Thứ năm 23/01/2025 11:02
Viết tiếp bài: “Phiên tòa vì đất day dứt tình”:

Vì sao tòa không chấp nhận phản tố của bị đơn?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại phiên tòa, bị đơn đưa ra quan điểm phản tố khi cho rằng nguyên đơn và cũng là chị gái ruột của mình không được cấp đất nông nghiệp nhưng vẫn khởi kiện đòi quyền được chia đất. Vậy như thế nào là phản tố và phản tố được áp dụng trong trường hợp nào?
Tại thửa đất có công trình nhà cấp 4, HĐXX công nhận bà Vân được quyền sở hữu, sử dụng diện tích 76m2 đất.	 Ảnh: G.B.
Tại thửa đất có công trình nhà cấp 4, HĐXX công nhận bà Vân được quyền sở hữu, sử dụng diện tích 76m2 đất. Ảnh: G.B.

Bị đơn phản tố?

PL&XH số ra ngày 22/11/2022 có bài viết phản ánh, trong các ngày 30 và 31/8/2022 tại Trụ sở TAND huyện Hoài Đức, TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án dân sự: "Tranh chấp chia thừa kế và công nhận quyền sử dụng đất”. Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Vân, còn bị đơn là ông Nguyễn Hưng Hoạt. Cả hai là chị em ruột cùng thường trú tại thôn Độc Lập, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Tại phiên tòa, bà Vân trình bày, gia đình có bố bà là Nguyễn Hưng Điểm, chết năm 2007, mẹ là Nguyễn Thị Dung. Bố mẹ bà sinh được 07 anh chị em gồm: Nguyễn Thị Kim, SN 1965, Nguyễn Thị Cúc, SN 1969 (chết năm 1980 không có chồng, con), Nguyễn Thị Vân, SN 1972, Nguyễn Thị Vy, SN 1975, Nguyễn Thị Lâm, SN 1977, Nguyễn Thị Linh, SN 1981 (chết năm 2002 không có chồng, con) và ông Nguyễn Hưng Hoạt, SN 1983.

Bà Vân đề nghị, đối với đất dịch vụ chia làm 5 phần gồm của bố mẹ, bà Linh, ông Hoạt và bà. Mỗi phần được 15,94m2 đất. Đối với đất nông nghiệp còn lại là 266m2 đã xây nhà bà cũng đề nghị chia làm 5 phần của 5 người gồm bố mẹ, bà Linh, ông Hoạt và bà mỗi phần 53,2m2 đất. Phần của bà thì trả cho bà, phần của bố bà, bà Linh chia thừa kế theo pháp luật…

Ở vụ án này liên quan đến hai lần phản tố. Lần thứ nhất, ông Nguyễn Hưng Hoạt không đồng ý với việc bà Vân khởi kiện vì bà không được cấp đất nông nghiệp. Tại thời điểm cấp đất bà Vân không thường trú tại địa phương. Ông Hoạt yêu cầu phản tố đề nghị tòa án bác yêu cầu khởi kiện của bà Vân.

Lần phản tố thứ hai là việc cụ Dung cùng các con là Lâm, Vy và Hoạt buộc bà Vân phải trả lạ̣i diện tích đất 19m2 đất trước đây bà Lâm đã chuyển nhượng cho bà Vân.

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội giải thích về yêu cầu phản tố theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Phản tố là quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, thực chất việc phản tố là việc bị đơn khởi kiện ngược lại người đã kiện mình (tức là kiện ngược trở lại với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn), nhưng được xem xét, giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án vì việc giải quyết yêu cầu của hai bên có yêu cầu chặt chẽ với nhau.

Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ phát sinh khi có việc nguyên đơn kiện bị đơn và toà án có thẩm quyền thụ lý vụ việc đối với yêu cầu của nguyên đơn, sau đó bị đơn cũng cho rằng, quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm và có đơn yêu cầu tòa án giải quyết những vấn đề có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn trong cùng một vụ án dân sự.

