Vẫn còn nhiều lao động tự do mất việc chưa thể tiếp cận gói hỗ trợ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững tình huống trớ trêu
Dĩ nhiên, vị cán bộ tổ dân phố đó có thể chưa nắm được hướng dẫn đầy đủ về thủ tục để người lao động tự do có thể nhận được hỗ trợ gặp khó khăn do Covid-19, vì người thợ nói trên đã đăng ký tạm trú tại phường. Đó cũng là một lỗ hổng trong công tác triển khai gói hỗ trợ đến người lao động tự do bị mất việc do Covid-19. Bên cạnh đó, có một thực tế, rất nhiều lao động tự do chưa kịp đăng ký tạm trú. Nhưng cũng không thể về quê vì giãn cách, đang mắc kẹt ở Hà Nội. Hiện nay nhiều người dân lao động nghèo hiện đang sinh sống ở các khu vực nhà trọ, xóm lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa. Họ không có thu nhập, không biết trông vào đâu để duy trì cuộc sống qua những đợt giãn cách.
Theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn TP, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND TP.
Một nhóm từ thiện trao quà hỗ trợ cho các thợ xây tại khu lán tạm ở Dương Nội, Hà Đông. Ảnh: Ngọc Thành |
Người lao động tự do được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Cư trú hợp pháp; Bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến ngày 31-12-2021. Đối với các trường hợp người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (21-7-2021) áp dụng theo văn bản chỉ đạo của UBND TP hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Người lao động lập hồ sơ theo mẫu gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ; Bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp. Nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại. Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 31-1-2022.
Trong bối cảnh các TP, địa phương thực hiện tinh thần giãn cách “ai ở đâu, ở đấy” theo Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31-7 của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động đang gặp khó khăn do Covid-19, đặc biệt là lao động tự do lại càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và đòi hỏi cần có những cách tiếp cận hỗ trợ phù hợp tới tình hình thực tế. Bởi lẽ, hỗ trợ kịp thời cho người lao động là một trong những yếu tố đảm bảo để công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Nghị quyết 68/NQ-CP quy định các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ người lao động tự do nhằm tạo sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc thực hiện hỗ trợ tùy theo tình hình thực tế. Thế nhưng việc triển chính sách hỗ trợ lao động tự do vẫn còn những băn khoăn.
Giải bài toàn khó
Trong 63 tỉnh và TP, TP HCM là địa phương chủ động nhất trong hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19. Ngoài 6 nhóm lao động tự do được hỗ trợ gồm bảo mẫu, thợ hồ, sửa xe, xe ôm công nghệ, bán báo dạo… Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP HCM cũng đã yêu cầu các các quận, huyện và TP Thủ Đức thống kê số lượng lao động tự do gặp khó khăn do Covid-19 sẽ để Sở đề xuất TP bổ sung hỗ trợ những lao động này từ nguồn Quỹ phòng chống dịch Covid-19. Đáng lưu ý là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP HCM đã đề xuất những trường hợp lao động tự do chưa đăng ký tạm trú theo quy định cũng sẽ được hỗ trợ. Nhóm đối tượng này sẽ giao các quận huyện và TP Thủ Đức rà soát, hỗ trợ từ các nguồn vận động hợp pháp của cơ sở để chia sẻ khó khăn với người lao động. Dĩ nhiên, vì ngân sách có hạn, việc nới thủ tục hỗ trợ lao động tự do vẫn còn là “bài toán khó” của các địa phương.
Ông André Gama, chuyên gia phụ trách chương trình về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam chỉ ra rằng do nhiều người lao động không được ghi nhận trong các hệ thống dữ liệu chính thức, do đó các chương trình hướng tới một số nhóm lao động cụ thể có thể trở nên rất phức tạp, tốn kém và mất thời gian để có thể thực hiện được. Các gói hỗ trợ Covid-19 có thể hướng tới các nhóm dân số cụ thể chịu tác động nặng nề của đại dịch (như một số tỉnh, thành hoặc các ngành kinh tế cụ thể), từ đó được áp dụng cho toàn bộ dân số trong các nhóm này.
Để kịp thời có thể hỗ trợ lao động tự do, ông Phạm Quang Tú - Phó GĐ quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, TP mở rộng hỗ trợ tất cả các nhóm việc làm khác nhau của người lao động tự do và dựa trên một tiêu chí duy nhất, đó là bị giảm hoặc mất việc làm do tác động của Covid-19, bỏ yêu cầu người dân chứng minh cư trú hợp pháp có đăng ký thường trú hoặc tạm trú khi đăng ký nhận hỗ trợ. Đối với chính sách hỗ trợ nhóm lao động di cư tự do, ông Phạm Quang Tú đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa tỉnh có lao động đi và tỉnh, TP có lao động đến.
Một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đặc biệt là lao động di cư không nhận được hỗ trợ vì quy định phải “cư trú hợp pháp” tức là phải thường trú, hoặc tạm trú được cơ quan công an xác nhận. Với đặc điểm của lao động di cư tự do thường xuyên thay đổi nơi làm việc, chỗ ở nên quy định này đã trở thành rào cản lớn đối với việc hỗ trợ nhóm đối tượng này, trong khi lực lượng lao động này ở các TP lớn là không nhỏ. Kể các nhóm lao động đã đăng ký tạm trú, nhưng việc họ có thể về nơi thường trú để xin xác nhận không hưởng trợ cấp tại nơi thường trú gần như là bất khả thi trong giai đoạn này. Và nếu có về được nơi thường trú thì họ cũng chẳng quay lại nơi tạm trú trong lúc đang giãn cách làm gì. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại