Vì sao sản phẩm của hệ thống đa cấp gần như không bán ra trên thị trường?!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBán hàng trong nội bộ chỉ để tăng cấp bậc
Mặc dù trên thị trường đã có thời điểm có hàng trăm DN bán hàng đa cấp, nhưng đến nay chỉ có một số nhãn hiệu sản phẩm của các DN bán hàng đa cấp được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhìn từ góc độ cách thức tổ chức tiêu thụ, từ kế hoạch trả thưởng của các DN bán hàng đa cấp, cũng có nhiều DN chưa có cơ chế khuyến khích người tham gia bán lẻ hàng hóa ra thị trường. Một số DN không có khoản hoa hồng dành cho nỗ lực bán hàng của từng cá nhân, mà chủ yếu tập trung vào hoa hồng đội nhóm, hoa hồng hệ thống.
Hoạt động này cần phải được xem xét và có biện pháp điều chỉnh để phù hợp với các nguyên tắc quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp |
Chính vì vậy, người tham gia bán hàng đa cấp của các DN này chỉ tập trung xây dựng hệ thống nhằm tăng doanh số hệ thống, từ đó mang lại thu nhập cho mình. Hàng hóa của DN được mua chủ yếu bởi chính người tham gia trong hệ thống của DN nhằm các mục đích như duy trì năng động, đạt chỉ tiêu xét cấp bậc, đạt điều kiện được chi trả hoa hồng. Để người tham gia nhanh chóng đạt được cấp bậc, các DN thiết kế những gói sản phẩm gộp nhiều sản phẩm, có giá lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để người tham gia mua trong 1 lần mua, trong 1 đơn hàng hay trong một kì tính thưởng mà không quan tâm đến việc người mua có nhu cầu sử dụng hay không, có thể bán được hàng hay không.
Với cách thiết kế này, mỗi người tham gia cũng có xu hướng kêu gọi tuyến dưới của mình, hay những người mới tham gia chưa thực sự hiểu biết, mua hàng với số lượng lớn để đạt cấp bậc, mang lại hoa hồng cho chính người mua và tuyến trên. Cứ như vậy, hoạt động bán hàng không còn được chú trọng, mà hoạt động đầu tư, đầu cơ có xu hướng phát triển.
Người tham gia bán hàng đa cấp mua nhiều hàng để đạt cấp bậc nhưng không sử dụng hết. Đối với một số loại sản phẩm có nhãn hiệu, thị trường có nhu cầu tiêu dùng, thì người tham gia mua số lượng lớn để đạt chuẩn theo kế hoạch trả thưởng nhằm hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng, sau đó bán hàng ra thị trường với giá thấp hơn nhiều giá mua từ Cty. Điều này khiến những người tham gia khác không thể bán được hàng, và dẫn đến những mâu thuẫn trong bản thân hệ thống bán hàng đa cấp của một DN. Các DN cũng đã có nhiều phản ánh về tình trạng bán phá giá tràn lan trên các sàn thương mại điện tử.
Đối với các DN chỉ tiêu dùng nội bộ, về lâu dài, khi người tham gia không còn đủ khả năng tài chính để mua nhiều hàng, không còn kêu gọi được người tham gia mới đầu tư các đơn hàng lớn, thì hệ thống bán hàng đa cấp của DN sẽ có nguy cơ bị sụp đổ. Những người tham gia sau, ở các tầng dưới cùng, đã bỏ nhiều tiền mua hàng mà không bán được sẽ chịu thiệt hại bởi hoa hồng họ nhận được chưa đủ bù đắp lại khoản tiền đã bỏ ra.
Ngoài ra, một số trường hợp các DN bán hàng đa cấp ở quốc gia khác muốn mở rộng thị trường sang Việt Nam (thậm chí đã thành lập pháp nhân tại Việt Nam và đang tiến hành thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với Bộ Công Thương), các DN này đã cho phép nhà phân phối của mình ở nước ngoài làm tiền thị trường tại Việt Nam trái phép (xây dựng hệ thống người tham gia, giới thiệu sản phẩm...). Mục đích để sau khi được cấp giấy chứng nhận sẽ chính thức hợp pháp hóa hệ thống và hưởng hoa hồng từ hệ thống đã xây dựng từ trước tại thị trường Việt Nam.
Cần xem xét và có biện pháp điều chỉnh để phù hợp
Hệ thống bán hàng đa cấp còn có một thuật ngữ là “Bảo trợ quốc tế”, ở đây được hiểu là việc một người tham gia bán hàng đa cấp ở nước này tuyển dụng, giới thiệu hoặc chỉ định một người ở nước khác tham gia vào hệ thống tuyến dưới của mình. Theo đó, người bảo trợ sẽ nhận được hoa hồng, tiền thưởng dựa trên kết quả kinh doanh của hệ thống tuyến dưới ở nước ngoài.
Tuy nhiên, hoạt động này cần phải được xem xét và có biện pháp điều chỉnh để phù hợp với các nguyên tắc quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Trong một số trường hợp, theo chính sách và thỏa thuận giữa DN Việt Nam và DN tại nước ngoài, việc trả tiền thưởng, hoa hồng theo bảo trợ quốc tế có thể được thực hiện chéo giữa hai bên với nhiều hình thức khác nhau, trong đó bao gồm cả việc hai bên trả hộ khoản tiền hoa hồng cho nhà phân phối của nhau. Việc trả hộ sau đó được kê khai và cấn trừ giữa hai bên mà không có khoản tiền chuyển trả lại, không phát sinh việc chuyển tiền tránh được việc giám sát và quản lý của cơ quan thuế.
Cùng với đó, DN Việt Nam có thể lợi dụng chính sách này để chuyển doanh thu ra nước ngoài với lý do trả thưởng cho người bảo trợ quốc tế của nhà phân phối ở Việt Nam trong khi cơ quan quản lý không có cơ chế giám sát, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo phân tích của các chuyên gia, để đảm bảo nguyên tắc minh bạch trong hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam, DN bán hàng đa cấp tại Việt Nam không được sử dụng doanh số của người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam phát sinh từ hệ thống tuyến dưới ở nước ngoài để tính thành tích, cấp bậc và làm căn cứ chi trả hoa hồng cho người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Đồng thời, DN bán hàng đa cấp tại Việt Nam không được chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp phát sinh từ hoạt động của hệ thống tuyến dưới bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại