Ủy quyền cho công chức tư pháp giải quyết một số thủ tục
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên13 đơn vị cấp huyện của TP Hà Nội thực hiện thí điểm chính quyền đô thị từ 1-7 |
Trong ngày đầu tiên thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết, phường đã tập trung tuyên truyền thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội;
Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12-4-2021 để triển khai thực hiện Nghị định 32 nhằm để cán bộ, đảng viên, cán bộ, công chức phường nắm vững những nội dung cơ bản và thực hiện đúng quy định. Tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và Nhân dân.
Về công tác chuẩn bị, ông Tuấn Anh cho biết, đã rà soát phương án sắp xếp, đề nghị UBND quận bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch. Bên cạnh đó rà soát hiện trạng đội ngũ công chức, người hoạt động không chuyên trách ở phường và ở tổ dân phố phục vụ việc phân công cán bộ, công chức một cách bài bản, thận trọng, đúng quy định của pháp luật".
Ông Tuấn Anh khẳng định, tất cả hệ thống chính trị và người dân toàn phường đã hoàn thành công tác chuẩn bị và bước vào việc tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị tại phường từ hôm nay 1.7 với tâm thế tốt nhất.
Một trong những điểm đột phá về cải cách hành chính trong chính quyền đô thị là việc ủy quyền cho công chức tư pháp giải quyết một số thủ tục, như ký chứng thực tư pháp - hộ tịch.
Đa số người dân Hà Nội đều bày tỏ mong muốn những công việc liên quan tới giấy tờ, các thủ tục hành chính sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí khi thí điểm triển khai mô hình chính quyền đô thị.
Theo bà Nguyễn Hải Yến, trú tại ngõ 20 Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bày tỏ, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, người dân đến cơ quan UBND các cấp sẽ được giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi. Đồng thời, khi bố trí sắp xếp bộ máy cán bộ, công chức theo đúng quy định và vị trí việc làm thì lãnh đạo UBND phường sẽ có thời gian tập trung làm những công việc khác sâu hơn, phân quyền phân cấp rõ ràng hơn, đồng thời người dân được giải quyết hồ sơ nhanh hơn.
Theo bà Yến, mặc dù không còn HĐND phường như trước nhưng người dân cũng rất tin tưởng, những ý kiến, kiến nghị của người dân vẫn được chính quyền địa phương tiếp thu đầy đủ, giải quyết sớm nhất theo thẩm quyền. Trong đó, vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ được phát huy hơn nữa để giám sát, mang tiếng nói của người dân tới cơ quan chức năng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại các phường không có gì thay đổi nhiều về công việc, bởi dù bỏ HĐND phường nhưng hoạt động của phường vẫn dưới sự giám sát của HĐND quận.
Ông Khang nói, khi từ chính quyền 3 cấp thành chính quyền 2 cấp, nên sau này các khâu công việc giải quyết cho người dân sẽ triển khai nhanh hơn. Trong đó có việc lãnh đạo UBND phường ủy quyền cho cán bộ tư pháp được ký các hồ sơ chứng thực nên sẽ thường xuyên và trực tiếp luôn. Việc này không còn phải chờ lãnh đạo ký nữa mà cán bộ đó được ký ngay và trả hồ sơ cho Nhân dân nhanh hơn.
3 lãnh đạo UBND phường và có thêm 1 cán bộ tư pháp thực hiện việc này, nên lãnh đạo UBND phường sẽ có thời gian tập trung làm những công việc khác sâu hơn, phân quyền phân cấp rõ ràng hơn, đồng thời người dân được giải quyết hồ sơ nhanh hơn.
Ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho hay, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị góp phần phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các phường trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất. Việc này sẽ đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của quận nói riêng, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô nói chung.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại