Thứ sáu 24/01/2025 10:38

Tỷ giá VND/USD được dự báo lên 25.000 đồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng những tháng gần đây. Đồng USD tăng trở lại từ giữa tháng 7 cũng đặt ra thách thức cho tỷ giá VND/USD.
Tỷ giá đã vượt mốc 24.500 đồng/USD và được dự báo lên 25.000 đồng. Ảnh minh hoạ
Tỷ giá đã vượt mốc 24.500 đồng/USD và được dự báo lên 25.000 đồng. Ảnh minh họa

Thách thức cho điều hành tỷ giá

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, vượt mốc 24.500 đồng/USD. Theo đó, giá bán USD phổ biến trong khoảng 24.500 - 24.530 VND/USD. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán tại các ngân hàng hiện cũng duy trì ở mức 300 - 400 đồng/USD.

Với diễn biến tỷ giá bứt tốc như hiện tại, giá VND/USD thực tế đã tiệm cận hoặc "leo" qua các mốc dự báo của giới chuyên môn. Trước đó, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng MB (MBS), Công ty Chứng khoán Rồng Việt, hay Mizuho Bank, UOB… dự báo, tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng (tức là mất giá khoảng 2-3%) trong bối cảnh kỳ vọng chung đồng USD sẽ mạnh lên.

Liên quan đến những diễn biến tỷ giá gần đây, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia lý giải, sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam được coi là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá những tháng gần đây. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25 - 1,5 điểm %, cùng thời gian đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %.

Tỷ giá USD/VND càng chịu thêm sức ép khi cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 của Fed đang đến gần và Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn có khả năng tăng thêm lãi suất, điều này sẽ nới rộng chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng vốn đang ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, những diễn biến quốc tế khó lường tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá và diễn biến tiền tệ của Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam Phạm Quang Anh cho biết: “rủi ro lạm phát toàn cầu quay lại, giá xăng, dầu cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Đồng thời, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quí III/2023. Trong khi đó, NHNN duy trì chính sách nới lỏng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Đây đang là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá. Tất cả những điều kể trên sẽ ảnh hưởng đến định hướng chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm".

Bài toán đặt ra cho NHNN là phải dự báo được nguy cơ gây ra lạm phát để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, ổn định dòng tiền và đạt mục tiêu chính sách tiền tệ.

Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu

Tỷ giá tăng gây thêm áp lực trả nợ nước ngoài, đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, khi xuất khẩu hàng hoá sang các nước phá giá nhiều thì họ được lợi hơn về giá. Tuy nhiên, đối với NHNN thì khi điều hành tỷ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia, bao gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu và cả doanh nghiệp nhập khẩu.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022 Việt Nam xuất siêu hơn 12 tỷ USD, nhưng của doanh nghiệp FDI xuất siêu lên đến 36 tỷ USD. Trong khi doanh nghiệp trong nước bị thâm hụt do chi phí sản xuất của ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu nước ngoài. Nếu tỷ giá tăng lên sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu.

"Chưa kể, khi tỷ giá tăng thì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không yên tâm vì khi hoạt động ở đây có lãi nhưng khi họ chuyển về nước lại thấy không có lãi. Do vậy, chúng tôi xin nhắc lại, vấn đề ổn định tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì doanh nghiệp nào cả” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

TS Lê Xuân Nghĩa vẫn giữ quan điểm rằng, cần theo dõi sát diễn biến trên thị trường thời gian tới, song tỷ giá tăng chỉ là câu chuyện ngắn hạn, không quá quan ngại. Cơ sở cho nhận định trên là yếu tố nội tại của Việt Nam vẫn tích cực.

Theo đó, dù chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng, nhưng cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng đầu năm 2023 vẫn ước xuất siêu 16,26 tỷ USD, trong khi cùng giai đoạn năm trước xuất siêu 3,96 tỷ USD. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định.

“Sẽ có thời điểm USD mạnh lên và VND giảm giá đi, nhưng trạng thái này chỉ mang tính thời điểm và một phần do tâm lý cũng như nhu cầu của các DN xuất nhập khẩu. Với thông điệp ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng của NHNN, chúng tôi cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì trong ngắn và trung hạn”- Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank nhận định.

TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, để hạn chế rủi ro, nhà điều hành có thể lựa chọn hi sinh một phần tỷ giá, tức để VND mất giá khoảng 3 - 4%, lên khoảng 25.000 đồng/USD, để duy trì khả năng cạnh tranh về giá của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam so với các đối thủ thương mại khác trong bối cảnh lĩnh vực xuất khẩu giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những năm qua. TS Nguyễn Trí Hiếu đồng quan điểm dự báo tỷ giá có thể là 25.000 đồng vào cuối năm khi nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu là rất lớn.

Thời điểm mùa vụ như hiện nay, không nên can thiệp quá nhiều vào tỷ giá bằng dự trữ ngoại hối do nhu cầu cao nên tỷ giá sẽ tăng nóng, sau đó giảm trở lại. Nhà điều hành cần theo dõi sát sao cán cân thanh toán, đặc biệt là cán cân tài khoản vốn để có động thái can thiệp thị trường và tỷ giá phù hợp. (TS Nguyễn Hữu Huân -Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh)
Vàng nổi sóng, giới đầu cơ thờ ơ Vàng nổi sóng, giới đầu cơ thờ ơ

Trong khi giá USD tiếp tục tăng mạnh, tuần qua, vàng miếng SJC cũng vọt lên sát 69 triệu đồng/lượng. Khách hàng chủ yếu canh ...

Thảo Nguyên
Kinhtedothi.vn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động