Thứ sáu 24/01/2025 07:27

Từ 1-7, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận số CMND

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 59/2021 quy định chi tiết việc thi hành Luật Căn cước công dân (CCCD). Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1-7, trong đó có nhiều quy định mới liên quan thẻ căn cước công dân gắn chip.

Thông tư quy định, trường hợp đã được cấp thẻ CCCD, giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì có thể sử dụng thông tin về số CCCD, số định danh cá nhân để tiến hành giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đặc biệt, mã QR code trên thẻ CCCD gắn chip có lưu thông tin về số CCCD mã vạch, số CMND. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số CCCD, số CMND của công dân thông qua việc quét mã QR code, do đó công dân không phải cung cấp giấy xác nhận số CMND, CCCD.

Từ 1-7, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận số CMND
Từ 1-7, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận số CMND. Ảnh minh hoạ

Trường hợp thông tin số CMND, CCCD cũ của công dân không có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công an sẽ đề nghị công dân cung cấp bản chính hoặc bản sao thẻ CCCD, CMND (nếu có). Tiếp đó, công an sẽ tiến hành tra cứu, xác minh qua tàng thư CCCD, giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp thể hiện thông tin số CMND, CCCD để xác định chính xác nội dung thông tin.

Nếu có đủ căn cứ, công an sẽ cấp giấy xác nhận số CMND, CCCD cho công dân; nếu không có căn cứ để xác nhận thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do. Thời hạn cấp giấy xác nhận không quá 7 ngày.

Đáng chú ý, Bộ Công an còn quy định công dân có thể đăng ký cấp giấy xác nhận số CMND, CCCD trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an tại bất kỳ cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD, khi công dân đã có thông tin số CMND, CCCD trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Kết quả giải quyết sẽ được cập nhật, thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Khi công dân có yêu cầu được trả giấy xác nhận số CMND, CCCD đến địa chỉ theo yêu cầu thì công dân phải trả phí chuyển phát theo quy định.

Ngoài ra, Thông tư cũng có thêm một số quy định đáng chú ý khác như: Thu hồi CMND cũ, Căn cước công dân mã vạch khi người dân làm thủ tục đổi sang Căn cước công dân gắn chip, thay vì cắt góc và trả lại cho người dân như trước đây.

Anh Phạm Thế Công, trú tại quận Cầu Giầy, Hà Nội, bày tỏ, về quy định, công dân không phải cung cấp giấy xác nhận số CMND, CCCD, tôi thấy là phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. "Như vậy, chúng tôi không phải thêm những thủ tục phiền hà khi tất cả đều đã được tích hợp trong thẻ CCCD gắn chip. Rất mong có thêm nhiều quy định cải tiến như vậy để số hoá các thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ không cần thiết".

Theo Bộ Công an, chip điện tử trên CCCD lưu trữ hơn 14 trường thông tin của công dân, gồm: Số CCCD; họ và tên; tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi đăng ký thường trú; đặc điểm nhận dạng; ngày cấp CCCD; ngày hết hạn; họ tên cha/mẹ, vợ/chồng; số chứng minh nhân dân 9 số đã được cấp; ảnh chân dung; đặc điểm vân tay 2 ngón trỏ; dự phòng cho ảnh mống mắt và các thông tin khác.
HP
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động