Cũng theo Luật sư Bùi Quang Thu, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Việc đưa ra yêu cầu phản tố được thực hiện theo thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Như vậy, về bản chất đưa ra yêu cầu phản tố cũng giống như việc khởi kiện một vụ án, vì vậy vai trò của bị đơn lúc này cũng đã khác, không chỉ đơn thuần là bị đơn mà kiêm luôn quyền và nghĩa vụ của một nguyên đơn trong vụ án dân sự.

Phản tố không được HĐXX chấp thuận

Quay trở lại vụ án: "Tranh chấp chia thừa kế và công nhận quyền sử dụng đất” được đề cập ở trên, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã không chấp thuận yêu cầu phản tố của bị đơn là ông Nguyễn Hưng Hoạt. Lý do, năm 1991, hộ gia đình cụ Nguyễn Hưng Điểm được cấp tổng diện tích đất nông nghiệp 1.682m2 cho 07 nhân khẩu bao gồm: Cụ Điểm, cụ Dung, bà Vân, bà Vy, bà Lâm, bà Linh và ông Hoạt. Mỗi nhân khẩu được cấp tương đương 240,28m2. Do đó, yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cho rằng bà Vân không được cấp đất nông nghiệp là không có cơ sở chấp nhận.

Về việc cụ Dung cùng các con là Lâm, Vy và Hoạt phản tố buộc bà Vân phải trả lại diện tích đất 19m2 đất trước đây bà Lâm đã chuyển nhượng cho bà Vân. HĐXX xét thấy, việc mua bán diễn ra đã lâu, ngoài lời trình bày thì các bên đương sự không có các tài liệu chứng cứ xác thực, do đó không có căn cứ chấp nhận...

HĐXX quyết định, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Vân về việc công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Hưng Điểm.

Tại thửa đất nông nghiệp số 14/166 khoảnh 1, thôn Độc Lập, xã La Phù, rộng 266m2. Ông Hoạt cho rằng đây là đất của mình. Về phía bà Vân cho biết mình từng bỏ tiền xây dựng nhà cấp 4, bể nước, nhà vệ sinh trên một phần thửa đất này nhưng ở được vài năm thì bị em ruột là ông Hoạt không cho ở, buộc bà phải ra khỏi nhà. HĐXX quyết định, bà Vân được quyền sở hữu, sử dụng diện tích 76m2 đất. Ông Hoạt được quyền sở hữu, sử dụng diện tích 190m2 đất. Vì diện tích đất được chia không nằm trên phần công trình bà Vân trước đây xây dựng nên HĐXX yêu cầu ông Hoạt phải thanh toán cho bà Vân giá trị các tài sản xây dựng là 49.443.000 đồng. Ông Hoạt được sử dụng các phần diện tích xây dựng này.

Đối với thửa đất số 36, thôn Độc Lập, xã La Phù, ông Hoạt được hưởng 79,7m2 đất dịch vụ. Vì phần diện tích đất này bà Vân cũng được hưởng 23,91m2 đất nên để sử dụng được hết 79,9m2 đất, ông Hoạt phải thanh toán cho bà Vân số tiền 1.434.600.000 đồng. Cộng cả số tiền xây dựng công trình nói trên, ông Hoạt phải thanh toán số tiền chênh lệch tài sản cho bà Vân là 1.484.043.000đ (Một tỷ bốn trăm tám mươi tư triệu không trăm bốn mươi ba nghìn đồng)”…

Theo quy định tại điểm C khoản 1 Điều 200, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bị đơn được “Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị bù trừ với nghĩa vụ mà nguyên đơn yêu cầu”. Theo quy định này thì yêu cầu phản tố chỉ được thực hiện khi và chỉ khi bị đơn có yêu cầu đối với nguyên đơn.
Phiên tòa vì đất day dứt tình
Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động