Thứ năm 23/01/2025 16:47
Thanh Hóa

Triển khai các giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng vừa ký công điện khẩn gửi Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố yêu cầu khẩn trương triển khai các giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Công điện nêu rõ: Vào ngày 24-02-2019 bệnh Dịch tả lợn đã xuất hiện tại hộ chăn nuôi ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định và buộc phảỉ tiêu hủy toàn bộ số lợn 226 con (Kết quả dương tính với vi rút Dich tả lợn châu Phi ASF được xác định tại Phiếu trả lời kểt quả số 247/CĐXN-CĐ ngày 24-02-2019 của Chi cục Thú y vùng 3) làm cho nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng và thiệt hại cho ngành chăn nuôi lợn là rất cao.

Để phòng, chống, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan ra diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở và Thủ truởng các ban, ngành tập trung cao độ, chỉ đạo đồng bộ, kiên quyết các biện pháp cấp bách để khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-02-2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi; của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 06-9-2018 về việc ngăn chặn nguy cơ xâm nhỉễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 21-02-2019 về việc ban hành Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

trien khai cac giai phap khong che benh dich ta lon chau phi
Dịch tả lợn châu Phi đã có mặt tại 12 quốc gia

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Yên Định xem xét, quyết định công bố bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Định Long, huyện Yên Định theo quy định tại Điều 26, Luật Thú y. Trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh hoặc lợn đã chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...); phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc suất xứ, nhiễm bệnh theo đúng quy định;

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật và thành lập đoàn công tác, phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã, phường, thị trấn để phát hiện sớm các ổ dịch và bao vây dập tắt dịch ngay khi còn ở diện hẹp, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng.

Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra.

Khẩn trương ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; thực hiện hiệu quả công tác tiêu độc, khử trùng, quan tâm đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp, người chăn nuôi và cộng đồng nắm vững, nắm chắc, hiểu rõ mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 cấp huyện và lực lượng Thú y, công an, quản lý thị trường thực hiện đồng bộ, cấp bách các biện pháp ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh trái phép lợn, sản phẩm của lợn.

Sáng 25-2, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa cho biết: Sau khi nhận được Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ, tổng hợp kịp thời diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên dịa bàn để thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Sở đã có công văn hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Phối hợp với đơn vị liên quan để tham mưu thành lập các chốt kiểm dịch, trạm kiểm dịch hoặc đội kiểm tra lưu động động vật liên ngành tạm thời trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nhằm kiểm soát chặt chẽ 24/24g đối với lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn tỉnh, nhất là các vùng có dịch.

Hoàng Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động