Thứ sáu 24/01/2025 04:06

Vẫn nhộn nhịp bán thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội sau cảnh báo của Bộ Y tế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù Bộ Y tế đã đưa ra nhiều khuyến cáo về việc tự ý sử dụng thuốc điều trị Covid-19, đồng thời cũng khẳng định, việc mua bán mua, bán sử dụng thuốc có dược chất Molnupiravir, Favipiravir trên mạng xã hội là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược. Vậy nhưng mặc kệ những cảnh báo, thị trường thuốc điều trị Covid-19 trên các mạng xã hội vẫn không có dấu hiệu dừng lại.
Vẫn nhộn nhịp bán thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội sau cảnh báo của Bộ Y tế
Thuốc Molaz được bán giá dao động từ 4 triệu - 4,5 triệu/hộp ở trên mạng

Nhộn nhịp "chợ" bán thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội

Trong vai một người có nhu cầu mua thuốc điều trị Covid-19, phóng viên đã liên hệ với một phụ nữ có tên P.U sau khi người này đăng tải có bán thuốc Molaz trên mạng xã hội. Người phụ nữ cho biết mình ở trong Tp Hồ Chí Minh, chuyên cung cấp thuốc Molaz điều trị Covid-19. Sau khi hỏi các thông tin cơ bản về giới tính, tuổi, cũng như tình trạng của bệnh nhân một cách rất… chuyên nghiệp, U. tư vấn, với lứa tuổi trên 70, có bệnh nền thì nên sử dụng thuốc Molaz của Ấn Độ hoặc Mylan.

“Thuốc của Ấn Độ thì có giá 4 triệu/hộp, thuốc của Mylano có giá 4.5 triệu/hộp. Mỗi hộp 40 viên 200mg. Thuốc uống trong 5 ngày, mỗi ngày 8 viên, tuy nhiên nếu người trẻ không triệu chứng có thể chỉ phải uống 3 ngày. Nhưng đối với người già có bệnh nền thì nên uống 7 hôm cho an toàn.” U. nói. Và U. cũng nhanh nhẹn tư vấn, để đảm bảo dùng tốt nhất nên mua thuốc của Mylano, bởi loại này được hợp tác với hãng dược Pfizer. “Khi uống thuốc Molaz để điều trị Covid-19 thì uống đồng thời với các thuốc khác như thuốc huyết áp, tiểu đường… theo chỉ định của bác sỹ nha.” – U. dặn dò thêm.

Về nguồn gốc thuốc, U. cho biết hàng Molaz chị ta cung cấp là hàng xách tay. “Bởi bên em có làm việc với Hải quan nên hàng thông quan đều. Bên em không có bill, nhưng em đảm bảo nguồn gốc cũng như chất lượng thuốc. Nếu chị ở Hà Nội em sẽ chuyển máy bay ra, nay gửi mai là nhận được thuốc. Chị có thể kiểm tra trước khi nhận hàng.” – U. nói.

Cũng để tăng thêm lòng tin với khách hàng, U. gửi cho phóng viên cách phân biệt, nhận biết thuốc Molaz giả - thật. “Cẩn thận nha kẻo mua phải thuốc giả thì hại đến sức khỏe của bà.” – U. dặn dò.

Tiếp tục liên hệ với một tài khoản L.Q.T, người này cho biết anh ta ở Hà Nội và chuyên cung cấp thuốc Avigan 200mg của Nhật. “Nếu bạn mua theo liệu trình 40 viên thì có 2 mức giá. Nếu lấy 4 vỉ (40 viên) chỉ có vỉ, không vỏ hộp giá là 9 triệu, nếu muốn lấy 4 vỉ có đủ hộp, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Nhật thì giá là 10 triệu. Còn nếu muốn lấy cả hộp (10 vỉ, 100 viên) giá là 20 triệu.” – T. nói.

Về xuất xứ nguồn gốc, T. khẳng định hàng của T. đảm bảo. “Bởi mình có người nhà làm ở công ty Dược bên Nhật nên mới có nguồn về Việt Nam như vậy.” T. nói thêm, việc sử dụng thuốc Avigan không phải lo có tác dụng phụ, bởi Avigan tên thương mại của thuốc Favipiravir, là thuốc chữa cúm. Thuốc do công ty dược Fujifilm Toyama Chemical của Nhật Bản bào chế cách đây 6 năm.

