Trình Quốc hội cơ chế đặc thù phát triển kinh tế tư nhân tại Kỳ họp thứ 9
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Ưu tiên các giải pháp cấp bách, mang tính đột phá nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực mới cho khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa |
Tại Thông báo số 221/TB-VPCP, Thường trực Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân với nhiều nội dung đề xuất sâu sắc, toàn diện, cụ thể, tiếp cận trực tiếp vào những vấn đề quan trọng cần tập trung giải quyết.
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đảm bảo nội dung cụ thể, đặc thù, có tính khả thi cao, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương tại Nghị quyết số 68-NQ/TW. Song song đó, Bộ Tài chính cần sớm hoàn tất Kế hoạch hành động của Chính phủ, phục vụ việc tổ chức quán triệt và triển khai hiệu quả nghị quyết mới. Các giải pháp, nhiệm vụ trong nghị quyết được phân nhóm rõ ràng: nhóm các nội dung cần thể chế hóa ngay; nhóm các nội dung cần tích hợp vào các dự án luật đang được Quốc hội xem xét; và nhóm định hướng cần nghiên cứu, đánh giá thêm trước khi sửa đổi luật trong tương lai.
Thường trực Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến việc ưu tiên các giải pháp cấp bách, mang tính đột phá nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực mới cho khu vực kinh tế tư nhân. Các thủ tục hành chính phải nhanh chóng, đơn giản, giảm chi phí tối đa, nhất là trong việc thành lập doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp và phá sản. Một trong những nội dung trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ phát triển thành doanh nghiệp lớn, hướng đến mục tiêu có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2030.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu cụ thể hóa các nội dung quan trọng như bảo đảm quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho khu vực tư nhân; vận dụng hiệu quả mô hình hợp tác công – tư; tăng cường phân cấp cho địa phương trong đặt hàng, đầu tư công trình với doanh nghiệp tư nhân, đi đôi với siết chặt giám sát để chống tiêu cực, tham nhũng và lợi ích nhóm. Đặc biệt, trong xử lý vi phạm, Nghị quyết mới sẽ phân định rõ giữa trách nhiệm hình sự và hành chính, giữa cá nhân và pháp nhân, kiên quyết không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.
Bên cạnh đó, các chính sách tài chính như thuế, phí, lệ phí cũng được yêu cầu rà soát, điều chỉnh theo hướng minh bạch, rõ ràng, thuận lợi và hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính được giao chủ trì lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Kế hoạch hành động, trình Chính phủ chậm nhất vào ngày 12/5/2025 và ban hành trước ngày 16/5/2025.
Thường trực Chính phủ cũng giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương tích hợp các nội dung cần thiết của Nghị quyết 68-NQ-TW vào các dự thảo luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 như Luật Cán bộ, công chức, Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật PPP, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo… Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ liên quan tại Nghị quyết 68 vào các dự thảo Luật đang trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định hồ sơ trình Quốc hội đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Thường trực Chính phủ giao các cơ quan truyền thông của Chính phủ (VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam), Văn phòng Chính phủ (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) và các Bộ, cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh truyền thông chính sách về phát triển kinh tế tư nhân theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Kế hoạch hành động của Chính phủ.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại