Giải cá nhân: 1 giải đặc biệt, 2 giải A, 2 giải B, 5 giải C, 5 giải khuyến khích

Giải tập thể: 1 giải đặc biệt, 2 giải A, 2 giải B, 5 giải C, 5 giải khuyến khích.

Và các giải mở rộng.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động