Vẫn nhộn nhịp bán thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội sau cảnh báo của Bộ Y tế
1 hộp 10 vỉ Avigan Nhật có giá là 20 triệu

Sau khi có dịch Covid, đã có nghiên cứu cho thấy Avigan có tác dụng trong việc điều trị Covid nên Chính phủ Nhật đã nhanh chóng cấp phép cho thuốc này được lưu hành trong việc điều trị Covid-19. “Thuốc Avigan được sản xuất làm 2 loại, 1 loại xuất khẩu sang Việt Nam có chú thích, hướng dẫn bằng tiếng Anh. Còn loại mình bán là hàng nội địa Nhật, hoàn toàn bằng tiếng Nhật.” – T. cho biết.

Ngoài ra, T. cũng cho biết, nếu chỉ muốn mua để tích trữ thì có thể đặt trước. “Bạn cứ đặt cọc 2 triệu nếu mua liệu trình, sau 1 tuần sẽ có thuốc về cho bạn. Nếu dùng hình thức này bạn sẽ tiết kiệm được 1 triệu. Nếu mua cả hộp thì chỉ còn 18 triệu thay vì 20 triệu của thuốc có sẵn.” – T. tư vấn.

Thuốc, phải uống đúng thời điểm và đúng chỉ định

Số lượng F0 của Hà Nội tăng cao, đồng nghĩa với nhiều F0 đang điều trị tại nhà. Việc điều trị tại nhà cùng với nỗi lo lắng cho sức khỏe nên không ít người đã chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu để mua cho mình một liều thuốc trôi nổi trên mạng xã hội để nhằm mong khỏi bệnh. Tuy nhiên, việc mua thuốc tự điều trị mà không có chỉ định cũng như không có sự theo dõi của bác sỹ vốn lợi bất cập hại. Đó là chưa nói việc mua và sử dụng thuốc trôi nổi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bởi thuốc giả, thuốc kém chất lượng…

Về câu chuyện này, Tiến sỹ - bác sỹ Tạ Quang Thành, bác sỹ trong mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cho biết, kinh nghiệm của anh trong rất nhiều những ca F0 trong Tp Hồ Chí Minh và Bình Dương trong thời gian qua, thì không phải với bệnh nhân nào cũng phải dùng thuốc. Thuốc, phải uống đúng thời điểm và đúng chỉ định. Đôi khi, việc không dùng thuốc để cơ thể tự sinh những kháng thể tự nhiên là cách điều trị tốt nhất.

“Các thuốc điều trị Covid-19 hiện nay đã phần là các thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm và chỉ dành cho bệnh nhân có triệu chứng và bệnh nền, bệnh nhân trên 60 tuổi. Bởi đang thử nghiệm nên lợi ích và nguy cơ của thuốc cân bằng. Nói là đặc trị là do cách dân mình tự huyễn hoặc chứ chưa có khẳng định lâu dài. Ở một góc độ nào đó cho thấy dùng Monupiravir, Remdesivir, Favipiravir… sẽ làm giảm lượng virus trong máu nhanh. Còn nếu có khỏi nhanh hay không thì chỉ có vài nghiên cứu khiêm tốn và ngắn hạn, chưa kể việc tái mắc cũng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được.” – Tiến sỹ Thành cho biết.

Thế nên theo Tiến sỹ Thành, các bệnh nhân hiện đang điều trị ở nhà không nên tự ý dùng thuốc, đặc biết là những loại thuốc đang bán trôi nổi trên mạng. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục, khó thở, bệnh nhân có bệnh nền chưa kiểm soát… thì liên hệ với y tế địa phương để được nhập viện điều trị.

Bộ Y tế có thông tin về thuốc Molnupiravir và các lưu ý khi sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị Covid-19.

Theo Bộ Y tế, vừa qua, một số báo có đăng tải thông tin về việc Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) "loại thuốc Molnupiravir khỏi danh mục thuốc điều trị Covid-19 do lo ngại tác dụng phụ".

Tuy nhiên, theo trang tin india.com đăng tải ngày 5-1 trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Bhargava, Tổng Giám đốc của ICMR - là Cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng phác đồ điều trị Covid-19 tại Ấn Độ - về việc ICMR đến nay vẫn chưa cập nhật thuốc Molnupiravir vào danh sách các thuốc điều trị Covid-19 theo phác đồ của ICMR do quan ngại về một số phản ứng phụ như đột biến gene, tổn hại đến cơ và xương có thể dẫn tới các nguy cơ cho việc mang thai và cho trẻ em (không phải ICMR loại Molnupiravir ra khỏi danh sách các thuốc điều trị Covid-19).

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động